Giống như mọi người, người nghệ sĩ, dù tài hoa đến mấy, một lúc nào đó cũng sẽ chết. Có khi hắn còn chết sớm hơn vô số người bình thường khác. Tuy nhiên, với những nghệ sĩ có tài năng lớn, chúng ta hay dùng chữ “bất tử”. Là sống mãi. Vậy, sự sống của hắn nằm ở đâu? Câu trả lời đơn giản: ở tác phẩm. Chỉ ở tác phẩm.
Tác phẩm chứ không phải là tiếng tăm. Ở không hiếm người, tiếng tăm lớn hơn tài năng thực sự của họ. Nhưng tiếng tăm, không gắn liền với độ bền vững của tác phẩm, chỉ là những giai thoại phù du. Một lúc nào đó, chúng sẽ biến mất. Như bọt. Tiếng tăm không cứu được tác giả; và tác giả không cứu được tác phẩm. Ngược lại: chỉ có tác phẩm mới cứu được tác giả và tác giả mới cứu được tiếng tăm. Đó là một con đường ngược chiều với những cách hiểu thường tình.
Nghệ sĩ có thể biết mình nổi tiếng hay không và nếu nổi tiếng, nổi tiếng đến độ nào. Nhưng không ai dám chắc về độ lớn của tác phẩm của mình. Một số người có thể tự tin và tự hào. Nhưng chỉ cần tỉnh trí một chút, mọi niềm tự tin và tự hào ấy đều gắn liền với nỗi bất an.
Ví dụ cho những nỗi bất an ấy nhiều vô cùng. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng ở thời điểm này, tôi đang nhớ đến bạn tôi, tôi xin lấy bạn tôi làm ví dụ: Lê Thành Nhơn (1940-2002).
Lúc còn trẻ và khỏe, nhất là những lúc uống rượu ngà ngà, Lê Thành Nhơn thường say sưa nói về tác phẩm của mình; một số tác phẩm mà anh tin là sẽ còn lại mãi. Như bức tượng Phật được lưu giữ trong Viện bảo tàng Quốc gia Úc ở thủ đô Canberra. Hay bức tượng Phan Bội Châu ở Huế. Nhìn về tương lai, Lê Thành Nhơn cũng ăm ắp những ước mơ như thế: anh mơ trang trí một ngôi chùa nào đó với phù điêu và những cái trụ thật cao và thật lớn, đầy những hình ảnh đẹp để có thể cạnh tranh với thế giới. Anh mơ dựng một bức tượng Phật uy nghi cao cả hàng chục thước trên những đỉnh núi sừng sững để, đứng cách mấy cây số, người ta cũng có thể nhìn thấy và ngưỡng mộ. Anh mơ vẽ những bức tranh sơn dầu dài cả chục thước để có thể phủ kín nguyên một bức tường trong viện bảo tàng…
Sau, lớn tuổi, nhất là lúc bị bệnh hiểm nghèo, giọng nói của anh về tác phẩm của chính mình cũng như về những mơ ước của mình bớt sôi nổi dần. Lúc anh phát hiện mình bị ung thư cũng là lúc anh phải dời nhà. Các con của anh muốn đập căn nhà cũ để dựng lên một ngôi nhà mới hai tầng. Công việc xây cất kéo dài gần cả năm. Trong thời gian ấy, gia đình anh phải thuê một chỗ ở khác. Dời chuyển đồ đạc từ nhà cũ đến chỗ ở mới là một gánh nặng. Nhưng khó xử nhất là, trong vườn cũng như trong nhà chứa xe của anh lại đầy những tác phẩm dở dang, bao gồm nhiều bức tượng, phù điêu và trụ cột bằng thạch cao. Trước, anh cứ để ngổn ngang, với hy vọng một lúc nào đó sẽ có cơ hội đúc đồng và xây xi măng để bày hoặc dựng đâu đó. Những tác phẩm ấy quá lớn và quá nặng để có thể chuyển đến căn nhà mới thuê. Anh bảo tôi muốn lấy gì thì lấy. Tôi không nhận. Chỉ đề nghị anh tặng bức tượng Phật cao gần hai thước trong nhà chứa xe cho một người bạn chung của chúng tôi: Võ Quốc Linh. Linh là một Phật tử thuần thành, rất thương Lê Thành Nhơn, lại có một ngôi nhà rộng, trên ngọn đồi cao nhìn xuống một dòng sông ở Sydney. Tôi nghĩ đó là nơi thích hợp nhất để bày bức tượng Phật ấy. Nghe tôi nói, Nhơn đồng ý ngay. Tôi liên lạc với Võ Quốc Linh để chuyển bức tượng ấy từ Melbourne đến Sydney. Mấy ngày sau, khi đến thăm anh lại, tôi thấy khu vườn của anh đã quang đãng hẳn. Tôi hỏi Nhơn về các tác phẩm còn lại. Anh cho biết công ty xây cất đã dọn dẹp xong hết. Rồi tiếp: “Tro bụi lại về tro bụi!”
Dạo ấy, cứ vài ba ngày tôi lại đến chở Lê Thành Nhơn ra ngoài ăn uống cho đỡ buồn. Nhiều lần chạy ngang qua căn nhà cũ đã bị san bằng của anh, cả anh lẫn tôi đều thấy chạnh lòng. Một lần, Lê Thành Nhơn nói: “Tôi ở đó bao nhiêu năm, chưa bao giờ thấy khu vườn nhà mình rộng đến vậy.” Rồi gật gù, nói tiếp, giọng như đang triết lý: “Rộng nhờ không còn gì cả.”
Những tháng cuối đời của Lê Thành Nhơn, không phải anh, mà chính tôi, mới là người hay nói về sự trường tồn của các tác phẩm của anh. Tôi nói vì muốn an ủi bạn. Tôi biết là Lê Thành Nhơn biết rõ anh đang đối diện với cái chết. Tôi không muốn anh nghĩ chết là mất tất cả. Nhưng Lê Thành Nhơn không mặn mà với những viễn tượng đẹp đẽ ấy. Ngay cả những lúc không mệt mỏi lắm, anh cũng khá hờ hững. Dường như anh thấy những chuyện ấy đều vô nghĩa. Hoặc anh đã mất một phần niềm tự tin về tác phẩm của chính mình.
Rồi Lê Thành Nhơn qua đời.
Sự ra đi của người nghệ sĩ nào cũng buồn. Sự ra đi của một nghệ sĩ lưu vong lại càng buồn. Có cái gì thật dửng dưng và cũng thật hiu hắt. Nước mắt và nỗi xúc động chỉ chảy ra từ một số, thật ít ỏi, những người trong gia đình và bạn bè thân thiết. Xã hội chung quanh, vốn xa lạ, vẫn tiếp tục xa lạ. Mấy năm sau, khi tôi và một số bạn bè liên lạc đây đó để tổ chức một cuộc triển lãm nhằm trưng bày các tác phẩm còn lại của Lê Thành Nhơn, chúng tôi đều gặp phải một sự lạnh lùng đến kinh người. Nỗ lực ấy, cuối cùng, thất bại. Không đến đâu cả.
May, tác phẩm của Lê Thành Nhơn vẫn còn. Mỗi lần có dịp đến trường Đại học Monash ở Melbourne, tôi cũng đều thấy bức tượng “Joy” của anh trước sân trường. Bức tượng Phật cao gần hai thước tặng cho Võ Quốc Linh được Linh đặt một cách trang trọng giữa nhà. Để có một vị trí như vậy, Linh phải sửa nhà, yêu cầu kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế một căn phòng riêng, trên lầu, để đặt bức tượng nặng gần cả tấn ấy. Bức tượng uy nghiêm nhìn xuống dòng sông, nơi Lê Thành Nhơn, lúc còn sống, khi ghé thăm, thường ngắm với sự thích thú đặc biệt của một người nghệ sĩ say mê thiên nhiên và cảnh đẹp.
Các tác phẩm khác của Lê Thành Nhơn ở Việt Nam trước 1975, trừ những gì đã bị phá hủy, đang dần đần được sưu tập lại. Bức tượng Phan Bội Châu cao 4,5 thước và nặng cả 7 tấn, suốt cả mấy chục năm, gần như bị quên lãng trong một góc vườn ở Huế, bây giờ đã được dựng trên bờ sông Hương cho mọi người chiêm ngưỡng. Bức tượng Thiếu nữ Việt Nam bằng xi măng trắng, suốt cả mấy chục năm trời, nằm quạnh quẽ trong vườn nhà một người thân ở Sài Gòn, cuối cùng, cũng được chở ra dựng ven sông Hương. Bây giờ, thăm Huế, đi dọc theo sông Hương, mọi người đều có thể nhìn thấy hai tác phẩm ấy của Nhơn. Và thêm một tác phẩm thứ ba nữa: tượng Phật Quan Thế Âm ở Trung tâm Liễu Quán, gần đường Lê Lợi. Và cũng gần cả bờ sông.
Cái dòng sông ấy, thời trẻ, trong vài năm ngắn ngủi sống và làm việc ở Huế, Nhơn yêu vô cùng. Bây giờ, nó trở thành một trong những không gian anh sống.
Vĩnh viễn.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Tác phẩm chứ không phải là tiếng tăm. Ở không hiếm người, tiếng tăm lớn hơn tài năng thực sự của họ. Nhưng tiếng tăm, không gắn liền với độ bền vững của tác phẩm, chỉ là những giai thoại phù du. Một lúc nào đó, chúng sẽ biến mất. Như bọt. Tiếng tăm không cứu được tác giả; và tác giả không cứu được tác phẩm. Ngược lại: chỉ có tác phẩm mới cứu được tác giả và tác giả mới cứu được tiếng tăm. Đó là một con đường ngược chiều với những cách hiểu thường tình.
Nghệ sĩ có thể biết mình nổi tiếng hay không và nếu nổi tiếng, nổi tiếng đến độ nào. Nhưng không ai dám chắc về độ lớn của tác phẩm của mình. Một số người có thể tự tin và tự hào. Nhưng chỉ cần tỉnh trí một chút, mọi niềm tự tin và tự hào ấy đều gắn liền với nỗi bất an.
Ví dụ cho những nỗi bất an ấy nhiều vô cùng. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng ở thời điểm này, tôi đang nhớ đến bạn tôi, tôi xin lấy bạn tôi làm ví dụ: Lê Thành Nhơn (1940-2002).
Lúc còn trẻ và khỏe, nhất là những lúc uống rượu ngà ngà, Lê Thành Nhơn thường say sưa nói về tác phẩm của mình; một số tác phẩm mà anh tin là sẽ còn lại mãi. Như bức tượng Phật được lưu giữ trong Viện bảo tàng Quốc gia Úc ở thủ đô Canberra. Hay bức tượng Phan Bội Châu ở Huế. Nhìn về tương lai, Lê Thành Nhơn cũng ăm ắp những ước mơ như thế: anh mơ trang trí một ngôi chùa nào đó với phù điêu và những cái trụ thật cao và thật lớn, đầy những hình ảnh đẹp để có thể cạnh tranh với thế giới. Anh mơ dựng một bức tượng Phật uy nghi cao cả hàng chục thước trên những đỉnh núi sừng sững để, đứng cách mấy cây số, người ta cũng có thể nhìn thấy và ngưỡng mộ. Anh mơ vẽ những bức tranh sơn dầu dài cả chục thước để có thể phủ kín nguyên một bức tường trong viện bảo tàng…
Sau, lớn tuổi, nhất là lúc bị bệnh hiểm nghèo, giọng nói của anh về tác phẩm của chính mình cũng như về những mơ ước của mình bớt sôi nổi dần. Lúc anh phát hiện mình bị ung thư cũng là lúc anh phải dời nhà. Các con của anh muốn đập căn nhà cũ để dựng lên một ngôi nhà mới hai tầng. Công việc xây cất kéo dài gần cả năm. Trong thời gian ấy, gia đình anh phải thuê một chỗ ở khác. Dời chuyển đồ đạc từ nhà cũ đến chỗ ở mới là một gánh nặng. Nhưng khó xử nhất là, trong vườn cũng như trong nhà chứa xe của anh lại đầy những tác phẩm dở dang, bao gồm nhiều bức tượng, phù điêu và trụ cột bằng thạch cao. Trước, anh cứ để ngổn ngang, với hy vọng một lúc nào đó sẽ có cơ hội đúc đồng và xây xi măng để bày hoặc dựng đâu đó. Những tác phẩm ấy quá lớn và quá nặng để có thể chuyển đến căn nhà mới thuê. Anh bảo tôi muốn lấy gì thì lấy. Tôi không nhận. Chỉ đề nghị anh tặng bức tượng Phật cao gần hai thước trong nhà chứa xe cho một người bạn chung của chúng tôi: Võ Quốc Linh. Linh là một Phật tử thuần thành, rất thương Lê Thành Nhơn, lại có một ngôi nhà rộng, trên ngọn đồi cao nhìn xuống một dòng sông ở Sydney. Tôi nghĩ đó là nơi thích hợp nhất để bày bức tượng Phật ấy. Nghe tôi nói, Nhơn đồng ý ngay. Tôi liên lạc với Võ Quốc Linh để chuyển bức tượng ấy từ Melbourne đến Sydney. Mấy ngày sau, khi đến thăm anh lại, tôi thấy khu vườn của anh đã quang đãng hẳn. Tôi hỏi Nhơn về các tác phẩm còn lại. Anh cho biết công ty xây cất đã dọn dẹp xong hết. Rồi tiếp: “Tro bụi lại về tro bụi!”
Dạo ấy, cứ vài ba ngày tôi lại đến chở Lê Thành Nhơn ra ngoài ăn uống cho đỡ buồn. Nhiều lần chạy ngang qua căn nhà cũ đã bị san bằng của anh, cả anh lẫn tôi đều thấy chạnh lòng. Một lần, Lê Thành Nhơn nói: “Tôi ở đó bao nhiêu năm, chưa bao giờ thấy khu vườn nhà mình rộng đến vậy.” Rồi gật gù, nói tiếp, giọng như đang triết lý: “Rộng nhờ không còn gì cả.”
Những tháng cuối đời của Lê Thành Nhơn, không phải anh, mà chính tôi, mới là người hay nói về sự trường tồn của các tác phẩm của anh. Tôi nói vì muốn an ủi bạn. Tôi biết là Lê Thành Nhơn biết rõ anh đang đối diện với cái chết. Tôi không muốn anh nghĩ chết là mất tất cả. Nhưng Lê Thành Nhơn không mặn mà với những viễn tượng đẹp đẽ ấy. Ngay cả những lúc không mệt mỏi lắm, anh cũng khá hờ hững. Dường như anh thấy những chuyện ấy đều vô nghĩa. Hoặc anh đã mất một phần niềm tự tin về tác phẩm của chính mình.
Rồi Lê Thành Nhơn qua đời.
Sự ra đi của người nghệ sĩ nào cũng buồn. Sự ra đi của một nghệ sĩ lưu vong lại càng buồn. Có cái gì thật dửng dưng và cũng thật hiu hắt. Nước mắt và nỗi xúc động chỉ chảy ra từ một số, thật ít ỏi, những người trong gia đình và bạn bè thân thiết. Xã hội chung quanh, vốn xa lạ, vẫn tiếp tục xa lạ. Mấy năm sau, khi tôi và một số bạn bè liên lạc đây đó để tổ chức một cuộc triển lãm nhằm trưng bày các tác phẩm còn lại của Lê Thành Nhơn, chúng tôi đều gặp phải một sự lạnh lùng đến kinh người. Nỗ lực ấy, cuối cùng, thất bại. Không đến đâu cả.
May, tác phẩm của Lê Thành Nhơn vẫn còn. Mỗi lần có dịp đến trường Đại học Monash ở Melbourne, tôi cũng đều thấy bức tượng “Joy” của anh trước sân trường. Bức tượng Phật cao gần hai thước tặng cho Võ Quốc Linh được Linh đặt một cách trang trọng giữa nhà. Để có một vị trí như vậy, Linh phải sửa nhà, yêu cầu kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế một căn phòng riêng, trên lầu, để đặt bức tượng nặng gần cả tấn ấy. Bức tượng uy nghiêm nhìn xuống dòng sông, nơi Lê Thành Nhơn, lúc còn sống, khi ghé thăm, thường ngắm với sự thích thú đặc biệt của một người nghệ sĩ say mê thiên nhiên và cảnh đẹp.
Các tác phẩm khác của Lê Thành Nhơn ở Việt Nam trước 1975, trừ những gì đã bị phá hủy, đang dần đần được sưu tập lại. Bức tượng Phan Bội Châu cao 4,5 thước và nặng cả 7 tấn, suốt cả mấy chục năm, gần như bị quên lãng trong một góc vườn ở Huế, bây giờ đã được dựng trên bờ sông Hương cho mọi người chiêm ngưỡng. Bức tượng Thiếu nữ Việt Nam bằng xi măng trắng, suốt cả mấy chục năm trời, nằm quạnh quẽ trong vườn nhà một người thân ở Sài Gòn, cuối cùng, cũng được chở ra dựng ven sông Hương. Bây giờ, thăm Huế, đi dọc theo sông Hương, mọi người đều có thể nhìn thấy hai tác phẩm ấy của Nhơn. Và thêm một tác phẩm thứ ba nữa: tượng Phật Quan Thế Âm ở Trung tâm Liễu Quán, gần đường Lê Lợi. Và cũng gần cả bờ sông.
Cái dòng sông ấy, thời trẻ, trong vài năm ngắn ngủi sống và làm việc ở Huế, Nhơn yêu vô cùng. Bây giờ, nó trở thành một trong những không gian anh sống.
Vĩnh viễn.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.