Đường dẫn truy cập

Nhật Bản và Nam Triều Tiên hợp tác chống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên


Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-Bak (phải) bắt tay Ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada trong 1 cuộc hội đàm tại Dinh Tổng thống ở Seoul, 11/2/2010
Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-Bak (phải) bắt tay Ngoại trưởng Nhật Katsuya Okada trong 1 cuộc hội đàm tại Dinh Tổng thống ở Seoul, 11/2/2010

Nhật Bản và Nam Triều Tiên đang đòi Bắc Triều Tiên trở lại bàn thương thuyết để chấm dứt các chương trình hạt nhân của miền Bắc. Từ Seoul, Thông tín viên Kurt Achin tường trình thêm chi tiết.

Các ngoại trưởng Nam Triều Tiên và Nhật Bản hôm thứ Năm đòi Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên vô điều kiện, nhằm loại bỏ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của miền Bắc.

Sau khi thảo luận với Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada, Ngoại trưởng Yu Myung-hwan của Nam Triều Tiên đã cố làm giảm nhẹ tầm quan trọng của những đòi hỏi của Bình Nhưỡng, yêu cầu tháo bỏ các biện pháp cấm vận quốc tế, trước khi trở lại bàn thương thuyết.

Ông Yu nói Nam Triều Tiên và Nhật Bản chia sẻ quan điểm rằng trước tiên, Bắc Triều Tiên phải trở lại bàn đàm phán 6 bên, và phải có “tiến bộ cụ thể” cho thấy miền Bắc đã thu hẹp các chương trình hạt nhân của họ.

Mới đây, Bắc Triều Tiên lập lại những đòi hỏi của họ là muốn đàm phán lại một hiệp định hòa bình, như một điều kiện trước khi đồng ý giải giới.

Một cuộc đình chiến năm 1953 đã kết thúc 3 năm giao tranh sau khi Bắc Triều Tiên xâm lăng miền Nam, nhưng cuộc tranh chấp này chưa kết thúc bằng một hòa ước chính thức.

Hơn 4 năm về trước, Bắc Triều Tiên ký một thỏa thuận với Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Để đánh đổi lại, Bắc Triều Tiên sẽ được hưởng một số lợi ích như viện trợ, cuối cùng dẫn đến các cuộc hòa đàm. Từ đó, Bắc Triều Tiên đã cho thử nghiệm hai thiết bị hạt nhân.

Washington tuyên bố sẽ không thể có một hòa ước với Bắc Triều Tiên cho tới khi nào có tiến bộ đáng kể về vấn đề hạt nhân.

Bày tỏ lập trường tương tự, các giới chức Nam Triều Tiên mô tả những đòi hỏi của Bắc Triều Tiên phải thương thuyết hòa bình là quá sớm, và không mang lại ích lợi gì trong lúc này.

Hôm thứ Năm, hai vị Ngoại trưởng Nhật và Nam Triều Tiên tuyên bố quan hệ giữa hai nước “chưa bao giờ gắn bó như trong lúc này”.

Dịp này, Ngoại trưởng Okada đã thay mặt chính phủ Nhật Bản, bày tỏ sự hối tiếc về thời gian thực dân Nhật còn cai trị bán đảo Triều Tiên.

Ông Okada nói cách đây 100 năm về trước, Nhật Bản đã tước đoạt đất nước của người Triều Tiên, và đã để lại một vết thương sâu đậm đối với niềm tự hào dân tộc của họ. Ngoại trưởng Nhật Bản nói “nhân dân hai nước không nên quên những sự đau khổ của các nạn nhân trong thời kỳ đó.”

Trong nửa đầu của thế kỷ 20, bán đảo Triều Tiên nằm dưới quyền thống trị khắc nghiệt của Nhật Bản. Chính quyền của cả hai miền Nam và Bắc Triều Tiên đều tố cáo Nhật Bản là đã không hành động đủ để chuộc những lỗi đã phạm trong thời kỳ ấy, và các sách giáo khoa ở Nhật đã không trình bày trung thực những sai phạm trong giai đoạn này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG