Một tổ chức an sinh xã hội Phật giáo cho hay viện trợ lương thực mà Trung Quốc hứa cung cấp cho Bắc Triều Tiên chưa đến nơi, và sự kiện này đã buộc Bình Nhưỡng phải cho phép dân chúng mua thực phẩm ở các chợ của tư nhân, hiện đang mở cửa suốt ngày đêm.
Chủ tịch của tổ chức Good Friends, có cơ sở ở Nam Triều Tiên, là ông Pomnyun Sunim cho biết sự kiện này xảy ra bởi vì chính phủ Bắc Triều Tiên không thể giúp cho dân chúng khỏi chết đói nữa.
Vị tu sĩ Phật giáo này nói đảng cộng sản cầm quyền đã công bố một chỉ thị hôm 26 tháng 5 nói rằng các đơn vị lao động va cá nhân phải tự lo liệu. Ông nói nội dung này có thể được hiểu hoặc như một lời thú nhận thẳng thắn của chính phủ về sự nghiêm trọng của tình hình ở đó, hoặc là sự kiện chính phủ đã từ bỏ mọi nỗ lực giải quyết vụ khủng hoảng lương thực.
Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn chật vật để nuôi ăn dân chúng. Một nạn đói hồi giữa thập niên 1990 được cho là đã làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc ước tính cứ 3 trẻ em thì có một em ở Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng.
Tuy cho phép một số thực phẩm được trao đổi tự do trong thời kỳ nạn đói và sau đó, trong những năm gần đây, chính phủ đã cấm đoán việc mua bán như vậy.
Các tổ chức theo dõi tình hình ở miền Bắc cô lập này nói rằng tình trạng thiếu hụt thực phẩm trở nên trầm trọng thêm vì một chương trình cải cách tiền tệ thất bại hồi tháng 11 năm ngoái. Hầu hết các chợ đã đóng cửa vào lúc đó.
Một tổ chức nghiên cứu kinh tế của chính phủ Nam Triều Tiên là Viện Phát triển Triều Tiên, cảnh báo rằng miền Bắc đứng trước một vụ mất mùa lớn nữa vì một mùa xuân lạnh giá bất thường và tình trạng thiếu hụt phân bón.
Seoul đã cắt đứt hầu hết viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng sau khi xảy ra vụ đắm một tầu tuần của Nam Triều Tiên hồi tháng ba. Một cuộc điều tra quốc tế đã đi đến kết luận rằng một ngư lôi của Bắc Triều Tiên đã khiến chiếc tầu chiến Cheonan phát nổ, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Vụ việc này đã làm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên và khiến miền Nam cắt đứt gần như toàn bộ viện trợ cho miền Bắc. Hai bên trên nguyên tắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh tiếp theo cuộc đình chiến năm 1953.
Một số tổ chức quốc tế, kể cả Chương trình Thực phẩm Thế giới, Liên hiệp quốc và Liên hiệp châu Âu, cung cấp một số viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, nhưng khối lượng cứu trợ còn thiếu hụt rất xa so với khối lượng mà các chuyên gia cho là phải cần đến.