Đường dẫn truy cập

Các nhà ngoại giao Châu Á xem xét cách đáp ứng đối với Bắc Triều Tiên


Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell (giữa) nói chuyện với các phóng viên báo chí sau cuộc họp với Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Kim Sung-hwan tại Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên ở Seoul hôm 16/4/12
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell (giữa) nói chuyện với các phóng viên báo chí sau cuộc họp với Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Kim Sung-hwan tại Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên ở Seoul hôm 16/4/12

Các nhà ngoại giao Á châu đang suy ngẫm về đáp ứng kế tiếp của họ đối với Bắc Triều Tiên sau khi nước này cố phóng một rocket nhiều tầng nhưng thất bại. Rocket vỡ tan và rơi xuống Hoàng Hải.

Một đặc sứ của Liên Hiệp Quốc, đang đi du hành ở châu Á, bầy tỏ hy vọng vẫn còn có thể dùng đường lối ngoại giao để thuyết phục Bắc Triều Tiên thay đổi thái độ.

Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell đã dừng chân tại Tokyo và Seoul để hội ý với các nước đồng minh.

Ông Campbell cho rằng có sự quyết tâm mãnh liệt trong số các đối tác quốc tế, kể cả Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Nam Triều Tiên – tất cả các nước ở châu Á, khuyến cáo Bắc Triều Tiên chớ nên có thêm các hành động khiêu khích.

Ông Campbell đưa ra nhận định vừa kể nhân giờ nghỉ trong các cuộc hội đàm với các giới chức cấp cao của Nam Triều Tiên, sau khi ông từ Tokyo đến.

Trong một bài phát biểu truyền thanh hôm nay, Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak tuyên bố đã đến lúc miền Bắc phải thay đổi đường lối và từ bỏ việc theo đuổi các loại vũ khí có sức tàn sát hàng loạt.

Tổng thống Lee nói mưu toan của Bình Nhưỡng định dọa nạt thế giới và quảng bá sự đoàn kết nội bộ bằng cách theo đuổi vũ khí hạt nhân và phi đạn thực ra gây nguy cơ lớn hơn cho Bắc Triều Tiên.

Ông nói miền Bắc cần phải chú ý tới bài học lịch sử của Liên bang Sô viết, đã sụp đổ trong khi tìm cách tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

Tổng thống Nam Triều Tiên nói thêm rằng khoản tiền mà Bắc Triều Tiên chi vào vụ phóng hôm thứ sáu – mà ông nói tổng cộng lên tới 850 triệu đôla – lẽ ra đủ để mua bắp nuôi sống đất nước nghèo khó này trong 6 năm.

Trong một thông cáo ngắn gọn 4 tiếng đồng hồ sau vụ phóng hôm thứ sáu, Bắc Triều Tiên cho biết đã không đặt được vào quỹ đạo một về tinh quan sát trái đất.

Bình Nhưỡng nói họ có quyền tự chủ theo đuổi một chương trình không gian hòa bình. Nhưng vụ phóng gây báo động trong cộng đồng quốc tế. Cả Nam Triều Tiên lẫn Hoa Kỳ đều gọi đó là một vụ phóng phi đạn đạn đạo quân sự Taepodong-2 trá hình.

Hôm qua tại Bình Nhưỡng, đánh dấu kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của nhà lãnh đạo lập quốc Bắc Triều Tiên Kim Il sung, quân đội đã cho diễn hành một khối lượng vũ khí chưa từng thấy từ trước đến nay.

Đó là hình ảnh phớt qua của điều mà nhiều chuyên gia phân tích tin là một phi đạn mới.

Trong số những chuyên gia đó là một nhà nghiên cứu thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên, ông Ham Hyeon-pil. Ông Ham nói với đài VOA rằng Bắc Triều Tiên trưng bầy một phi đạn đạn đạo mới 5 đến 6 mét dài hơn loại phi đạn Musudan được trông thấy lần đầu hồi tháng 8 năm 2010.

Ông Ham nói ông ước lượng những gì được diễn hành hôm qua có một tầm phóng từ 4 đến 5 ngàn mét, khiến nó giống với một phi đạn đạn đạo liên lục địa hơn là một vũ khí tầm trung.

Điều đó sẽ khiến nó có khả năng tấn công Nam Triều Tiên, Nhật Bản và các căn cứ quân sự ở đảo Guam, nhưng không bắn được tới Alaska hay Hawaii.

Bắc Triều Tiên đã cố gắng phóng thành công một phi đạn nhiều tầng tầm xa có thể mang một đầu đạn nặng hơn, như một vũ khí hạt nhân.

Hai lần thử nghiệm phi đạn tầm xa thất bại trước đây, vào những năm 2006 và 2009 được tiếp theo bởi các vụ thử nghiệm hạt nhân dưới đất. Có tin đồng Bình Nhưỡng sẽ cho nổ một cơ cụ hạt nhân lần thứ ba.

Các hành động khiêu khích trước đây đã dẫn tới các biện pháp chế tài quốc tế đối với Bắc Triều Tiên và khiến phần lớn các nước không muốn cung cấp viện trợ lương thực và các loại viện trợ cấp thiết khác cho Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG