Trong bản tin tối hôm qua của Bắc Triều Tiên, phát thanh viên đọc một thông cáo về vụ bắt giam, tại thành phố cảng Rason, đối với ba công dân Nhật Bản vì bị cáo buộc tội buôn lậu ma túy và tiền giả.
Phát thanh viên này nói rằng ba người đã nhận tội và thừa nhận mức độ nghiêm trọng của những tội danh này.
Một người đàn ông tên là Masaki Furuya đã bị trục xuất khỏi Bắc Triều Tiên. Thông cáo nói rằng tuy nhiên hai người còn lại là Hidehiko Abe và Takumi Hirooka sẽ bị đưa ra xét xử sau vụ bắt giữ hôm 14 tháng 3.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản không đưa ra lời bình luận, mà chỉ nói rằng họ đang điều tra vụ việc.
Bắc Triều Tiên cũng đang giam giữ một công dân người Mỹ được xác nhận là Jun Yong-su.
Trong chuyến thăm với tư cách cá nhân tới Bình Nhưỡng hồi tuần trước cùng với một vài chính khách lão thành châu Âu, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã thất bại trong nỗ lực xin trả tự do cho ông Jun.
Ông Jun, được mô tả là một doanh nhân California và là một mục sư Cơ đốc giáo tại một nhà thờ ở Trung Quốc, đã bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái và bị truy tố với các tội danh không rõ ràng chống lại Bắc Triều Tiên.
Có tin cho hay khi đó ông đang tham gia vào hoạt động truyền giáo. Bình Nhưỡng coi hoạt động kêu gọi nhập đạo là một hành động mang tính chất lật đổ nhằm phá hoại chính phủ.
Ông Jun dường như đã vào Bắc Triều Tiên một cách hợp pháp. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp rất ít chi tiết, viện lẽ những qui định về quyền riêng tư, nhưng đã nhiều lần kêu gọi Bình Nhưỡng trả tự do cho công dân người Mỹ trên tinh thần nhân đạo.
Tuy nhiên có các dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên dự định sẽ có hành động khắc nghiệt đối với người Mỹ gốc Triều Tiên này.
Các nguồn tin cho đài VOA biết rằng các đặc sứ ở Bắc Triều Tiên đã được thông báo là ông Jun có thể sẽ phải đối mặt với cáo trạng làm gián điệp, một tội danh có hình phạt là tử hình.
Ông Jun là người Mỹ thứ năm bị Bắc Triều Tiên bắt giữ trong hai năm qua.
Ông Carter đã tới Bình Nhưỡng để giàn xếp vụ trả tự do cho một người trong số họ, trong khi một cựu tổng thống Hoa Kỳ khác, ông Bill Clinton, đã thành công trong việc xin trả tự do cho hai ký giả.
Trong tất cả các trường hợp này, mọi công dân Mỹ đều đã bị đưa ra xét xử trước khi được thả.
Các phân tích gia nói rằng Bắc Triều Tiên thường dùng những người nước ngoài bị bắt giữ làm công cụ để mặc cả về mặt ngoại giao.
Giáo sư chuyên nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Triều Tiên, ông Yoo Ho-yeol, nhận định rằng Bình Nhưỡng thường không tiếp tục giữ những người nước ngoài này trong một thời gian quá dài.
Nhưng giáo sư Yoo nói rằng có thể Bắc Triều Tiên giờ đây sẽ áp đặt những bản án khắc nghiệt hơn trong những trường hợp này trong khuôn khổ một chiến dịch tăng cường trấn áp những người chống chế độ.
Ông lưu ý rằng sau khi những người nước ngoài này bị kết án, Bình Nhưỡng thường chấp nhận những lời thỉnh cầu từ các nhà ngoại giao để trả tự do cho họ.
Trong những trường hợp mới này, giáo sư Yoo cho rằng cả Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ cần phải hành động, cho dù là gián tiếp, với chính phủ Bắc Triều Tiên để xin trả tự do cho các công dân này.
Những vụ việc này đã trở nên phức tạp vì cả Washington và Tokyo đều không có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Thông qua các đặc khu thương mại, như Rason, trong những năm gần đây, Bắc Triều Tiên đã cố gắng giao tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện nền kinh tế yếu kém của nước họ.
Nhưng nhà nước cộng sản này theo dõi họ rất chặt chẽ, và tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy những người viếng thăm có thể tham gia vào hoạt động truyền giáo, thu thập tin tức, làm gián điệp hay các hoạt động khác được cho là có khả năng phá hoại chính phủ chuyên quyền.
Bắc Triều Tiên nay thừa nhận rằng họ vẫn giam giữ hai người Nhật Bản và một người Mỹ gốc Triều Tiên. Những vụ việc này làm cho chính phủ không có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng gặp nhiều rắc rối.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1