Hôm nay chính phủ Nam Triều Tiên nói rằng tổng số người Bắc Triều Tiên đào thoát sang miền Nam đã vượt quá con số 20.000 người kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.
Nữ phát ngôn viên bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Lee Jong-joo cho biết người thứ 20.000 đến miền Nam hôm thứ Năm tuần trước.
Ông Lee cho biết: “Người đào thoát thứ 20.000 là một phụ nữ 41 tuổi chỉ được biết là họ Kim. Bà này đến từ tỉnh Yanggang của Bắc Triều Tiên cùng với 2 người con trai.”
Khoảng một nửa số người trốn sang miền Nam từ năm 2007 và trong năm ngoái có độ 2.900 người.
Các giới chức bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên cho biết họ dự kiến số người miền Bắc đào thoát sẽ gia tăng đều đặn vì tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn và vì nạn đói kém tại nước cộng sản nghèo khó này.
Hai nước Triều Tiên bị chia cắt bởi một biên giới được canh phòng kiên cố, cho nên phần lớn những người bỏ trốn đã đến Trung Quốc trước khi tới miền Nam.
Theo các tổ chức cứu trợ thì có khoảng trên 10.000 người chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên khác đang trốn tránh ở Trung Quốc. Nhà cầm quyền Trung Quốc trả về Bắc Triều Tiên bất cứ người nào bị họ phát hiện.
Số người đào thoát bắt đầu gia tăng sau khi Bắc Triều Tiên lâm vào nạn đói kém vào giữa thập niên 1990.
Sau đó tình hình lương thực tại nước này lại trở nên nghiêm trọng.
Bà Victoria Sekitoleko là một đại diện của Tổ chức Lương nông quốc tế trong khu vực và mới đến thăm Bắc Triều Tiên hồi tháng 9 năm nay. Hôm nay bà cho biết trên 30% người Bắc Triều Tiên đang có khả năng bị thiếu dinh dưỡng.
Bà Sekitoleko nói: “Tôi đã đến thăm nhiều nhà, nhiều trường học và trông thấy nhiều người ngoài đường phố. Tôi đến những nơi họ đi tới. Bất cứ nới nào tôi đến, cứ nhìn vào mắt một người nào đó, thì ta sẽ thấy là họ đang bị đói.”
Bà Sekitoleko cho biết cần phải có thêm sự trợ giúp từ nước ngoài để giúp Bắc Triều Tiên đạt được mức tự túc căn bản về mặt lương thực:
Bà Sekitoleko nói: “Nếu Bắc Triều Tiên có được 700.000 tấn phân bón mỗi năm. Nếu họ có được hạt giống - vì cho tới nay, họ không có loại hạt giống cao cấp. Và nếu như họ có được nhiên liệu và các bộ phận thiết bị về nông nghiệp, thì tôi tin chắc họ có thể sản xuất đủ lương thực để nuôi người dân trong nước.”
Các giới chức cứu trợ nói rằng việc cấm vận áp đặt cho Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã khiến các quốc gia viện trợ ngần ngại trợ giúp cho nước này. Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Chương trình Thực phẩm LHQ là những nguồn chính cung cấp viện trợ cho Bắc Triều Tiên.
Tình trạng thiếu lương thực còn trở nên tệ hại hơn trong mấy năm qua vì nạn lụt lội. Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc cho biết trận lụt hồi gần đây nhất xảy ra vào cao điểm mùa gieo trồng rau quả.
Chính phủ Nam Triều Tiên cho biết trên 10.000 người Bắc Triều Tiên đã đến miền Nam trong 3 năm qua. Từ Seoul, thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật rằng con số này có phần chắc sẽ gia tăng vì nước cộng sản Bắc Triều Tiên nghèo khó không có đủ lương thực.