Nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam Tô Lâm tạo ra nhiều tranh luận khi phát biểu trước Quốc hội hôm 21/10 rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Theo hai chuyên gia kinh tế, cơ chế tập trung quyền lực không minh bạch của Việt Nam kìm hãm sự phát triển và hội nhập của đất nước, cần nhanh chóng thay đổi.
Báo chí Việt Nam đưa tin rằng ở thời điểm ông Tô Lâm còn nắm cả hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước, ông nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm 2024 rằng “cần thẳng thắn nhìn nhận, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục”
Tiếp đến, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam chỉ ra rằng “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là ‘điểm nghẽn’ của ‘điểm nghẽn’”, báo chí trong nước trích dẫn, thậm chí nêu bật trong tít bài trên một số trang tin.
Theo quan sát của VOA, lời phát biểu kể trên của ông Tô Lâm cũng được nhiều người chia sẻ và bàn luận trên mạng xã hội, trong đó không ít người tỏ ý hy vọng về sự thay đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn ở Việt Nam dưới thời ông Tô Lâm giữ chức tổng bí thư, đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nắm độc quyền lãnh đạo đất nước.
Tuy đồng ý rằng nhà lãnh đạo Tô Lâm đã có những phát biểu mang tính cấp tiến trong thời gian gần đây, song Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh nói với VOA rằng công chúng cần xác định là vấn đề thể chế mà ông Tô Lâm vừa đề cập khác với điều mà họ trông đợi:
“Điều ông ấy nói tôi nghĩ thiên về cách ban hành luật pháp hay cấu tạo của nhà nước. Còn thể chế mà chúng ta nghĩ là thể chế chính trị, tôi nghĩ ông ấy sẽ không bàn tới. Nhưng chỉ cần ông ấy đồng ý rằng ở Việt Nam, cách tổ chức, đặc biệt là cách đạt được quyền lực, nó đúng là điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Bà Ánh, chuyên gia về kinh tế và kinh doanh quốc tế đã nghỉ hưu, phân tích thêm:
“Cách để con người đạt được quyền lực, kể cả trong chính trị, kinh doanh, v.v… thì khá nhiều điều không được minh bạch, làm ảnh hưởng nhiều đến sự sáng tạo của con người, do đó cũng cản trở sự phát triển của xã hội”.
Chuyên gia kinh tế-tài chính Bùi Kiến Thành nói với VOA rằng Tổng Bí thư Tô Lâm đã không làm rõ nghĩa của từ “thể chế” mà ông ấy nêu trong diễn văn. Từ góc nhìn của mình, ông Thành nhận xét:
“Thể chể có thể nói là quan trọng hạng nhất trong vấn đề Việt Nam phát triển. Việt Nam vẫn do đảng cộng sản quản lý từ trên xuống dưới, có đặc thù là tập trung quyền lực. Thể chế của Việt Nam ngày hôm nay vẫn là thể chế của một chế độ quyền lực tập trung, nếu không nói là một chế độ độc đoán, độc tài”.
Điều này làm cho Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi vừa đi theo chủ nghĩa xã hội vừa cố áp dụng các nguyên tắc của kinh tế thị trường, ông Thành chỉ ra và nói tiếp:
“Có những vấn đề chưa giải quyết được nên nền kinh tế Việt Nam vẫn còn bị tắc nghẽn. Chủ nghĩa xã hội theo Marx-Lenin và chế độ dân chủ, văn minh có khoảng cách rất xa mà Việt Nam cần nhanh chóng xóa bỏ những cái gì cần xóa bỏ để Việt Nam thực sự hội nhập với các nước thật sự dân chủ và có nền kinh tế thị trường”.
Theo ông Thành, chưa cần bàn về chính trị, chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, nhà nước cần giải phóng cho doanh nghiệp và người dân theo nguyên tắc tất cả những gì pháp luật không cấm, họ có quyền làm. Ông nói:
“Phải hiện thực hóa nguyên tắc đó. Người ta đưa ra những quy định, chỉ thị, nghị định không phù hợp, làm kinh tế khó phát triển. Rồi thì vấn đề xin cho, sinh ra chi phí không chính thức, khó cho nền kinh tế. Đảng cộng sản và nhà cầm quyền phải nhanh chóng gỡ bỏ tất cả những gì làm cho nền kinh tế trì trệ”.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ suy nghĩ của bà:
“Ở Việt Nam, chỉ làm những điều được phép. Nhà nước liệt kê ra các loại hình kinh doanh. Nhưng chúng ta biết luật pháp không đi kịp với thực tế, nếu nhà nước còn sót, chưa liệt kê cái gì, có nghĩa là không được làm. Điều đấy đã làm cho nhiều doanh nghiệp sáng tạo, nhất là doanh nghiệp về IT, phải bỏ sang Singapore để lập nghiệp. Cái tư duy này nếu có thể thay đổi được, nó sẽ là một điều tốt”.
Phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 21/10, ông Tô Lâm, nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, thúc giục “đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp” với đề nghị rằng “tư duy quản lý không cứng nhắc” và “dứt khoát từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’”.
Tư duy xây dựng pháp luật cần chuyển đổi theo hướng “vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển”, vẫn lời ông Lâm, được báo chí Việt Nam trích dẫn.
Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài, ông Lâm định hướng.
Vị tổng bí thư đảng đặt ra việc đổi mới này sau khi ông nêu ra một loạt những “tồn tại, hạn chế” trong công tác soạn, sửa và hoàn thiện pháp luật bị ông xem là “chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, “chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo” và nhiều quy định bị đánh giá là “còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân”.
Ông Lâm cũng phê phán thủ tục hành chính “rườm rà”, dịch vụ công trực tuyến “chưa thuận tiện”, thực thi pháp luật, chính sách vẫn “yếu”, phân cấp, phân quyền “chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm”, bộ máy hành chính nhà nước “chưa tinh gọn”…, bên cạnh tình trạng “chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp”.
Trên cương vị quyền lực nhất đất nước, ông Lâm yêu cầu rằng những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm đó “cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” và ông khẳng định đây là “trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”.
Về những lời kêu gọi đổi mới nêu trên của TBT Tô Lâm, hiện đang được bàn luận nhiều trong công chúng và dường như tạo ra niềm phấn chấn ở một số người, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh thận trọng nêu ý kiến:
“Theo tôi hiểu, tổng bí thư mới có lẽ trùng nhiều quan điểm với bác [cựu Thủ tướng] Nguyễn Tấn Dũng hồi trước, tức là nói những lời tương đối cởi mở, ủng hộ kinh doanh, cho các doanh nhân có nhiều cơ hội hơn, thúc đẩy kinh tế. Nhưng chưa có luật nào thay đổi, chưa có hành động nào. Tôi thật sự không biết có dám trông đợi gì nhiều không. Cá nhân tôi sẽ chờ đợi hành động. Chúng ta sẽ chờ xem hành động như thế nào”.
Lý giải về sự hoài nghi của mình, bà Ánh đề cập đến tình trạng trong vài năm gần đây đã có những người lên tiếng phản biện xã hội bị bắt giữ mà bà nhận xét là “chưa bao giờ nhiều vụ bắt bớ như vậy, chưa bao giờ có những quy định kiềm chế tự do ngôn luận như vậy”.
Xét thực tế Việt Nam là nước do đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, đứng trên cả Quốc hội, chính phủ và nhánh tư pháp, chuyên gia kinh tế-tài chính Bùi Kiến Thành bình luận rằng Việt Nam mới chỉ đạt được độc lập mà chưa có tự do, hạnh phúc như được nêu ra trong tiêu ngữ gắn với quốc hiệu. Ông đề nghị:
“Việt Nam cần tiến tới trở thành một chế độ phải đa nguyên, phải thật sự dân chủ, công bằng, không phải là chế độ mà một đảng đứng ra giải quyết mọi vấn đề và độc quyền tất cả mọi quyết định của đất nước. Làm nhanh hay làm chậm là trách nhiệm của những người hiện nay đang quản lý nhà nước”.
Ông Thành kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam “nên khẩn trương mà nhận thức được trách nhiệm của mình đối với nhân dân, tổ tiên, đất nước để vấn đề độc lập - tự do - hạnh phúc được thực hiện sớm nhất có thể” và chậm nhất là trước dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
VOA liên lạc với TBT Tô Lâm để tìm hiểu phản ứng của ông đối với những bình luận của hai chuyên gia nhưng không kết nối được.
Diễn đàn