Nhạc sĩ Vũ Thành An nổi tiếng về những bài ca không tên trong thập niên 1960 cùng với những nhạc sĩ trẻ thời đó như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên…Ông sáng tác rất sớm khi còn đang học trung học. Tuy nhiên một số bài lúc đó chỉ có nhạc điệu chứ không có lời, như chia sẻ của ông với VOA Việt ngữ:
“Nói về nét nhạc của những bài không tên thì đến rất là sớm, ví dụ như bài không tên số 2 hay là bài không tên số 8 thì cái melody đó tới từ khi mình còn đi học ở trường Hưng Đạo lớp đệ nhị tức là khoảng năm 1961. Lúc đó mình chưa có làm lời được hay. Đến năm 1968 mới có lời của bài không tên số 2, tức là sau nhiều năm mới kết thúc thành một ca khúc.”
Trong số những bài ca không tên của ông có những bài lấy cảm hứng từ những mối tình của chính tác giả.
“Bài không tên số 2 liên quan đến một cô, bài không tên số 8 liên quan đến một mối tình khác,” nhạc sĩ Vũ Thành An cho biết.
“Không phải mỗi bài không tên có một mối tình. Cũng không phải có một mối tình đó mình trải ra một số bài khác nhau. Ví dụ như bài tình khúc thứ nhất, bài không tên cuối cùng là cùng một mối tình,” ông giải thích thêm.
Một điểm đặc biệt đậm chất ‘Vũ Thành An’ là nhiều tác phẩm của ông không được đặt tên, mà cứ lần lượt được gọi là bài không tên, từ số 1 lên tới số hàng trăm.
“Có hai lý do,” ông cho biết. “Mình muốn làm gì khác lạ cho người ta chú ý. Người ta đặt tên mình đặt không tên. Đó là kiểu của mình. Lý do thứ hai nữa là ông Trịnh Công Sơn có người yêu của ông tên là Diễm, ổng viết ra bài Diễm Xưa. Người yêu của mình mình không muốn cho ai biết người yêu mình là ai cả. Nếu người nào tìm hiểu sâu hay người thân của mình thì biết thôi còn đại đa số mình không cho biết vì mình muốn giữ mối tình nó đẹp. Những người yêu của mình bây giờ chụp hình là những bà cụ rồi. Thôi bây giờ để cho người ta tưởng tượng tới một người yêu, một thiếu nữ nào mơ mộng duyên dáng, tà áo dài lã lướt để thế hệ nào cũng nghĩ như vậy thì hay hơn.”
Tác giả cho hay những bài không tên, tuy đánh số như vậy, nhưng không theo thứ tự thời gian.
“Những năm 70, 71 có nhu cầu là các nhạc sĩ in ra tập nhạc 10 bài nên mình mới gom góp lại những bài đã có và đặt số cho nó từ bài số 1, (nhưng bài Tình khúc thứ nhất không phải là bài số 1), đến bài số 10 mình không đặt là bài số 10 nhưng đặt là bài không tên cuối cùng,” ông chia sẻ.
Nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn tiếp tục sáng tác ‘những bài không tên’, và cho đến lúc ông trả lời VOA vào đầu tháng 8 năm 2019 thì đã có bài không tên 107. Tuy nhiên, theo ông, những bài không tên sau này không nổi tiếng bằng mười bài không tên đầu tiên.
“Theo mình nghĩ những bài sau này không phải không hay bằng số 1. Bây giờ người ta nghe người ta thấy không bằng những bài đầu tiên. Thực ra những bài đầu tiên được tô vẽ bằng bao nhiêu kỷ niệm và sự rộng rãi của nó nên nó nổi hơn những bài không tên sau này. Những bài không tên sau này là những đứa em ra sau, không ai để ý tới nó thì nó không nổi thôi, nhưng nếu một người nào để ý thì người ta cũng thích.”
Ngoài những bài không tên để ghi dấu những mối tình, nhạc sĩ Vũ Thành An còn có những bài không tên được tạo cảm hứng từ một số vần thơ, chẳng hạn như bài không tên 50.
“Tôi nhớ là hồi đi tù về, tôi nghe ở đâu đó có một câu thơ rất hay ‘Em bảo anh đi đi sao anh không đứng lại. Em bảo anh đứng đợi sao anh lại về ngay. Lời nói thoảng gió bay, đôi mắt hiền đẫm lệ, mà sao anh dại thế, không nhìn vào mắt em.’ Bài thơ ngắn, nên tôi phải thêm lời vào. Tôi không biết tác giả là ai, nên ghi là vô danh,” ông vừa kể vừa ngân nga vài câu trong bài hát.
Nhạc sĩ Vũ Thành Anh từng là một tù nhân chính trị. Sau ngày 30/4/1975, ông phải đi ‘học tập cải tạo’ mười năm tại miền Bắc, từ 1975 đến 1985. Thời gian này cũng là lúc ông bắt đầu sáng tác một số nhạc phẩm đạo lẫn đời, và tập trung thành một tập nhạc có tên là Những bài ca Nhân bản cũng được đánh số thứ tự, cùng nhiều bài có tên khác.
“Mình muốn giữ cái ‘không tên’ để mọi người biết tác giả là Vũ Thành An,” ông nói.
Những đứa con tinh thần của ông chuyển từ thể loại trữ tình sang thể loại Thánh ca và ông đã phổ nhạc toàn bộ Thi-thiên (hay còn gọi là Thánh vịnh-Psalms-theo từ của Công giáo) gồm 150 bài.
Sau 20 năm ngưng sáng tác nhạc đời (từ 1995 cho đến 2015), người nhạc sĩ tài hoa đã quay trở lại với nhạc trữ tình.
“Mình đổi suy nghĩ là Chúa đã cho mình có khả năng làm đẹp cuộc đời, tại sao mình không sử dụng khả năng đó để sáng tác thêm? Cho nên từ năm 2015 đến giờ, Vũ Thành An tiếp tục sáng tác. Chính vì thế, bài không tên số 50 là bài không tên cuối cùng trước khi Vũ Thành An nghỉ sáng tác năm 1995. Khi tiếp tục sáng tác lại thì có những bài không tên. Từ bài không tên số 51 cho đến nay, sau 4 năm, đã được đến bài không tên 107. Vũ Thành An cố gắng sử dụng [khả năng] Ơn trên đã cho để phục vụ Chúa trong thời gian còn lại. Thành ra Vũ Thành An sẽ tiếp tục sáng tác. Vũ Thành An tin sẽ đóng góp thêm khả năng để làm đẹp cho đời,” ông thổ lộ.
Nhạc sĩ Vũ Thành An cho biết sau này, vì lớn tuổi nên không còn yêu đương thống thiết, viết nên những lời yêu đương thống thiết nữa, nên ông dựa vào những bài thơ tìm được trên Internet để sáng tác.
“Vừa rồi mình đọc trên Internet có một bài thơ rất hay, mình phổ nhạc bài đó ‘Một thời theo gió đuổi mây.’ Mình theo đuổi tình yêu giống như cơn gió đuổi theo áng mây, rất là hay,” ông nói.
Những ca khúc sau này của Vũ Thành An chưa được xuất bản, nhưng được đăng trên Facebook của chính tác giả.
Nhạc sĩ Vũ Thành An sang Mỹ định cư vào năm 1991 và kể từ năm 1992 ông định cư tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon, cho đến nay. Ông hiện đang giữ chức Phó Tế tại một nhà thờ Công giáo ở Oregon và là người sáng lập cùng điều hành Quỹ Từ Thiện Teresa để cấp lương thực cho người già ở Việt Nam và một số nước khác ở Đông Nam Á, Châu Phi cũng như ở Châu Mỹ Latin.