Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt nhắm vào Nga về việc nước này chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine vào tháng 3 và hỗ trợ phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
Ông Anders Aslund, một chuyên gia về Nga ở Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết vòng trừng phạt đầu tiên nhắm mục tiêu vào những người và những doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào việc sáp nhập Crimea, hoặc thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Và kể từ tháng 7, các biện pháp trừng phạt đã mở rộng ra toàn bộ một số lĩnh vực của nền kinh tế Nga, đặc biệt là tài chính, công nghệ cao, năng lượng và quốc phòng," ông Aslund nói.
Trừng phạt có hiệu quả?
Nhiều chuyên gia, trong đó có ông Matthew Rojansky thuộc Trung tâm Wilson ở Washington, giờ đang thắc mắc liệu những biện trừng phạt đó có hiệu quả hay không.
"Tùy thuộc vào việc bạn hiểu như thế nào về mục đích của những biện pháp trừng phạt. Cách hiểu của tôi là trừng phạt chủ yếu nhằm mục đích thay đổi hành vi, để răn đe hành vi xấu. Và theo cách hiểu này có lẽ là không, có lẽ những biện pháp đó đã không hữu hiệu," ông Rojansky nói.
Ông Aslund đồng ý, nói rằng thông thường, những biện pháp trừng phạt có hiệu quả kinh tế nhưng không nhất thiết đạt được hiệu quả chính trị mong muốn.
Ông cho biết nền kinh tế Nga có phần chắc sẽ trì trệ trong năm nay và có thể sẽ dần dần suy giảm trong những năm tiếp theo.
Kinh tế Nga trì trệ
"Vấn đề lớn của Nga, điểm yếu lớn của Nga là họ có khoản nợ nước ngoài 730 tỉ USD. Đó là con số rất lớn - khoảng 40 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội hiện nay," ông Aslund nói. "Và họ cần tái cấp vốn một khoản 160 tỉ USD một năm. Số tiền này không có sẵn ngay bây giờ."
Những vấn đề khác mà nền kinh tế Nga phải đối mặt bao gồm giá dầu sụt giảm 20 phần trăm trong trong vài tháng qua. Dầu chiếm 50 phần trăm khối lượng xuất khẩu của Nga.
Và trị giá đồng tiền của Nga - đồng ruble - đã giảm 20 phần trăm kể từ đầu năm nay.
Ông Stephen Jones, chuyên gia về Nga tại Đại học Mount Holyoke, cho biết những khó khăn về kinh tế của Nga không nhất thiết là do các biện pháp trừng phạt của quốc tế gây ra.
"Những vấn đề kinh tế của Nga là do các vấn đề khác về mặt cấu trúc mà kinh tế Nga đã phải đối mặt trong nhiều năm qua, đặc biệt là sự lệ thuộc của Nga vào giá dầu cao, mà giờ không còn quá cao nữa, tình trạng tham nhũng và thiếu vắng bất kỳ chiến lược kinh tế nào mà người ta có thể thấy ở Nga sẽ giúp hiện đại hóa nền kinh tế. Nếu Nga không giải quyết những vấn đề đó, những biện pháp trừng phạt cũng chẳng thực sự quan trọng," ông Jones nói.
Moscow trả đũa phương Tây
Trong một nỗ lực nhằm trả đũa những biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moscow đã áp đặt những hạn chế của riêng mình, chẳng hạn như cấm nhập khẩu cá, thịt, trái cây, các sản phẩm sữa và rau quả từ các nước chế tài Nga.
Ông Anders Aslund nói cấm nhập khẩu thực phẩm là Moscow về cơ bản đang tự trừng phạt mình.
"Nếu cho phép ít thực phẩm nhập khẩu hơn như Nga làm hiện nay thì có rất nhiều cái hại: có rất nhiều hoạt động chợ đen mà giờ chủ yếu đi qua Belarus. Có tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp thực phẩm nhiều nơi khác nhau của đất nước, giá cả cao hơn mà chất lượng kém hơn. Điện Kremlin đang thực sự gây tổn hại cho người dân Nga," ông Aslund nói.
Nhiều chuyên gia phân tích rằng những biện pháp trừng phạt gây tổn hại không chỉ đối với nước bị nhắm làm mục tiêu mà còn đối với những nước áp đặt các biện pháp trừng phạt.