Đường dẫn truy cập

Những lo ngại về an ninh thúc đẩy cuộc chạy đua tổng thống Mỹ


Ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trước đám đông trong một cuộc mít tinh ở Grand Rapids, bang Michigan, ngày 21/12/2015.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trước đám đông trong một cuộc mít tinh ở Grand Rapids, bang Michigan, ngày 21/12/2015.

Khủng bố và an ninh quốc gia bao trùm cuộc chạy đua năm 2016 vào Tòa Bạch Ốc, ít nhất vào lúc này. Các cuộc thăm dò công luận mới đây cho thấy những quan ngại về an ninh nay đang vượt qua kinh tế trở thành vấn đề hàng đầu đối với cử tri trong cuộc tranh cử sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố ở Paris và San Bernardino, California.

An ninh là trọng điểm chính của 2 cuộc tranh luận gần đây nhất giữa các ứng viên ra tranh cử tổng thống và đã buộc nhiều người nhắm vào Tòa Bạch Ốc phải điều chỉnh cuộc vận động để đáp ứng với bối cảnh chính trị chuyển hướng.

Ông Donald Trump vẫn là nhân vật nổi trội trong cuộc chạy đua của đảng Cộng hòa. Cuộc thăm dò mới nhất của trường Đại học Quinnipiac cho thấy ông được tỷ lệ ủng hộ 28 phần trăm trong giới cử tri Cộng hòa, và thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas về ngay sau với tỷ lệ 24 phần trăm. Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, người đã biến vấn đề an ninh quốc gia thành trung tâm điểm cuộc vận động của ông, về hạng ba với 12 phần trăm, tiếp theo là bác sĩ Ben Carson, với 10 phần trăm. Nhưng cuộc thăm dò cũng cho thấy 50 phần trăm những người được thăm dò, kể cả những người theo đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, sẽ cảm thấy lúng túng nếu ông Trump lên làm tổng thống.

Phe Cộng Hòa đánh giá ông Trump cao nhất về vấn đề khủng bố

Một trong những chìa khóa đem lại thắng lợi bền bỉ cho ông Trump với giới cử tri Cộng Hòa là vì họ coi ông là người đối đầu hay để chống lại mối đe dọa khủng bố. Một cuộc thăm dò mới đây do trường Quinnipiac thực hiện với cử tri đảng Cộng Hòa ở Iowa cho thấy 33 phần trăm chọn ông Trump là ứng viên có khả năng nhất để xử lý vấn đề khủng bố, trên ông Cruz và ông Rubio. Ông Trump rất thích trích dẫn các kết quả thăm dò tại các cuộc tụ tập vận động của ông. Ông nói với các ủng hộ viên mới đây tại Cedar Rapids, Iowa: “Đây sẽ không còn là một cuộc bầu chọn về sự thân thiện nữa, ngay cả nếu tôi không tỏ ra thân thiện. Đây sẽ là một cuộc bầu chọn về khả năng và sự thông minh và cứng rắn, bởi vì nếu không thì đất nước chúng ta sẽ không còn nữa. Không còn nữa.”

Trong cuộc tranh luận mới đây của đảng Cộng Hòa ở Las Vegas, đối thủ Jeb Bush mô tả ông Trump là “ứng viên hỗn loạn” và nêu nghi vấn liệu ông Trump có sẵn sàng để lãnh đạo hay không. Ông Bush nói vào lúc ông Trump bĩu môi giễu cợt trong một phản ứng được quay trên màn hình kép của đài CNN.

Nhiều chuyên gia nghĩ rằng trọng điểm đặt vào vấn đề an ninh sẽ giúp những ứng viên bảo thủ như ông Bush. Chuyên gia phân tích độc lập Stuart Rothenberg nói: “Những người được coi như người lớn, trưởng thành, chín chắn, có kinh nghiệm và sẵn sàng cho việc này.” Nhưng sự thực đã không như vậy. Ông nói tiếp, “Cho đến giờ này, những dấu hiệu ban đầu là nó đã giúp cho ứng viên lớn lối, ồn ào nhất, và đó là ông Donald Trump.”

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang South Carolina có lẽ là ứng viên hàng đầu về an ninh quốc gia trong số các ứng viên của đảng Cộng Hòa. Ông Graham đã tách riêng mình ra qua việc loan báo rằng nếu đắc cử, ông sẽ gửi hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ trở lại Iraq và Syria để chiến đấu với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Nhưng ông Graham đã kết thúc cuộc vận động tranh cử tuần này, vì không thể nào vượt lên trên được mức ủng hộ khoảng 1 phần trăm trong các cuộc thăm dò.

Ông Bernie Sanders, trái, nghe bà Hillary Clinton nói trong một cuộc tranh luận bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Saint Anselm College Manchester, New Hampshire, ngày 19/12/2015.
Ông Bernie Sanders, trái, nghe bà Hillary Clinton nói trong một cuộc tranh luận bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại Saint Anselm College Manchester, New Hampshire, ngày 19/12/2015.

Bà Clinton cũng hưởng lợi

Sự chú ý mời đổ dồn vào vấn đề an ninh dường như cũng có lợi cho người dẫn đầu các ứng viên phía đảng Dân chủ. Bà Hillary Clinton đã bỏ xa thêm đối thủ Bernie Sanders. Ông đã thu hút được sự ủng hộ của các đảng viên Dân chủ cấp tiến vì cuộc tranh đấu có liên quan đến tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Nhưng các con số thăm dò của ông đã sụt mạnh trong mấy tuần qua vào lúc các cử tri Dân chủ chú ý đến các vụ tấn công khủng bố và tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia.

Bà Clinton muốn tăng cường chiến dịch quân sự chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo bằng cách củng cố chiến dịch không khích và thành lập một liên minh quốc tế để đối đầu với các phần tử thánh chiến ngay trên thực địa.

Nhưng dường như bà Clinton cũng hướng tới cuộc vận động tổng tuyển cử bằng cách tấn công một số ứng viên của đảng Cộng hòa về vấn đề an ninh quốc gia, kể cả ông Cruz là người cam kết sẽ rải thảm bom ở Trung Đông để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Trong một bài phát biểu mới đây về an ninh quốc gia ở Minneapolis, bà Clinton nói, “Hứa rải thảm bom cho đến khi sa mạc tỏa sáng không làm cho quý vị nghe như có vẻ mạnh hơn. Nó làm cho quý vị nghe như không hiểu gì cả.”

Binh sĩ Iraq rèn luyện cùng các thành viên của đội chiến đấu quân đội Mỹ tại Trại Taji, Iraq.
Binh sĩ Iraq rèn luyện cùng các thành viên của đội chiến đấu quân đội Mỹ tại Trại Taji, Iraq.

Ông Sanders cảnh báo về vai trò của Hoa Kỳ

Trong cuộc tranh luận mới đây của đảng Dân chủ ở New Hampshire, ông Bernie Sanders thừa nhận mối đe dọa do Nhà nước Hồi giáo đề ra, nhưng cảnh báo chớ nên lập lại những lỗi lầm cũ. Trong phần tranh luận bên lề ngày càng nhiều về việc liệu Hoa Kỳ có nên buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải rời chức hay không, ông Sanders nói, “Hoa Kỳ phải lãnh đạo, nhưng Hoa Kỳ không phải là cảnh sát quốc tế, và Hoa Kỳ không được can dự vào cuộc chiến kéo dài ở Trung Đông.”

Tập trung vào vấn đề khủng bố và an ninh ắt sẽ có lợi cho bà Clinton trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Nhưng chuyên gia phân tích John Fortier của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ở Washington cho rằng trọng điểm giống như tia laser của các ứng cử viên Cộng hòa nhắm vào điều họ coi là những thất bại về chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama có thể là một gánh nặng trong cuộc tổng tuyển cử.

Ông Fortier nói, “Các con số thăm dò ý kiến đối với Tổng thống đã thực sự đi xuống về chính sách đối ngoại. Ông bị coi như là yếu hơn, nhất là về vấn đề khủng bố nhưng nói chung là về chính sách đối ngoại. Sự kiện này chưa gây tổn hại cho các con số toàn diện của ông, nhưng có lợi thế phần nào cho đảng Cộng hòa.”

Ông Obama đã để ý đến sự công kích của đảng Cộng hòa và đã tìm cách trấn an cử tri rằng chính quyền của ông vẫn cam kết chống lại ISIL, một từ ông dùng để mô tả nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuần trước, nhân chuyến thăm Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia ở bang Virginia ngay bên ngoài thủ đô Washington, ông Obama nói, “Chúng ta đang đánh vào ISIL mạnh hơn bao giờ hết ở Syria và Iraq. Chúng ta đang tiễu trừ các thủ lãnh của họ và các đối tác của chúng ta đang chiến đấu để đẩy lui ISIL, và ISIL đang mất dần lãnh thổ.

Điều rõ ràng qua mấy tuần lễ mới đây là các biến cố trên thế giới có thể có một tác động to lớn đến phương hướng của cuộc chạy đua vào chức tổng thống của Hoa Kỳ, và thêm một mức độ khác về tính cách không lường trước được đối với những gì đã trở thành một chu kỳ vận động bất ngờ nhất.

VOA Express

XS
SM
MD
LG