Đường dẫn truy cập

Nước Mỹ vẫn lạc quan


Tưởng niệm biến cố "911" lần thứ 20, New York.
Tưởng niệm biến cố "911" lần thứ 20, New York.

Tháng trước, 5,000 quân Mỹ đã tổ chức cuộc không vận lớn chưa từng thấy trong lịch sử, đưa hơn 120,000 người thoát ra khỏi nước Afghanistan trong 12 ngày. Tại phi trường Kabul hỗn loạn Đài Truyền hình của chính phủ Iran phỏng vấn một viên chức Taliban. Nhà báo Iran hỏi một câu hóc búa: “Tại sao Taliban mới nắm quyền mà nhiều người muốn bỏ đi như vậy?”

Phát ngôn viên của chính quyền Taliban giải thích: “Khi người Mỹ đem máy bay đến chỗ nào, nói họ sẽ đưa qua Mỹ dân bất cứ nước nào cũng được, thì người từ bốn phương sẽ chạy tới để được leo lên máy bay!” Chàng phóng viên Iran bác bỏ, nói rằng dân Iran chúng tôi thì không! Viên chức Taliban lắc đầu, không tin!

Một người Taliban, chắc không ưa gì nước Mỹ, cũng biết rằng bao nhiêu người khắp thế giới coi Mỹ là một miền đất hứa hẹn tương lai. Những gia đình Việt Nam liều chết xuống thuyền vượt biển sau năm 1975; dân tị nạn từ Syria, Somalia; những sinh viên gốc Ấn Độ, Trung Hoa tốt nghiệp rồi tìm việc làm để ở lại; cho tới những bà mẹ ở Guatalama hay Ecuador gửi con đến tận biên giới Mexico.

Dân Mỹ thường vẫn than phiền rằng nước họ đang xuống dốc! Đánh nhau ở Afghanistan 20 năm chẳng nên tích sự gì; đến lúc rút đi lại càng hỏng việc! Chỉ một chuyện chích ngừa, đeo mạng cũng cãi cọ, đưa nhau ra hết tòa này tới tòa khác, dù biết 650 ngàn người đã chết! Bầu cử xong, bên thua vẫn tố cáo bên thắng là gian lận! Nhưng người nước ngoài, từ Afghanistan tới châu Mỹ Latinh thì vẫn liều mạng tìm cách vào nước Mỹ sống!

Đọc diễn văn tưởng niệm các nạn nhân vụ 11 tháng 9, cựu Tổng thống Georges W. Bush nói:

“Trong lúc có những người sinh ra ở đây khuấy động lòng thù ghét và dùng bạo lực chống lại những ai họ cho là người ngoài, thì tôi thấy nhiều người Mỹ vẫn xác định lại rằng họ hoang nghênh những người tị nạn và di dân. Đó là người dân Mỹ mà tôi vẫn biết.”

Ông Bush nhớ lại ngày 11 tháng Chín, 2001, khi ông mới lên làm tổng thống, “Trong ngày thử thách đau buồn đó tôi đã thấy hàng triệu người Mỹ tự động nắm tay người hàng xóm của mình, đoàn kết vì một lý tưởng chung. Đó là nước Mỹ mà tôi biết.”

Ông Bush còn nhắc đến tôn giáo, vì thủ phạm đánh sập tòa nhà World Trade Center là các người Hồi Giáo cực đoan quá khích: “Trong thời gian những tư tưởng kỳ thị tôn giáo được tung ra, tôi đã thấy những người Mỹ gạt bỏ thành kiến, sẵn lòng chấp nhận những người theo Hồi Giáo. Đó là nước Mỹ mà tôi biết.” Năm nay, một thẩm phán Hồi Giáo đầu tiên được bổ nhiệm vào tòa án liên bang.

Trước ngày 11 tháng Chín 2001, các công dân Mỹ theo Hồi Giáo thường sống thầm lặng, chìm trong đám đông. Họ có đủ các thành phần, các màu da, các chủng tộc. Nhưng từ năm 2001, họ đã công khai xuất hiện chứng tỏ họ cũng không khác gì người theo tôn giáo khác; tích cực tham gia đời sống chính trị. Số người ghi tên vào danh sách cử tri năm 2016 chiếm 60 phần trăm, đến năm 2020 đã tăng lên 78%. Năm 2006 một dân biểu đầu tiên theo Hồi Giáo, Keith Ellison được bầu vào Hạ viện. Hai năm sau, đến Andre Carson. Mười năm sau, đến lượt hai phụ nữ; Ilhan Omar, một di dân từ Somalia đến ở Minnesota, và Rashida Tlaib ở Detroit, cha mẹ gốc Palestine. Nếu cô Omar còn sống ở Somalia thì chắc khi ra đường vẫn phải được một người đàn ông đi kèm!

Những di dân, những người tị nạn đó đã thành công đồng thời đóng góp cho nước Mỹ. Trong số các công ty hàng đầu được xếp hạng Fortune 500, một nửa do di dân hay con cháu của họ dựng thành. Những công ty lớn nhất như Google, Tesla, Yahoo đều do các di dân sáng lập. Di dân Việt tới Mỹ ngay trong thế hệ đầu đã nhiều người thành tỷ phú, có người làm thứ trưởng cấp liên bang, một nhà văn được trao giải Pulitzer về văn chương và một “cậu bé” tuổi 30 làm thơ, mới ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên đã được coi là văn tài độc đáo.

Thuốc chủng (vaccine) theo phương pháp dùng mRNA hoàn toàn mới được Moderna và BioNTec-Pfizer áp dụng hiện đạt hiệu quả cao nhất thế giới.Loài người sẽ chế ra hàng ngàn loại vaccine mới theo phương pháp này. Phát minh đó là nhờ cố gắng gần 30 năm của một nữ giáo sư, di dân từ Hungary qua Mỹ. Bà đã bắt đầu nghiên cứu từ khi làm giáo sư ở Budapest, nhưng chỉ ở nước Mỹ mới có những phương tiện đầy đủ và các bạn đồng nghiệp đóng góp sáng kiến khi gặp bế tắc!

Nước Mỹ vẫn đứng đầu về phát minh, sáng kiến. Năm 2004 nước Mỹ cấp 1.63 triệu bằng sáng chế; đến năm 2019 có thêm 1 triệu rưỡi nữa. Năm 2020 người Mỹ đạt được hơn 59 ngàn bằng sáng chế có giá trị quốc tế; Trung Quốc chỉ có gần 69 ngàn, dù dân số đông gấp bốn lần. Những thứ chúng ta sử dụng hàng ngày như internet, điện thoại di động tinh khôn (smartphone), đều được sáng tạo ở Mỹ. Nhờ thế, trong thời gian bệnh dịch Covid-19 tràn lan, bao nhiêu người Mỹ vẫn làm việc ở nhà. Mười năm trước, chuyện này khó mà làm được.

Sức mạnh của nước Mỹ nằm trong các định chế. Hệ thống tư pháp bảo vệ quyền tự do của mọi người. Một cuộc bầu cử bị đả kích là “đầy gian lận” nhưng đã được nghị viện tất cả các tiểu bang chuẩn nhận, quốc hội liên bang đã phê chuẩn, hơn 20 vụ kiện phản đối bị tòa án bác bỏ. Chính phủ mới lên nắm quyền, sau năm bảy tháng “trăng mật” đã bắt đầu bị báo chí, các đài radio, truyền hình chỉ trích kịch liệt khi thấy các sai lầm trong vụ rút quân khỏi Afghanistan. Giới truyền thông ở Mỹ xưa nay vẫn làm nhiệm vụ đó.

Hệ thống tài chánh nước Mỹ được bảo đảm nhờ chế độ thượng tôn pháp luật đã thu hút tiền đầu tư khắp thế giới đổ vào, vì đồng tiền được tự do đến mà cũng được tự do mang đi. Từ khi bệnh dịch phát khởi đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng giá 80%. Trung Quốc, sống dưới chế độ cộng sản chính quyền hoạt động trong bí mật và luật pháp tùy tiện, không thể nào so sánh được.

Một dấu hiệu đáng mừng nhất của nước Mỹ là giới thanh niên ngày nay hướng đến các giá trị tinh thần nhiều hơn, không chuộng vật chất như các thế hệ trước. Ông Bush công nhận: “Trong lúc nhiều người nghĩ thế hệ đang lớn lên đều ích kỷ và suy đồi, tôi thấy những bạn trẻ ôm trong lòng lý tưởng phục vụ, vươn lên bằng các hành động vị tha. Đó là nước Mỹ mà tôi biết.”

Chúng ta có thể chia sẻ cách nhìn lạc quan và niềm hy vọng của ông Bush. Như người phát ngôn viên của chính quyền Taliban công nhận, bao nhiêu người trên thế giới vẫn tìm tới nước Mỹ khi hướng về tương lai. Dân Mỹ sẽ dần dần nhận ra sức mạnh đích thực của họ.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG