Đường dẫn truy cập

Việc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu đối với Miến Ðiện được đón nhận 'dè dặt'


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein tại New York, ngày 26/9/2012
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein tại New York, ngày 26/9/2012
Các tổ chức nhân quyền dè dặt đón nhận tin Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Miến Điện. Theo tường trình của thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, những biện pháp này ghi nhận cải cách của Miến Điện, nhưng các nhà phân tích nói vẫn còn những mối quan ngại sâu sắc về cải cách luật pháp và quyền sử dụng đất.

Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Miến Điện. Đây là động thái tiếp theo sau những bước nới lỏng những hạn chế về tài chính và được đưa ra trong khi Tổng thống Thein Sein đang có chuyến thăm chính thức đến Mỹ.

Bà Aung San Suu Kyi, cũng đang đi thăm Hoa Kỳ, bày tỏ sự ủng hộ việc nới lỏng lệnh cấm này. Bà nói rằng Miến Điện không còn chịu áp lực từ bên ngoài để tiến đến dân chủ. Các quan chức Mỹ nói muốn thấy những thành quả thực sự của tiến trình cải cách đang được tiến hành.

Ông Sean Turnell, phó giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Macquarie ở Australia, nói rằng phải mất một thời gian trước khi việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Ông Turnell nói: “Đó là biện pháp trừng phạt kinh tế đáng kể nhất mà Miến Điện còn đang phải chịu. Song, không phải nói bỏ là bỏ vì lệnh cấm nhập khẩu này là đạo luật của Quốc hội chứ không phải là mệnh lệnh hành chính của tổng thống. Để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này phải đợi Quốc hội bỏ phiếu, và điều này sẽ không xảy ra cho đến khi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.”

Mấy tháng trước, Washington đã bật đèn xanh cho các công ty Mỹ và “các cơ quan tư nhân” cung cấp các dịch vụ tài chính và đầu tư tại Miến Điện, còn gọi là Myanmar. Các tập đoàn lớn của Mỹ, chẳng hạn như Coca-Cola và Pepsi Co., cho biết họ đang lên kế hoạch đầu tư tại Miến Điện.

Bà Aung San Suu Kyi bày tỏ sự ủng hộ việc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu đối với Miến Điện
Bà Aung San Suu Kyi bày tỏ sự ủng hộ việc nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu đối với Miến Điện
Kể từ khi các biện pháp trừng phạt của quốc tế được nới lỏng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô vào Miến Điện. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 13 tỉ đô la, theo sau là Thái Lan với 9 tỉ đô la. Nhật Bản được cho là cũng đang tính đẩy mạnh đầu tư ở Miến Điện

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói rằng mối quan ngại hàng đầu hiện giờ là vấn đề chiếm đoạt đất đai.

Ông Robertson nói: “Một trong những vấn đề nổi cộm ở khắp Miến Điện hiện nay là vấn đề đất đai. Đó là việc tầng lớp giàu có quan hệ rộng chiếm đoạt đất trái phép. Ở Miến Điện, những khoảng đất tương tự nhau mà trước đây không được coi trọng bỗng chốc trở nên có giá trị, và người quen biết rộng đang đuổi nông dân hay cư dân ra khỏi những khoảng đất này.”

Tổ chức Mạng Lưới Thay thế ASEAN nói Miến Điện cần tiếp tục tiến hành những cải tổ về luật pháp để bảo vệ quyền sở hữu của cá nhân và của các nhóm dân thiểu số, cũng như bảo vệ quyền của người lao động.

Có những quan ngại khác về tình trạng tham nhũng và các quản lý yếu kém. Năm 2011, Miến Điện bị xếp hạng 180 về tình trạng tham nhũng bởi tổ chức giám sát Minh bạch Quốc tế.

Nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Park Cyn Young, nói rằng kinh tế Miến Điện cần phải cải tổ thêm nữa để tiến lên phía trước, bao gồm cải tổ khung pháp lý và tăng cường nguồn nhân lực và giáo dục.

Ông Park nói: “Một khuôn khổ pháp lý và quy định yếu ớt luôn là một rào cản đối với đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư luôn nhìn xem liệu một nước có hệ thống luật pháp và quy định minh bạch hay không, và liệu quyền sở hữu của doanh nghiệp có được quy định rõ ràng hay không.”

Ông Park nói chính phủ Miến Điện "đang cật lực" giải quyết những vấn đề này để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Ngân hàng ADB nói, nếu Miến Điện duy trì đà cải cách, bao gồm cả những cải cách kinh tế, thì tăng trưởng có thể đạt 8% và thu nhập bình quân đầu người có thể tăng gấp ba vào năm 2030.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG