Ủy ban Giải Nobel Hòa bình cho biết họ sẽ không trao giải thưởng năm nay nếu không có người thân nào của người đoạt giải - là ông Lưu Hiểu Ba, có thể tới Oslo để nhận giải.
Đây sẽ lần đầu tiên lễ trao giải không được tổ chức trong lịch sử 109 năm của giải Nobel. Trước đây có 3 người đoạt giải không thể tới Oslo nhưng đã có thể phái đại diện tới nơi để nhận giải thưởng.
Thư ký của Ủy ban Nobel Hòa bình, ông Geir Lundestad nói rằng tổ chức hầu như không còn hy vọng là có người thân nào của ông Lưu Hiểu Ba sẽ có mặt tại buổi lễ ngày 10 tháng 12.
Nhà văn bất đồng chính kiến này đang thọ án tù 11 năm và vợ ông đã bị giam lỏng kể từ khi giải thưởng được loan báo.
Trung Quốc cũng theo dõi sát những nhân vật bất đồng chính kiến khác có liên hệ với ông Lưu Hiểu Ba, là người đã bị bắt sau khi tham gia soạn thảo một tuyên cáo hô hào dân chủ cho Trung Quốc.
Chính phủ ở Bắc Kinh cũng đã tìm cách tổ chức một cuộc tẩy chay buổi lễ của các nhà ngoại giao thế giới, hăm dọa các quốc gia rằng họ sẽ phải “nhận lãnh hậu quả” nếu tham gia lễ trao giải này.
Nhưng hầu hết các nước Tây phương đều có kế hoạch tham dự buổi lễ. Hãng thông tấn AP trích lời ông Lundestad nói rằng cho đến nay chỉ có Nga, Cuba và Kazakhstan từ chối không tới dự lễ.
Tin mới nhất cho hay thêm các nước Iraq, Ma Rốc, cùng với Trung Quốc, sẽ không gửi đại diện đến dự lễ phát giải thưởng tại Oslo vào ngày 10 tháng 12.
Tổng thư ký ủy ban chấm giải Nobel Geir Lundestad hôm thứ Năm cho biết 36 trong số 58 nước được mời dự lễ đã nhận lời, 16 nước chưa phúc đáp, và 6 nước từ chối.
Ông cũng cho biết nói có phần chắc là thân nhân của ông Lưu Hiểu Ba sẽ không được nhà cầm quyền Trung Quốc cho phép sang Oslo dự lễ trao giải này.