Đường dẫn truy cập

‘Những Người Lính Bị Bỏ Rơi’ sắp ra mắt khán giả hải ngoại trước thềm 30/4


Một nhạc cảnh được dàn dựng cho chương trình "Những Người Lính Bị Bỏ Rơi" (SBTN)
Một nhạc cảnh được dàn dựng cho chương trình "Những Người Lính Bị Bỏ Rơi" (SBTN)

Một chương trình ca nhạc công phu do các nghệ sĩ gốc Việt góp sức thực hiện sẽ được trình chiếu ở Mỹ nhân dịp kỉ niệm 45 năm biến cố ngày 30 tháng 4, bất chấp những khó khăn về kinh phí và tình hình kinh tế khó khăn do dịch virus corona gây ra.

Chương trình ca nhạc - phim tài liệu mang tên “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi,” do đài truyền hình Việt ngữ SBTN ở bang California thực hiện, vừa hoàn tất ghi hình các bài hát và nhạc cảnh về những người lính Việt Nam Cộng Hòa và hiện đang làm hậu kì để DVD có thể ra mắt khán giả vào ngày 30 tháng 4.

Tháng Tư này đánh dấu tròn 45 năm ngày Sài Gòn sụp đổ mà chính quyền Hà Nội gọi là “ngày thống nhất đất nước”, nhưng hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi lánh nạn chế độ cộng sản xem là ngày “ngày quốc hận.”

Tại Mỹ, các cộng đồng người Việt ở khắp các bang mỗi năm đều tổ chức các sự kiện tưởng niệm ngày này dưới nhiều hình thức, bao gồm những chương trình ca nhạc tri ân những người đã chiến đấu và ngã xuống vì nền tự do ở miền Nam.

Nhạc sĩ Trúc Hồ, trưởng dự án “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi” tưởng niệm sự kiện 30/4 năm nay, cho VOA biết nguồn kinh phí thực hiện chương trình không dồi dào như những năm trước nhưng sự nhiệt tình của đội ngũ nhân viên, nghệ sĩ và những người hảo tâm đã góp phần rất lớn giúp hoàn thành dự án.

“Tất cả đều là sự đóng góp của mỗi người một tay, những tấm lòng muốn thấy chương trình thành công,” ông nói.

Nhạc sĩ Trúc Hồ, một trong những nhạc sĩ được nhiều người biết đến ở hải ngoại, hứa hẹn chương trình nhạc 30 tháng 4 sẽ mang đến cho khán giả không chỉ những bài hát nổi bật nhất về người lính Việt Nam Cộng Hòa mà chất lượng âm thanh, hình ảnh cũng trau chuốt hơn với sự chăm chút về mặt kĩ thuật và dựng cảnh.

Ca sĩ Thế Sơn, một trong những nghệ sĩ tham gia chương trình, nói cảnh trí được tái hiện một cách “công phu” rất phù hợp với những bài hát, gợi lên một không gian tràn ngập kỉ niệm về một Sài Gòn và Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa.

Nam ca sĩ tiết lộ anh được giao hát ca khúc “Người Ở Lại Charlie” và anh sắm vai một người lính trong nhạc cảnh được dàn dựng cho bài hát.

“Khi mà Sơn hát bài này thì cảm xúc nhân đôi,” anh chia sẻ. “Mình hát bài này để vinh danh ba của một người bạn.”

“Năm 1972 đi học lớp ba, giữa năm vô thấy bạn này mặt buồn hiu, đeo tang đen trước ngực. Mình cũng chả hỏi và thấy cũng bình thường thôi. Sau này một người bạn khác mới cho biết bạn này là con trai của [Đại tá] Nguyễn Đình Bảo.”

Đại tá Nguyễn Đình Bảo, tử trận vào tháng 4 năm 1972 tại đồi Charlie ở tỉnh Kon Tum, được nói là cảm hứng cho nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác ca khúc trứ danh này.

Ca sĩ Thế Sơn nói chương trình này không đơn thuần là những tiết mục ca nhạc mang tính giải trí mà là một “tài liệu lịch sử” mang tính giáo dục, đặc biệt là cho những thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh và lớn lên ở ngoài Việt Nam.

“Để giới trẻ sau này dù muốn dù không cũng có một tài liệu để nhìn đúng về chiến tranh Việt Nam,” anh nói.

Chính vì lí do đó, nhạc sĩ Trúc Hồ nói chương trình ca nhạc này có thêm các đoạn phim tài liệu với phụ đề bằng tiếng Anh, thậm chí các bài hát cũng có phụ đề bằng tiếng Anh, để những người trẻ có thể hiểu và cảm nhận được trải nghiệm của thế hệ cha ông của họ.

Ông đề cao vai trò của những người lính bảo vệ tự do ở miền Nam để nghệ thuật có thể phát triển, kể cả những bài hát phản chiến.

“Cho nên tôi muốn gửi một thông điệp tới cho tất cả giới trẻ biết: phải có tự do thì văn hóa của chúng ta mới phát triển,” ông nói. “Nếu không có tự do thì chúng ta không có văn hóa.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG