Đường dẫn truy cập

Những người ủng hộ người Rohingya yêu cầu bà Aung San Suu Kyi có hành động tức thì


Hình tư liệu - Những người di cư Rohingya đứng bên ngoài các lều tạm ở Sittwe, Myanmar, ngày 14 tháng 5 năm 2013.
Hình tư liệu - Những người di cư Rohingya đứng bên ngoài các lều tạm ở Sittwe, Myanmar, ngày 14 tháng 5 năm 2013.

Khi bà Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc trong tuần này, các nhà hoạt động sẽ quan sát để xem nhân vật biểu tượng cho dân chủ sẽ nêu lên những nổi thống khổ của người sắc tộc Rohingya như thế nào. Người Rohingya được các tổ chức nhân quyền nói là nằm trong số những nhóm người thiểu số bị đàn áp nhất trên thế giới.

Kể từ khi bạo động về sắc tộc và giáo phái bùng phát vào năm 2012, hàng ngàn người Rohingya phải sống chen chúc tại các trại tị nạn trong những điều kiện mà các tổ chức nhân quyền lên án là quá tồi tệ. Các ngôi đền Hồi giáo bị đóng cửa và hôn nhân không được chính phủ công nhận. Chính phủ hạn chế hoạt động của người Rohingya và hạn chế việc tiếp cận của họ với chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ hội có việc làm.

Trên thực tế hầu hết người Rohingya không được xem là công dân. Chính phủ Myanmar và nhiều công dân nước này xem người Rohingya là những di dân bất hợp pháp, và ngay cả từ chối gọi họ là người Rohingya. Thay vào đó Myanmar gọi họ là người Bengal, phản ánh quan điểm cho rằng người Rohingya từ nước láng giềng Bangladesh đến dù nhiều người Rohingya sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ. Chính bà Aung San Suu Kyi đã nói từ Rohingya “chia rẽ” và chính phủ sẽ hạn chế dùng từ này.

Kể từ năm 2012, hàng ngàn người Rohingya trốn ra nước ngoài, liều mình trong những chuyến đi nguy hiểm đến Indonesia hay Malaysia. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 140.000 người sống tại các trại tạm trú trong nước. Một số tổ chức nhân quyền cho rằng việc đối xử những người Rohingya lên đến mức được xem như là xóa xổ người sắc tộc hay diệt chủng.

Ông Wakar Uddin, thuộc một tổ chức bênh vực người Rohingya hàng đầu tại Mỹ, tuần trước đã gặp một số giới chức chính quyền Mỹ để thuyết trình cho những người này biết về tình hình người Rohingya và đã cho Đài VOA phỏng vấn nói “Tình hình của người Rohingya tại Myanmar tệ hại. Nhiều người đang chết dần mòn. Chúng tôi có những vấn đề khó khăn cần được giải quyết. 140.000 người trong các trại. Họ cần được đưa trở về.”

Ông Uddin là chủ tịch sáng lập của Hội người Rohingya Bắc Mỹ và là giáo sư nông học tại Trường đại học Tiểu bang Pennsylvania.

Dù có những lo ngại sâu sắc, ông Uddin thấy có một số hy vọng với việc thành lập một ủy ban do cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đứng đầu. Uỷ ban này được chính phủ nửa quân đội nửa dân sự của Myanmar chấp thuận. Uỷ ban có nhiệm vụ điều tra cuộc xung đột Rohingya và phúc trình trong vòng một năm, về một loại lộ đồ đi đến một giải pháp tương lai.

Ông Uddin nói “Uỷ ban Kofi Annan có rất nhiều khả năng. Họ sẽ đưa ra được một phúc trình về sự thật. Dù sự thật đó là gì.”

Ông Uddin nói thêm sự thật là điểm then chốt “Uỷ ban sẽ và nên nói chuyện với các nạn nhân, những người đã trải qua những khó khăn.”

Ông Uddin kêu gọi có hành động ngay tức thì để làm giảm bớt những đau khổ của con người. Ông Uddin nói với Đài VOA là ông đặc biệt yêu cầu các giới chức Mỹ trong tuần này nhắc nhở bà Aung San Suu Kyi có những quyết định ngay bây giờ.

Ông Ronan Lee, một nhà nghiên cứu cư ngụ tại Australia cũng nói là những người theo Phật giáo tại Myanmar cũng cần được giúp đỡ ngay tức khắc.

Một vấn đề chính trị rất tế nhị mà giới lãnh đạo Myanmar, chính quyền Obama và những nhà hoạt động, và những người theo Phật giáo tại Myanmar phải đối phó là liệu việc đối xử với người Rohingya có lên đến mức độ “diệt chủng” hay không.

Gán việc đối xử với người Rohingya vào tội diệt chủng có thể buộc 147 quốc gia ký vào Công ước về Trừng phạt và Ngăn ngừa của Hiệp ước về Tội Diệt chủng phải can thiệp vào tình hình này. Điều này sẽ đánh dấu một bước cực đoan, nhưng là một bước mà một số nhà hoạt động cho là cần thiết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG