Đường dẫn truy cập

Những điều cần biết về phiên xử luận tội Tổng thống tại Thượng viện


Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi loan báo luận tội Tổng thống Donald Trump, ngày 18/12/2019.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi loan báo luận tội Tổng thống Donald Trump, ngày 18/12/2019.

Thượng viện Mỹ có phải tổ chức phiên xử Tổng thống hay không?

Không có yêu cầu rõ rệt trong Điều 1, Phần 3 của Hiến pháp Mỹ. Hiến pháp không có những điều khoản qui định Thượng viện xét xử luận tội. Thực vậy, hiến pháp nêu rõ Thượng viện “duy nhất có quyền hạn xử án,” có nghĩa là Thượng viện có độc quyền hiến định, nhưng đây không phải là lệnh về thủ tục. Trong “Những qui định về Thủ tục và Thi hành tại Thượng viện khi Xử Luận tội” của Thượng viện, một khi Hạ viện đưa lên những điều khoản luận tội, “Thượng viện sẽ…tiến hành xem xét những điều khoản này…và sẽ tiếp tục trong phiên họp cho đến khi phán xét cuối cùng được đưa ra.” Tuy nhiên Thượng viện điều hành theo những qui định do các thành viên Thượng viện đưa ra, có nghĩa là Thượng viện cũng có thể thay đổi những qui định nếu đa số thành viên chọn như vậy. Những qui định của Thượng viện về các phiên xử luận tội được duyệt xét lại gần đây nhất là vào năm 1986.

Tại sao Chánh án Tòa án Tối cao chủ tọa phiên xử luận tội?

Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ chỉ chủ tọa khi phiên xử liên hệ đến việc luận tội một Tổng thống. Theo Hiến pháp, Phó Tổng thống Mỹ là chủ tịch Thượng viện nhưng không có quyền bỏ phiếu trừ phi phiếu bầu ngang nhau. Sẽ có mâu thuẫn về lợi ích nếu Phó Tổng thống chủ tọa phiên xử Tổng thống tại Thượng viện vì ông là người kế thừa chức vụ Tổng thống nếu Tổng thống bị phán xử có tội. Đây là một nhiệm vụ hiến định duy nhất của Chánh án Tối cao Pháp viện Mỹ.

Ai là công tố viên trong vụ xử này?

Chủ tịch Hạ viện chỉ định một vài dân biểu ra trình bày vụ việc ra trước Thượng viện, phù hợp với những qui định thi hành vụ xét xử. Trong vụ xử luận tội Tổng thống Andrew Johnson, có 7 người được Hạ viện ủy nhiệm. Trong vụ xử Tổng thống Bill Clinton có 13 người được Hạ viện cử ra.

Tổng thống có phải tham dự phiên xử hay không?

Không. Trước đây, Tổng thống Johnson và Tổng thống Clinton đều không tham dự phiên xử. Luật sư được phép đại diện và biện hộ cho Tổng thống.

Các Thượng nghị sĩ có thể hỏi nhân chứng hay nêu lên những vấn đề trong phiên xử hay không?

Được, nhưng không được nói. Theo qui định, tất cả những câu hỏi phải được viết ra và đệ tình Chánh án Tối cao Pháp viện Mỹ cứu xét.

Phiên xử có được truyền hình hay không?

Có khả năng. Những qui định của Thượng viện đòi hỏi phải mở cửa phòng xử. Tuy nhiên một Thượng nghị sĩ có thể đưa kiến nghị yêu cầu tắt máy quay phim hay đóng cửa bất cứ lúc nào và phải được biểu quyết theo đa số. Các Thượng nghị sĩ có phần chắc sẽ tranh luận kín và yêu cầu tắt máy quay phim.

Tại sao phải cần đến đa số hai phần ba để buộc tội?

Đây là điều bắt buộc của hiến pháp. Một hành vi chính trị như là cách chức một Tổng thống dân cử cần phải được sự ủng hộ rộng rãi mới được xem là chính đáng. Với đa số hai phần ba thì phiếu thuận nhiều gấp đôi phiếu chống.

Án phạt là gì?

Cách chức là hình phạt duy nhất. Không có việc kháng án. Thượng viện có thể bỏ phiếu cấm vị Tổng thống bị cách chức giữ những chức vụ khác nữa.

Điều gì xảy ra nếu Tổng thống được tuyên là không có tội?

Tổng thống Johnson và Tổng thống Clinton phục vụ cho đến hết nhiệm kỳ. Ông Clinton có vai trò trong tổ chức từ thiện của ông và giúp bà Hillary Clinton, vợ ông, tranh cử. Ông Johnson cuối cùng trở lại Washington, trở thành cựu Tổng thống duy nhất phục vụ tại Thượng viện.

(BTV Steve Redisch)

VOA Express

XS
SM
MD
LG