Hàng ngàn người trên khắp lãnh thổ Nigeria bắt đầu một cuộc đình công vô thời hạn do các công đoàn Nigeria tổ chức để áp lực chính phủ phải trợ giá xăng dầu trở lại, mà nhiều người Nigeria xem như phúc lợi duy nhất họ được hưởng từ sự giàu có do nguồn dầu đem lại cho nước này.
Bà Julia Obgede, giảng viên trường đại học quốc gia Delta, cũng tham gia cuộc biểu tình tại Warri, nơi trước kia Tổng thống Goodluck Jonathan từng được dân chúng ủng hộ. Bà nói:
“Chúng tôi thấy chính phủ này thật rất tệ. Họ không chỉ vô cảm, mà còn tàn tệ và độc ác với nhân dân nữa, sau khi đã được chúng tôi hỗ trợ quá nhiều. Tôi đây sẵn sàng có mặt bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, đả đảo Jonathan.”
Như phần lớn các cuộc phản kháng, vụ biểu tình diễn ra tại Warri diễn ra rất ôn hòa, nhưng có tin 18 người tại Kano bị thương khi cảnh sát nổ súng vào cuộc biểu tình tại đó.
Thêm vào hiểm họa an ninh gia tăng, các cuộc đình công cũng đe dọa tác hại đến nền kinh tế.
Trong nỗ lực tránh bất kỳ tai hại nào, Hạ viện đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp và đòi chính phủ Liên bang tái lập việc trợ giá xăng dầu, biện pháp được dân chúng ủng hộ.
Đa số các nhà làm luật bỏ phiếu phù hợp với ý nguyện của dân, và đả đảo những người cổ súy việc chấm dứt trợ giá trong phiên họp ồn ào mất trật tự.
Dân biểu Samson Osagie không chống đối việc hủy bỏ bớt những luật lệ qua việc bãi bỏ bao cấp xăng dầu, nhưng ông nói, với tình trạng nghèo khó lan rộng và xung đột giáo phái gia tăng, hiện nay chưa phải lúc tăng giá nhiên liệu. Ông nói:
“Trước tiên quí vị phải có một quốc gia thống nhất, vững mạnh và sinh tồn trước khi nói tới các chính sách kinh tế. Sự thực của vấn đề thì đây là một nước đang đứng bên lề vực thẳm suy sụp, về xã hội, kinh tế và nhiều phương diện khác nữa. Áp đặt thêm những gian khổ kinh tế ở thời điểm này, khi người dân còn đang giết nhau, có thể là dấu hiệu không hay.”
Chính phủ của Tổng thống Jonathan nói rằng số tiền bao cấp nhiên liệu là một ổ tham nhũng lớn, tốn kém hết 25% ngân sách quốc gia. Cho đến nay, chính phủ chưa có đáp ứng với động thái trên của Hạ viện.
Những người chống đối phản biện rằng chính phủ phải trừng trị những kẻ lạm dụng hệ thống bao cấp nhiên liệu, thay vì trừng phạt công chúng.
Ông Dino Melaye là cựu thành viên của Hạ viện và lãnh đạo phong trào Occupy Nigeria, một nhóm tổ chức các vụ xuống đường theo kiểu phong trào Occupy tại Mỹ. Ông nói:
“Tổn thất do tham nhũng tại nước này lớn gấp 3 lần tổn thất từ việc bao cấp nhiên liệu. Vậy thì yêu cầu Tổng thống hãy diệt trừ tham nhũng và cải thiện những kẽ hở trong chính phủ.”
Trọng tâm của vấn đề bao cấp là do Nigeria không thể tự lọc khoảng 2 triệu thùng dầu họ sản xuất được hàng ngày.
Chính phủ cho biết không thể nào tiếp tục bao cấp loại dầu nhập khẩu đã được lọc, và ước tính sẽ có thể tiết kiệm được hơn 7 tỉ đô la trong năm nay, mà họ nói sẽ dùng khoản tiền đó đầu tư vào các cơ sở hạ tầng trong nước, kể cả những nhà máy lọc dầu.
Các cuộc đình công và biểu tình rầm rộ của dân chúng đã diễn ra, chống lại việc ngưng trợ giá xăng hôm thứ Hai tại Nigeria, mặc dù đã có một phiên nhóm khẩn cấp tại Hạ viện hôm Chủ Nhật để mong tránh được tình trạng lãng công, đình chỉ mọi hoạt động kinh tế.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1