Đường dẫn truy cập

Những kẻ tuyển quân cho Nhà nước Hồi giáo hoạt động mạnh ở Trung Á


Nhà nước Hồi giáo đã tuyển hàng trăm người từ Tajikistan và Kyrgyzstan và hơn 1.000 người từ Kazakhstan
Nhà nước Hồi giáo đã tuyển hàng trăm người từ Tajikistan và Kyrgyzstan và hơn 1.000 người từ Kazakhstan

Trung Á đã trở thành khu vực cung cấp nhiều chiến binh nước ngoài cho các nhóm hiếu chiến hoạt động ở Trung Đông, nhất là nhóm Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này đang ra sức chiêu dụ những thanh niên ở những nước có chính phủ độc tài và triển vọng kinh tế u ám. Thông tín viên đài VOA Zlatica Hoke tường thuật.

Liên Hiệp Quốc ước tính Nhà nước Hồi giáo và các nhóm liên hệ có hơn 25.000 chiến binh nước ngoài đến từ hơn 100 nước khác nhau. Theo các số liệu của Trung tâm chống khủng bố ở Mỹ, Nhà nước Hồi giáo đã tuyển hàng trăm người từ Tajikistan và Kyrgyzstan và hơn 1.000 người từ Kazakhstan.

Dân biểu Christ Smith cho biết như sau trong cuộc điều trần mới đây tại Hạ viện Mỹ.

"Tuần vừa rồi chúng tôi biết được người đứng đầu chương trình chống khủng bố của Tajikistan, một người được chính phủ Mỹ huấn luyện chu đáo, đã từ bỏ chức vụ để gia nhập Nhà nước Hồi giáo."

Các chuyên gia cho biết một số những thách thức mà các chính phủ ở Trung Á phải đối mặt là tự họ chuốc lấy, như tham nhũng tràn lan, vi phạm nhân quyền và không tôn trọng thể chế pháp trị. Nạn thất nghiệp và triển vọng kinh tế u ám làm gia tăng sự bất mãn của dân chúng. Và các nhóm cực đoan đã lợi dụng những yếu tố đó để chiêu dụ những người trẻ tuổi gia nhập hàng ngũ của họ.

Hoa Kỳ đang làm việc với các chính phủ trong vùng này để ngăn chận sự phát tán những thông điệp khủng bố và dòng chảy của chiến binh vượt biên.

Ông Daneil Rosenblum, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Trung Á, phát biểu như sau.

"Tuy không có những số liệu thống kê đáng tin cậy, nhưng những cuộc nghiên cứu cho thấy đại đa số các chiến binh người Trung Á ở Iraq và Syria đã được tuyển mộ trong lúc họ ở nước ngoài, hầu hết là ở Nga, nơi có hàng triệu công nhân di trú đến từ Trung Á."

Các chuyên gia nói rằng không có giải pháp đơn giản cho vấn đề này, nhưng một nỗ lực then chốt về lâu dài phải bao gồm việc cải thiện triển vọng kinh tế ngõ hầu những người trẻ tuổi có thể làm việc ở trong nước của mình, là nơi mà sự cực đoan hoá có phần chắc là ít hơn so với các cộng đồng di dân.

Ông Frank Cilluffo, một chuyên gia về an ninh quốc gia của Đại học George Washington, cho biết Hoa Kỳ có thể giúp đỡ trong nỗ lực đó nhưng giải pháp thật sự vẫn nằm trong tay chính quyền địa phương.

"Họ là những người ở gần nhất với nơi hành động. Họ là những người hiểu biết các cộng đồng của mình và họ là những người chịu trách nhiệm tối hậu đối với việc dò xét, ngăn chận, và ứng phó với các tình huống."

Các chuyên gia nói rằng các chính phủ ở Trung Á và những nơi khác cũng phải cải thiện nhân quyền và ngăn chận sự đối xử tệ với những khối dân thiểu số.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG