Đường dẫn truy cập

Những thủ đoạn nằm sau chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang


Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, ngày 25 tháng 7, 2013
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, ngày 25 tháng 7, 2013
Để chặn đứng sự xâm nhập của khối Cộng sản xuống phía Nam, quân đội Hoa Kỳ phải chiến đấu tại miền Nam Việt Nam trong 20 năm, họ phải tốn không biết bao nhiêu tiền của và sinh mạng.Trong cùng khoảng thời gian đó, để thiết lập một vùng đệm tránh không cho khối tư bản tiếp cận biên giới quốc gia, tại miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc đã hỗ trợ khí tài quân sự, kể cả nhân lực (không công khai) cho Cộng sản Bắc Việt gây nên một cuộc chiến tranh ác liệt. Một kịch bản chiến tranh có mục tiêu tương tự như ở bán đảo Cao Ly năm 1950.

Thực lòng quên quá khứ?

Năm 1975, miền Nam Việt Nam bị bức tử, khối Cộng sản nói chung đã giành chiến thắng trong ván cờ khu vực. Kể từ đó, Hoa Kỳ trở thành kẻ thù không đội trời chung của Cộng sản Việt Nam. Năm 1995, Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Hà Nội và công nhận họ là đại diện chính thức của Việt Nam. Tính đến nay, mối bang giao Việt Mỹ trải qua 18 năm, khoảng thời gian bang giao có đủ dài để Hà Nội thực sự quên đi mối thù xưa, thiết lập quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm sinh lộ cho đất nước hay không?

Đáng tiếc, câu trả lời nhiều khả năng là “Không”! Trong sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam, trong các hội nghị chuyên đề về lịch sử, trong các lễ kỷ niệm về chiến tranh, “Đế quốc Mỹ” vẫn hiện diện như một kẻ thù cần phải tiêu diệt. Chính vì mối thù thâm căn cố đế đó mà quan hệ Việt Mỹ luôn luôn bị ngăn cách bởi một bức tường vô hình, và nó tiếp tục tồn tại khi nào đảng Cộng sản còn thống trị Việt Nam. Giả như, thượng tầng lãnh đạo Việt Nam có một vài cá nhân có quyền lực muốn quên đi quá khứ, chuyển đổi mối quan hệ với Hoa Kỳ từ thù thành bạn, cũng chưa chắc có thể thực hiện thành công cuộc cách tân khi hạ tầng là tập hợp của những con người cực đoan thủ cựu. Cũng xin nhấn mạnh rằng đây là nét đặc trưng của các quốc gia độc tài Cộng sản, nó không giống bất kỳ thể chế độc tài nào khác trên thế giới.

Quả vậy, trong tiềm thức của những người Cộng sản từ trung ương đến địa phương, Trung Quốc vẫn là một nước đàn anh có cùng ý thức hệ, đã từng sát cánh với đảng Cộng sản Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh. Giải pháp thần phục Trung Quốc vẫn được ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đại hội đảng. Khác với Việt Nam, Miến Điện từng là một quốc gia quân phiệt hà khắc nhất thế giới, nhưng trong lịch sử, tập đoàn quân nhân Miến Điện không có mối thâm thù với Hoa Kỳ. Chính vì lẽ đó, sự điều chỉnh chiến lược từ gần gũi với Trung cộng chuyển sang thân thiện với Hoa Kỳ có thể thực hiện dễ dàng hơn, vì không có chướng ngại tâm lý. Nhờ đó, cuộc chuyển hoá dân chủ tại Miến Điện bớt đi khá nhiều cản trở.

Việt Nam, Hoa Kỳ: Ai cần ai hơn?

Quay trở lại tình hình chính trị Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang, giới phân tích trong và ngoài nước đưa ra nhiều quan điểm, bình luận khác nhau. Có người cho rằng, đây là một chuyến đi thành công, có thể đưa Việt Nam vào một ngã rẽ mới. Có người bi quan hơn, nhận định chuyến đi thất bại vì ông Sang đã không mang về được một kết quả cụ thể nào. Theo thiển ý của tôi, chuyến đi của ông Sang là một thất bại về mặt ngoại giao nhưng thành công về mặt chính trị đối với tập đoàn cầm quyền.

Mặc dù, Việt Nam đang nằm trong khu vực “nhạy cảm” mà Hoa Kỳ muốn tái lập ảnh hưởng, nhưng điều đó vẫn chưa đủ quan trọng để có thể liệt kê vào danh sách các quốc gia ưu tiên đặc biệt. Tại khu vực Đông Nam Á còn có nhiều quốc gia là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ như Singapore, Philippines...và sau này sẽ là Miến Điện – một quốc gia quân phiệt đang trên đà cải cách dân chủ. Chính vì lẽ đó, mà Hoa Kỳ đã không đặt nặng việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Cộng sản phải có một sự thay đổi chính trị mạnh mẽ vì họ biết rằng quyền lợi của một nước Việt Nam Cộng sản sẽ không bao giờ tương đồng với lợi ích của nhân dân Mỹ. Hoa Kỳ không có lý do để đáp ứng những khẩn cầu của Việt Nam khi không nhận thấy những tiến bộ trong cải cách chính trị.

Rõ ràng là, trong những chuyến viếng thăm quan trọng của phái đoàn Việt Nam đến Mỹ, mà mới đây nhất là chuyến đi của ông Sang, Hoa Kỳ đã không dành cho phía Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu nào. Khác với cách đón tiếp Trương Tấn Sang, cách đây không lâu, chính phủ Hoa Kỳ đã trịnh trọng chào đón lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi như một chính khách quan trọng dù bà chỉ là một nghị sĩ trong Quốc hội Miến Điện. Qua đó chúng ta có thể phần nào lượng định được tính chất cũng như tầm quan trọng của Việt Nam trong đánh giá của người Mỹ.

Trong quan hệ Việt Mỹ, những người lãnh đạo nhận thức được rằng Hoa Kỳ không cần Việt Nam trong ván cờ chiến lược, ngược lại, Việt Nam rất cần Hoa Kỳ để phát triển kinh tế, mà có thể là để sống còn. Trọng tâm của chuyến đi, phái đoàn Việt Nam tha thiết kêu gọi Mỹ cho gia nhập hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương và hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Tuy nhiên, cái mà họ nhận được chỉ là những lời lẽ ngoại giao.

Những toan tính phía sau

Những người lãnh đạo Việt Nam phải nhận thức rõ điều đó hơn ai hết. Thế nhưng, nếu không đạt được thành quả bang giao cụ thể về kinh tế, chính trị, quân sự thì họ cũng có thể tận dụng cơ hội để đạt được những thứ khác. Có thể họ không cần sự tiếp đón nồng hậu hay những thành quả bang giao, vì họ đang toan tính về những thứ nhỏ mọn nhưng lại có lợi cho họ trong nhất thời, trong tình thế đang lúng túng đối phó với sự bất mãn trong nước và trong thời gian chờ người đàn anh Trung Quốc ra chỉ thị mới.

Thực vậy, trong những năm gần đây, Hà Nội liên tục bị chỉ trích vì thái độ nhu nhược với Trung Quốc. Vì áp lực ngày càng lớn từ khối quần chúng đông đảo và một bộ phận đảng viên, một liệu pháp xoa dịu thiết nghĩ cũng hữu ích để những nhà lãnh đạo độc tài tranh thủ thời gian cho những âm mưu khác. Việc sử dụng chiêu bài xích lại gần với Hoa Kỳ vì thế là một nước đi cần thiết của họ.

Trong cuộc hội đàm, Trương Tấn Sang cố tình thổi phổng mối quan hệ Việt Mỹ khi phát biểu rằng Việt Nam - Hoa Kỳ đã xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Mục tiêu tối quan trọng ẩn dấu sau cử chỉ này là để minh chứng cho người dân trong nước thấy rằng: nhà nước Việt Nam có bang giao tốt đẹp với tất cả các quốc gia trên thế giới; ngoài mối quan hệ với Trung Quốc đang bị chỉ trích nặng nề, đảng và nhà nước Việt Nam cũng chú trọng đến việc phát triển quan hệ ngoại giao với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Phương Tây; quan hệ với Washington là nhằm tạo thế cân bằng, đối trọng với Bắc Kinh...Không thể phủ nhận những động thái đó có tác dụng hiệu quả trong việc xoa dịu lòng dân và những nhà đối lập trong một chừng mực nào đó.

Bên cạnh đó, ông Sang và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không quên dùng chuyến đi này để đánh bóng tên tuổi của Hồ Chí Minh, một nhân vật được thần tượng hóa nhưng bị giới trẻ trong nước dần lãng quên. Họ tận dụng cơ hội tốt trong một chuyến đi có thể nói là đem lại dnah giá cho chính quyền Hà Nội, mỗi lần nữa, làm sống lại một biểu tượng mốc meo. Thông qua bức thư của Hồ Chí Minh gởi Tổng thống Mỹ Truman, Cộng sản Việt Nam đã cố tình tạo ra cái cảm giác đầy cám dỗ rằng: Hồ Chí Minh cũng có tư tưởng dân chủ kiểu Mỹ và ông ta cũng được chính giới Mỹ đánh giá cao. Điều này có tác dụng truyền thông lớn đối với giới trẻ trong nước.

Hơn nữa, việc xích lại gần Hoa Kỳ sẽ tạo ra sự bất an cho không ít những đảng viên cấp dưới, đặc biệt là những kẻ thủ cựu, họ sợ một sợ chuyển hướng hay thay đổi nào đó tạo một tương lai không thể dự đoán cho họ. Nhưng khi những nhà lãnh đạo trung ương gợi lại hình ảnh Hồ Chí Minh trong một chuyến đi quan trọng như thế, đại bộ phận đảng viên Cộng sản cấp dưới sẽ cảm thấy bớt lo ngại hơn khi nghĩ rằng trước đây ông Hồ cũng từng muốn bắt tay với Hoa Kỳ. Việc cầu cạnh một kẻ có thâm thù huyết hận với đảng như thế cũng dễ chấp nhận hơn đối với họ.

Có thể nói đây là một thành công chính trị của đảng Cộng sản, điều này khiến chúng ta liên tưởng đến cuộc tấn công tết Mậu thân, tuy là một thất bại về quân sự nhưng họ đã thành công trong cuộc vận động chính trị quốc tế. Những người lãnh đạo Việt Nam quả thật dốt nát về kỹ trị, về quản lý và xây dựng đất nước, nhưng đừng nên coi thường họ về mặt thủ đoạn chính trị và kỹ năng nắm giữ quyền lực.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG