Hình chụp bán đảo Triều Tiên từ vệ tinh về đêm cho thấy miền Nam ngời sáng ánh điện nhưng miền Bắc lại chìm trong bóng tối. Cách đây hơn 60 năm, Liên bang Xô Viết đưa Kim il-Sung lên làm nhà lãnh đạo đầu tiên của Bắc Triều Tiên.
Bà Kondang Oh Hassig làm việc cho Học viện Phân tích Quốc phòng nói:
“Ông ta là một người có sức lôi cuốn quần chúng và ông có một nhân cách được sùng bái và cũng là người xuất sắc. Năng lực của cả nước được sử dụng để tạo nên một hào quang và một loại tôn giáo tôn sùng cá nhân xem ông như là một người bất khả chiến bại.”
Chính vào đầu những năm 1960 khi ông Kim il-Sung bắt đầu thực hiện một hệ thống nông nghiệp hoàn toàn tự túc, thường được gọi là Juche. Mọi người tự nuôi sống mình, không cần sự giúp đỡ của thế giới bên ngoài. Tuy nhiên dù có sử dụng những ngôn từ sáo rỗng về chính trị như vậy, Bắc Triều Tiên vẫn cần sự giúp đỡ lớn lao của thế giới bên ngoài, chính yếu là của Trung Quốc và Liên bang Xô Viết.
Bà Oh nhận xét:
“Họ phải trông cậy vào 2 quốc gia cộng sản đó, do đó cái gọi là tự lực, tiếng Triều Tiên là Juche, chỉ là một lối nói khôi hài.”
Vào giữa những năm 1990, triết lý Juche, cùng với một loạt hạn hán và lụt lội cũng như sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết đã đưa đến nạn đói dữ dội tại Bắc Triều Tiên.
Ông Scott Snyder thuộc Quỹ châu Á (Asia Foundation) nói:
“Nỗ lực rộng lớn để tự lực trong lãnh vực lương thực lại chỉ đưa đến hậu quả trong một tai họa thiên nhiên.”
Ông Jae Ku, thuộc trường đại học Johns Hopkins và làm việc tại Học Viện Mỹ-Triều Tiên cho biết:
“Có đến khoảng 2 triệu người có thể đã chết đói. Chúng tôi gọi đó là nạn đói vô hình vì không ai dám thách thức nhà nước và họ cứ lẳng lặng chết một cách âm thầm. Và nạn đói thực sự đánh dấu một sự thay đổi về mô hình mẫu trong xã hội Bắc Triều Tiên.”
Chuyên gia Oh cho biết:
“Mọi người khôn ngoan hơn. Tự lực là một trò khôi hài. Lương thực do nhà nước cung cấp ư? Cũng là một trò khôi hài. Lòng từ tâm của nhà cầm quyền hả? Người dân nghĩ ‘Tôi phải tự lực cánh sinh’.”
Năm 1994, vào lúc bắt đầu của nạn đói kéo dài 3 năm, Kim il-Sung chết. Kim Jong-il con trai của ông kế vị ông. Không bao lâu, mọi người thấy rõ là người con thiếu kỹ năng về chính trị của người cha.
Theo chuyên gia Oh, mọi người khám phá ra rằng, người con, nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-il không thích dân chúng cho lắm. Biệt danh của người cha là ‘Nhà lãnh đạo đến với quần chúng’ còn người con được gọi là ‘Nhà lãnh đạo xa rời quần chúng’.
Năm ngoái, Bắc Triều Tiên hạ giá đồng bạc. Chút ít tiền của mà người dân Bắc Triều Tiên chắt bóp ăn nhịn để dành thoắt trở thành vô giá trị. Nền kinh tế, phụ thuộc vào thị trường chợ đen, bị sụp đổ. Nếu tài sản nhỏ nhoi của một người dân nào đó tích lũy trị giá 100 đô la, thì sau đó chỉ còn trị giá 1 đô la.
Việc chuyển đổi tiền tệ ảnh hưởng đến hầu hết người dân Bắc Triều Tiên, gồm cả những người trung thành với đảng, hầu hết là cư dân thành thị có mối quan hệ với quân đội hay chính trị.
Ông Ku, thuộc học viện Mỹ- Triều Tiên, đại học Johns Hopkisn cho biết:
“Tôi nghĩ những người thường được xem như là trung thành với chế độ bây giờ nghĩ lại họ không còn tin tưởng và trung thành với chế độ như trước đây.”
Đứng trước quần chúng nhiều nghi ngờ hơn, ông Kim Jong-il hiện nay dựa nhiều về đội quân đông 1 triệu người và một mạng lưới những phần tử trung thành để đàn áp bất cứ người bất đồng chính kiến nào.
Ông Snyder, thuộc Quĩ châu Á, cho biết:
”Xã hội Bắc Triều Tiên được tổ chức theo lối cứ mỗi một tổ dân phố mười hộ gia đình lại có một người duy nhất được chỉ định để báo cáo mọi hoạt động .”
Bà Oh giải thích thêm:
“Anh không tin ngay cả gia đình bên vợ vì biết đâu gia đình bên vợ vẫn theo dõi anh.”
Người dân Bắc Triều Tiên bị cấm đoán bất cứ những gì có thể giúp họ tiếp cận với thế giới bên ngoài. Do đó có một điện thoại di động hay một DVD do nước ngoài chế tạo có thể đưa sở hữu chủ vào tù. Hình của hai lãnh tụ họ Kim được treo trong tất cả nhà cửa trên toàn quốc.
Ông Snyder cho biết:
“Nếu người cán bộ hàng xóm thấy bạn không chăm sóc các bức ảnh lãnh tụ thì bạn có thể chịu một số hình phạt kể cả vào tù.”
Tuy nhiên trong kỷ nguyên kỹ thuật số, càng ngày càng có nhiều người Bắc Triều Tiên thấy được đời sống của các nước láng giềng như Trung Quốc và nhất là Nam Triều Tiên.
Theo ông Ku, dân chúng biết rằng người anh em phía nam giàu có hơn nhiều. Xứ sở của ông Kim Jong-il là một nơi mà người dân bị đóng khung trong thời kỳ đồ đá.
Có tin cho biết có khoảng 300.000 người bị giam giữ trong các trại lao động kiểu Xô Viết trên toàn Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó với ông Kim Jong-il 68 tuổi đang đau ốm, theo dự kiến, người con trai thứ ba và là con trai út Kim Jon-Eun sẽ tiếp tục triều đại gia đình của một chế độ độc tài kiểu Stalin cuối cùng trên thế giới.
Không ai biết đích xác tại sao một tàu ngầm Bắc Triều Tiên lại đánh chìm một chiến hạm Nam Triều Tiên trước đây trong năm làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Cũng ít có nhà phân tích nào biết được nhiều về những gì xảy ra trong nội bộ Bắc Triều Tiên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1