Đời sống của người nông dân Bắc miền Trung, từ Thừa Thiên Huế ra đến Nghệ An, có một điểm chung là mùa hè chịu gió Lào rát bỏng, nguồn nước cạn kiệt, và hầu hết những mảnh đất đang được canh tác đều là diện tích có độ phì nhiêu thấp, dễ ngập lụt.
Hầu hết diện tích không bị ngập lụt đã bị trưng dụng để mở khu công nghiệp, cho nước ngoài thuê. Các nông dân bám ruộng, bám nghề phải tranh thủ trồng dưa lê, trồng ớt, đu đủ trên các mảnh đất cằn. Nhưng để cạnh tranh với nông sản Trung Quốc luôn có mặt trên thị trường Việt Nam là một chuyện hết sức khó khăn, nông dân phải mang nông sản ra đường ngồi bán lẻ.
Bà Hoa, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An, chia sẻ với VOA: “Năm nay khó khăn hơn năm ngoái, năm trước nữa. Mình ngồi bán được 10 ngàn đến 12 ngàn mỗi ký là cao tay. Chi phí mình bỏ ra nhiều, nhọc. Mỗi sào bán được khoảng 2 triệu là cao tay, không dám bán sỉ, vì bán sỉ chắc không có đồng bạc nào dư ra luôn. Vậy lên cả nhà thay phiên nhau, mẹ lên thì con về, con lên thì mẹ về, vợ chồng thay phiên, lên đường từ 5 giờ sáng, bán đến 5 giờ chiều thì về.”
Đất đai cằn cỗi, mùa màng lại phải chạy đua với thời vụ, nếu không bón phân hóa học, cây không thể đâm bông kết trái. Đây là bài toán khó cho người nông dân Bắc miền Trung. Gió Lào chỉ cần kéo qua là cây đang xanh thành úa vàng trong vài ngày, cộng thêm sương muối phủ xuống thì không có giống cây nào trụ nổi. Và bón phân hóa học loại nào để không bị phân giả, phân có nguồn gốc bất minh cũng là một sự đau đầu của người nông dân.
“Không có mưa, phân tro, giống má đắt. Năm nay thu hoạch kém hơn năm ngoái. Năm nay do gặp sương muối nhiều, rồi thiếu nước, mất mùa nên mất mùa, kém hơn năm ngoái, dưa trồng ra thì ít trái,” một nông dân trong xã Diễn Kỷ than vãn.
Câu hỏi đặt ra là liệu những trái dưa lê, trái ớt của người nông dân tự trồng, mang ra đường ngồi bán có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không? Trên thực tế, dù có muốn sản xuất nông sản sạch để khỏi bị lương tâm cắn rứt khi bán thì người nông dân vẫn bất lực với mong muốn này. Bởi hầu hết các ruộng lúa giống sản xuất theo qui trình nhà nước đều dùng đến thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng. Mọi thứ sâu rầy dồn hết vào ruộng dưa, vườn ớt, người nông dân buộc lòng phải bơm thuốc rầy, thuốc trừ sâu.
Chi phí cho việc bơm thuốc, bón phân hóa học đội lên khá cao và người nông dân luôn trong tình trạng lẩn quẩn giữa rau sạch với chạy đua mùa vụ và trồng cho ra được nông sản để rồi cuối cùng mang ra vệ đường ngồi bán khi bị ế ẩm. Cái vòng này diễn đi diễn lại nhiều năm mà vẫn chưa có lối thoát.