Mùa hè năm 2016, cả thế giới đón nhận một trò chơi mang tính lịch sử mang tên Pokémon Go. Pokémon là một trò chơi điện tử đã được biết đến từ lâu và gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ với hình ảnh con thú cưng điển hình Pikachu. Pokémon Go cho phép người chơi tải ứng dụng qua điện thoại thông minh và bắt thú ngay trước mặt mình khiến trò chơi trở nên thực hơn và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Vì Pokémon Go đến Việt Nam khá trễ so với một số nước khác trên thế giới, trò chơi này ngay lập tức được chào đón nồng nhiệt trong sự háo hức của các bạn trẻ. Tuy nhiên, khi Pokémon Go đến Việt Nam chưa lâu, có một sự việc dở khóc dở cười đã xảy ra, đó là bản đồ trực tuyến Google Map đã bị người chơi tự động chỉnh sửa, di dời địa điểm… để tiện lợi hơn trong việc săn, bắt thú Pokémon cùng các món đồ ảo khác.
Hành vi này được chia sẻ trong cộng đồng người chơi Pokémon một cách nhanh chóng và rộng rãi, không kiểm soát được. Theo thống kê của nhóm Google Map Maker Vietnam, trung bình cứ 10 giây nhóm nhận được thông báo thay đổi địa điểm trên bản đồ. Có những khu vực từ thành phố Hồ Chí Minh được đưa ra Bắc và ngược lại, khiến nhóm tạo dựng gặp rất nhiều khó khăn. Có lẽ khi cho ra trò chơi này, mặc dù nhà sản xuất Niantic đã rất cẩn thận khi đưa ra vô số các cảnh báo như không bắt thú khi đang lái xe hoặc phải để ý, quan sát khi đang qua đường… nhưng họ vẫn không thể tưởng tượng được có một cộng đồng dám dịch chuyển cả bản đồ. Cũng chính vì hành động này không ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người chơi - Google Map được cho là tài sản chung - cho nên cứ mạnh ai người ấy chuyển.
Những chia sẻ mang tính lợi ích cá nhân thường nhận được rất nhiều sự chú ý và thích thú. Tôi còn nhớ cách đây không lâu có một thông tin gây tranh cãi về một hành khách Việt mang đồ xách tay quá cân và bị giữ lại ngay tại cửa lên máy bay do nhân viên kiểm tra đột xuất. Anh nhân viên bị lên án nặng nề bởi quá cứng nhắc khi không bỏ qua cho lỗi nhỏ này, hơn nữa còn bắt hành khách nộp phạt không biên lai hoặc để lại sân bay số hàng hóa thừa cân. “Lỗi nhỏ” như vậy thường được khách hàng Việt vận dụng triệt để trên mọi chuyến bay bởi thông thường, hành lý xách tay không được kiểm tra gắt gao như các kiện đồ ký gửi.
Tìm hiểu trên mạng với cụm từ “hành lý xách tay quá cân” là cả ngàn đường link hướng dẫn các mẹo để mang được hành lý cá nhân quá cân lên máy bay với lượng cân thừa lên tới 4kg hoặc 5kg. Không chỉ vậy, những mẹo để lách luật hay tận dụng đồ miễn phí, đồ dùng chùa cũng luôn được chia sẻ và áp dụng triệt để. Trên một chuyến bay, tôi ngồi cạnh một cô bé lần đầu đi du lịch nước ngoài. Cùng là người Việt nên chúng tôi nói chuyện khá thoải mái. Trong suốt cả chuyến bay dài, cô bé liên tục xin tiếp viên thuốc giảm đau dù tôi thấy cô khá tỉnh táo và khỏe mạnh. Khi được hỏi, cô đưa cho tôi xem một bức hình trên máy tính bảng một bài báo của một diễn đàn khá nổi tiếng tại Việt Nam với tựa đề: “Những thứ miễn phí trên máy bay, nhiều người không biết nên bị thiệt thòi.” Trong đó liệt kê ra một số sản phẩm như các loại thuốc và dụng cụ y tế, đồ uống có cồn như bia, rượu vang, đồ dùng cá nhân trong phòng vệ sinh, chăn, gối… Vì những món đồ đó được cung cấp miễn phí, việc hành khách được sử dụng và mang về làm của riêng.
Sau vô số lời than phiền về những ông to bà lớn ăn mòn của công của đất nước trong gần nửa thế kỷ, rất nhiều người đang mong chờ một sự đổi thay của Việt Nam từ thế hệ trẻ tuổi. Nhưng lớp trẻ Việt phải chăng vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng được cho không, dùng không những “của chùa”, “của chung” dù đất nước đã bước qua thời bao cấp từ lâu. Xưa kia ông bà có câu “Cha chung không ai khóc,” ý muốn nói đến thái độ vô trách nhiệm đối với việc chung. Cho đến nay, chúng ta vẫn cứ dùng câu tục ngữ ấy như một lối sống văn hóa lâu đời chẳng thể thay đổi, như một câu chép miệng để phủi tay cho qua sự đổ vỡ, xuống cấp của các công trình, tài sản công, để biện minh cho những hành động vô tâm của bản thân mình. Đừng nói những hành động nhỏ như trên không để lại hậu quả to lớn. Nếu cả máy bay có hàng trăm hành khách ai cũng cố mang những kiện hành lý quá cân, thì chuyến bay đó sẽ không thể đảm bảo an toàn. Những hành động như vứt rác xuống đường sá, cống rãnh hàng ngày sẽ gây tắc đường thoát nước, cùng với hệ thống đường sá xập xệ khiến mùa mưa lụt lội nặng nề gây nên biết bao tai nạn, nguy hiểm chết người… Những lợi ích chung, bởi chẳng thể nhìn thấy ngay trước mắt, dường như ngày càng trở nên vô nghĩa trước sự ích kỷ, thờ ơ của mỗi người.
* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.