Một nhóm phụ nữ gốc Việt ở bang Washington có sáng kiến may khẩu trang và gửi tặng cho nhân viên y tế ở các bệnh viện trước trình trạng khẩu trang khan hiếm giữa đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội.
Chỉ trong vòng 3 tuần, nhóm với hơn mười phụ nữ Việt Nam đang sinh sống ở các thành phố Tocoma, Spanaway, Seattle, Bellevue, Federal Way, Renton … đã may hơn 10.000 chiếc khẩu trang để hỗ trợ cho các y bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Bà Ngô Thị Thanh Loan ngụ ở thành phố Seattle chia sẻ trăn trở của bà khi đại dịch xảy ra trong khi ngành y tế Hoa Kỳ lại thiếu khẩu trang. Bà nói: “Mình phải làm cái gì đó để chia sẻ nỗi đau này của nhân loại, bất kể màu da hay sắc tộc.” Bà nói thêm với VOA:
Mình còn khỏe mạnh thì mình cứ giúp.Bà Ngô Thị Thanh Loan
“Cơn dịch này bùng phát cả thế giới, bản thân tôi còn khỏe mạnh thì tôi nghĩ tôi nên giúp cho các bệnh nhân, nhất là các y bác sĩ. Tôi thấy họ làm việc trong điều kiện như thế thì hết sức thương tâm, thấy mà muốn khóc. Mình còn khỏe mạnh thì mình cứ giúp. Nhìn thấy vậy làm sao mà bỏ qua được!”
Bà Loan kể rằng khi trên đường giao khẩu trang cho bệnh viện, bà chứng kiến cảnh hàng chục xe cứu thương lần lượt ra vào vào bệnh Valley Medical Center ở thành phố Renton, bà không an lòng. Bà kể: “Đau lòng quá, ngồi trong xe mà khóc thôi….Chưa bao giờ thấy một bệnh viện mà xe cứu thương chở bệnh nhân đi hàng loạt như vậy. Ôm xấp khẩu trang trong tay mà khóc.”
Trước đó, bà Loan chia sẻ rằng bà đã giao hàng trăm chiếc khẩu trang cho bệnh viện Evergreen Heath Center ở thành phố Kirkland, và được các nhân viên y tế trân trọng đón nhận.
Cũng từ Seattle, chị Mỹ An Lâm, đã cùng người hàng xóm của mình, may hàng trăm chiếc khẩu trang tặng cho bệnh viện Highline Medical Center.
“Tôi thấy một nhóm các chị trên Facebook ở nhà may khẩu trang. Tôi nghĩ mình giúp được gì thì giúp họ thôi. Tôi liên lạc với chị trưởng nhóm để lãnh vải về may. Khi họ xài những chiếc khẩu trang do mình làm ra, tôi cảm thấy rất vui.”
“Tôi bắt đầu may từ hôm thứ Bảy (28/3). Tôi và người hàng xóm may được hơn hai trăm chiếc. Chúng tôi sẽ gửi cho bệnh viện Highline Medical Center ở phía nam Seattle. Giặt và ủi xong thì ngày mai tôi sẽ giao cho họ.”
Tinh thần tương thân tương ái và sức mạnh của đôi bàn tay nhỏ bé của các phụ nữ gốc Việt ở bang Washington tiếp tục lan tỏa, nhân rộng. Các chị cho biết ý tưởng này do bà Kati Nguyễn, một thợ may ở thành phố Spanaway, khởi xướng và vận động.
Bà Kati Nguyễn nói với VOA:
“Trước đây mọi người đến đây để may, cũng có người đến nhận vải về, có người đến đây học may rồi tự đi mua vải, có người may xong thì đến đây giao, có người may xong thì trực tiếp đang đến bệnh viện.”
Hàng ngày bà Thanh Loan không ngại lái xe đi một quảng đường xa từ Seattle xuống nhà bà Kati ở Spanaway để may khẩu trang. Bà Loan nói:
“Mấy chị em (khi bang Washington chưa có ban hành lệnh ở nhà) tập trung ở nhà chị Kati, người thì cắt vải, người cắt dây thun, người thì may, người thì ủi, người cho vào bao. Sau đó chúng tôi nhận về nhà làm.”
Bà Kati chia sẻ:
“Chúng tôi chỉ tặng cho các bệnh viện, phòng khám, viện dưỡng lão … là những nơi rất cần. Họ nhắn tin nói là họ thiếu trầm trọng, có người khóc luôn.
“Các bệnh viện nói họ rất mừng khi được tặng khẩu trang. Họ nói cứ cho bao nhiêu thì cho…500, 800, 1.000… chiếc đều nhận cả.
“Khẩu trang vải có lợi cho hoàn cảnh hiện nay vì mình có thể giặt được, chứ còn khẩu trang giấy thì chỉ sử dụng một lần.
“Họ kể rằng một chiếc khẩu trang giấy mà họ xài đi xài lại 3 ngày. Thấy vậy tội lắm!”
Từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhóm đã không còn tập trung tại một nơi nữa vì thực hiện lệnh tránh lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, các thành viên vẫn tiếp tục tự may khẩu trang tại nơi ở của mình và đích thân mang đến giao cho bệnh viện.
Bà Kati nói:
“Nhóm của chúng tôi sẽ duy trì may cho đến khi nào bệnh viện nhận được nguồn khẩu trang do chính phủ nhập về. Hiện bây giờ nếu còn nguồn vải, còn nguồn tài trợ vải thì chúng tôi vẫn còn may.”
Nếu còn nguồn vải, còn nguồn tài trợ vải thì chúng tôi vẫn còn may.Bà Kati Nguyễn
Vừa trả lời phỏng vấn của VOA qua điện thoại, chị Mỹ An Lâm vừa điều khiển chiếc máy may chạy liên tục mong cho kịp đợt giao khẩu trang ngày mai, còn bà Thanh Loan thì nhắn tin cho hay “lại có thêm nhiều xe cứu thương phía bên trong bệnh viện” và “không rõ người nằm bên trong còn hay mất!”