Đường dẫn truy cập

Những nhóm lợi ích nào sẽ bị thanh trừng sau ‘đại hội vĩnh biệt’?


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự lễ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 21/1/2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự lễ khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 21/1/2016.

Mất ngủ, huyết áp và tim mạch

Nhân dân ơi, hãy chia sẻ và cảm thông với các “sân sau” của giới quyền lực chính trị đang rầm rập tiến bước vào bóng tối nhiệm kỳ.

Trên hẳn nhân dân, họ đang là những kẻ mất ngủ và được bác sĩ chứng nhận căn bệnh tim mạch huyết áp bất thường nguy biến ngay vào thời điểm này, khi chỉ còn một vài ngày nữa sẽ biết được những “bức tường” nào bị thanh loại tại Đại hội XII của chính đảng còn đang cầm quyền ở Việt Nam.

Hẳn là thế, chỉ còn một vài đêm nữa thôi, đại hội này sẽ kết thúc với những kết quả có thể làm cho một đám người nhảy cẫng lên, nhưng một đám khác lại cắm mặt đưa đám.

Tuyệt đại đa số những đám người nhảy nhót hoặc mặt như huyệt mộ ấy đều thuộc về nhóm thân hữu chính trị hoặc nhóm lợi ích kinh tế đã tàn phá nguyên khí dân tộc đến giọt máu cuối cùng.

Tất cả đều nín thở. Trong bữa nhậu rôm rả, một quan chức cấp sở thầm thì rằng cho dù rất thèm muốn “tán” chuyện chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII, nhưng ông này lại phải mắt trước mắt sau lựa người cùng cánh để tâm sự. Lỡ gặp phải người khác phe thì coi chừng mang họa.

Chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa địa phương đã ăn quá sâu vào bộ máy thư lại hành chính ở Việt Nam như thế từ quá nhiều năm qua. Nhưng không thể đổ hết trách nhiệm cho truyền thống “một người làm quan cả họ được nhờ” có từ thời phong kiến. Chính não trạng độc đoán của cơ chế độc đảng đã khiến cho tư tưởng độc trị và trục lợi chính sách tác quái ghê gớm hơn bao giờ hết, từ đó hình thành các nhóm quyền lực lẫn lợi ích tham tàn dân sinh lẫn triệt hạ nhau không thương tiếc.

Bất cứ một “chính khách” nào bị rớt đài cũng có thể kéo theo một lô xích xông những kẻ ăn theo. Nhưng đó chỉ là những tước vị quan lại. Đại hội XII còn khác hẳn với những đại hội trước bởi tính bất khoan dung trong cuộc sát phạt không khoan nhượng giữa các nhóm thân hữu và lợi ích.

Cứ lấy ngay hình ảnh của hai Đại hội X và XI làm minh họa. Dù vẫn đấu đá quyền lực tại hai đại hội đó, nhưng lợi ích chung vẫn được thỏa hiệp, hầu hết các nhóm từ kinh doanh như ngân hàng, vàng, bất động sản, chứng khoán, tài chính cho đến những nhóm “doanh nghiệp công ích” như xăng dầu, điện lực đều vẫn ung dung hưởng lợi, đắc thắng đầu cơ vét tiền thiên hạ hoặc mặc xác tăng giá trên đầu trên cổ dân nghèo.

Nhưng giờ thì khác hẳn. Công cuộc cạnh tranh lãnh địa làm ăn đã hóa thân vào hình ảnh “rút súng”. Tương tự tính bất khoan dung trong cuộc thanh trừng chính trị, sẽ chỉ còn thế “chiến thắng hay là chết” của các nhóm kim tiền.

‘Bóc lịch’ là cái chắc

Sài Gòn. Trong một cuộc gặp mặt đầu năm 2016, có hai “cán bộ phong trào” đều đã thất thập cổ lai hy giương mắt gườm nhìn nhau. Một người ủng hộ “Anh Ba”, còn người kia ngả sang “Anh Tư”. Trước đây, hai người này đã từng có một trận khẩu chiến ác liệt, ai cũng cố chứng minh “phải chọn cái đỡ tệ trong những cái dở”. Nhưng không ai chứng minh được anh Ba và anh Tư thì kẻ nào tệ hơn, về tham nhũng và về giáo điều…

Một trận thư hùng dữ dội tương tự cũng đã xảy ra giữa hai doanh nhân có máu mặt - một “cấp tiến”, một “kiên định”. Kẻ nào cũng cố đe nẹt rằng tư cách của kẻ kia là “dưới đáy ly rượu” và “hãy đợi đấy”.

Đáp số đơn giản mà những ủng hộ viên nhiệt thành trên hoàn toàn có thể hình dung là chỉ sau vài ngày nữa, khi Bộ Chính trị thông báo kết quả về chức danh tổng bí thư và những vị trí còn lại trong “tứ trụ”, hoặc anh Ba hoặc anh Tư sẽ không có mặt. Khi đó, hoặc ủng hộ viên này hoặc ủng hộ viên kia sẽ có quyền ngẩng cao mặt, kéo theo thái độ vênh váo của đám “sân sau” của anh Ba hoặc anh Tư.

Hoặc chỉ còn “anh Cả” trở thành “người cuối cùng trên chiến trường mới là kẻ chiến thắng”.

Chẳng cần phải khó nhọc tư duy, người ta cũng dễ dàng tiên đoán là sau Đại hội XII không lâu, sẽ diễn ra một cuộc thanh trừng vừa ngấm ngầm vừa lộ liễu của nhóm quyền lực thắng thế đối với nhóm quyền lực thất bại. Trước hết “thanh toán” về các cơ sở vật chất tài chính và kinh tế. Sau đó tiến đến thanh loại các chức vụ trong đảng và chính quyền. Kể cả điều tra hình sự và truy tố…

Cường độ bắt bớ chắc sẽ tăng vọt. Một bộ phận không nhỏ những kẻ đang nín thở sẽ chẳng còn thở được nữa.

“Bóc lịch” là cái chắc.

Cụ Rùa chứng quả

Nặng nề nhất là anh Ba. Vốn tích lũy dày đặc hệ thống doanh nghiệp tiền chất như núi, sự sụp đổ nếu xảy ra của anh này sẽ có thể dẫn đến một cuộc tháo chạy tán loạn của những kẻ đã từng thề thốt trung thành với anh. Có thể xem đó là trận đại hồng thủy tràn vào thành lũy tài phiệt khổng lồ nhất quốc gia.

Mặc kệ trận đại hồng thủy ấy, dân chúng và đặc biệt là người nghèo sẽ dửng dưng. Bên nào thắng thì nhân dân đều bại. Thế giới này vốn dĩ đã quá bất công, chẳng phải còn anh Ba hay mất anh Ba mà xã hội bớt oan nghiệt, khi Điều 4 Hiến pháp về độc đảng vẫn sừng sững, làm tấm bình phong khổng lồ che chắn cho ngàn vạn quan chức tiếp tục tham nhũng.

Chuột bọ đang xoay sở phóng khỏi con tàu sắp đắm. Chỉ trước Đại hội XII ba ngày, thông điệp “không tăng giá điện năm 2016” của lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam, dù chẳng có bằng chứng nào để tin là thành thực, đã phát thêm một tín hiệu về quyền lực của phe chính phủ có thể trở nên thê thảm trước và trong đại hội này.

Thời gian đã chứng minh cho những răn đe hoàn toàn không phải cho có. Hàng loạt tác giả ẩn danh hiện hình trên mạng xã hội, chứ không phải báo chí nhà nước, liên tiếp cảnh cáo nhau về từng cái tên sẽ bị thanh trừng sau Đại hội XII. Có cái tên thuộc về giới quản lý ngân hàng, cái tên khác lại thuộc về một lãnh đạo Bộ Công an, và cả những cái tên ở những địa phương quan trọng như Sài Gòn. Chưa kể vài cái tên úp mỡ thuộc nhóm chuyên cướp đất của dân…

Chắc chắn đó là nguồn cơn khắc khoải để nếu cả hai anh Ba và Tư đều “biến mất” khỏi Bộ tứ, hy vọng vớt vát cho các nhóm thân hữu chỉ là anh nào còn “trụ” lại trong Bộ Chính trị hoặc tệ nhất cũng trong Ban Chấp hành Trung ương. Chỉ cần có chân trong hai tổ chức quyền lực này, vị trí nào cũng được, để kéo dài thời gian quyền lực và tìm cách tránh bị đối phương “hồi tố”.

“Hồi tố” lại hữu cơ với “đả hổ”. Nếu giới lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam luôn phải lo xa vì sợ bị “diệt ruồi”, thì tiền lệ rất cận kề từ quốc gia láng giềng Trung Quốc là Tập Cận Bình đã bắt đầu chiến dịch thanh trừng các con hổ chính trị tham nhũng chỉ sau một năm ông ta cầm quyền. Số phận không còn đơn thuần là bị kỷ luật và bị tước danh hiệu đảng viên mà chẳng một kẻ ăn dầy nào thèm quan tâm, mà cái giá đáng phải “tâm tư” chính là kẻ đó bị cách ly khỏi xã hội hoặc phải từ giã cuộc đời này mãi mãi.

Chỉ một ngày trước khi khai mạc Đại hội XII, sự ra đi vĩnh hằng của CỤ RÙA TỪ TRẦN sẽ khởi đầu chuỗi chứng quả cho vận mệnh chết đuối của dân tộc Việt Nam, bắt đầu từ những quan chức đáng bị quả báo trong và ngay sau ĐẠI HỘI VĨNH BIỆT này.

*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG