Đường dẫn truy cập

Nikkei Asian Review: Các công ty Trung Quốc chạy sang Việt Nam giữa thương chiến


Các công nhân làm việc ở nhà máy Foxconn, chuyên sản xuất linh phụ kiện cho Apple, ở Quảng Đông, Trung Quốc. Foxconn đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
Các công nhân làm việc ở nhà máy Foxconn, chuyên sản xuất linh phụ kiện cho Apple, ở Quảng Đông, Trung Quốc. Foxconn đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

Các công ty Trung Quốc đang nối gót với các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc để tìm các cơ sở sản xuất thay thế nhằm tránh tác động của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ, và theo Nikkei Asian Review, nước Việt Nam ở kế cận là đích đến lý tưởng đối với các công ty này.

Kể từ tháng 6 vừa qua, 33 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán đã thông báo với hai sàn chứng khoán Trung Quốc về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài, theo dữ liệu do Nikkei Asian Review thu thập được.

Đối với các nhà sản xuất nước ngoài, những đợt áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cộng với lương bổng và chi phí gia tăng, đang buộc các công ty Trung Quốc phải chuyển ra khỏi nước.

Theo dữ liệu của tờ báo tài chính lớn nhất toàn cầu, gần 70% trong số 33 công ty kể trên nói Việt Nam là đích đến mà họ ưa chuộng nhất, những công ty còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.

Trong số những công ty chọn Việt Nam có Jinhua Chunguang, một nhà sản xuất mặt hàng cao su – công ty này loan báo vào ngày 19/7 khoản đầu tư 4,53 triệu USD để thành lập một cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Công ty này hiện có các nhà máy ở Malaysia và Trung Quốc. Theo tạp chí Nikkei, công ty Jinhua Chunguang có trụ sở ở tỉnh Triết Giang gần Thượng Hải, nói khoản đầu tư này là để đáp ứng “những thay đổi trong môi trường quốc tế,” cũng như là một phần trong các kế hoạch mở rộng trên toàn cầu của công ty.

Cũng theo tạp chí Nikkei của Nhật, một công ty khác ở Triết Giang chuyên sản xuất ghế, Zhejiang Henglin Chair Industry, cũng đang hướng về Việt Nam, nơi họ đã mua lại một nhà máy của Đài Loan trong gói đầu tư 48 triệu USD để thúc đẩy việc mở rộng sản xuất của công ty này.

Các nhà sản xuất trong ngành dệt may cũng quyết định tăng cường bộ phận sản xuất của họ tại Việt Nam, mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại về sự hiện diện của nhiều công ty may mặc đang hoạt động ở Việt Nam, theo Nikkei.

Huafu Faship công bố hồi tháng 12 rằng họ đang đầu tư 2,5 tỷ nhân dân tệ (362 triệu USD) để xây một nhà máy ở Việt Nam. Nhà sản xuất len cuộn nói thành lập một cơ sở sản xuất ở Việt Nam sẽ cho phép công ty có nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn, giảm chi phí lao động và tránh hàng rào thuế quan.

Nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý 1 năm nay tăng hơn 86% lên đến 10.8 tỷ USD, trong đó đầu tư từ Trung Quốc chiếm gần phân nửa, theo dữ liệu của tờ Thời báo Chứng khoán của Nhà nước Trung Quốc được South China Morning Post trích dẫn.

Giữa lúc cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc đang leo thang, các công ty nước ngoài đã và đang chuyển dây chuyền sản xuất của họ sang Việt Nam nhằm tránh các loại thuế mới của Mỹ.

Tổng thống Trump từng chia sẻ trên Twitter rằng “nhiều công ty đang chuyển đến Việt Nam” giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ? công bố hồi tháng 6, thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

VOA Express

XS
SM
MD
LG