Nhiều ứng viên gốc Việt đắc cử trong cuộc đầu phiếu Hội Đồng Hành Chánh Địa Phương tại bang NSW Australia hồi cuối tuần.
Australia theo thể chế liên bang với sáu tiểu bang và hai lãnh thổ, ở mỗi nơi cử tri đều phải đi bầu ba cấp chính quyền: đó là bầu cử liên bang khoảng ba năm một lần, bầu cử tiểu bang khoảng 3-4 năm một lần và bầu cử hội đồng hành chánh địa phương bốn năm một lần. Tất cả các cuộc bầu cử đều có tính cách bắt buộc và cử tri bị phạt tiền nếu không đi bầu mà không có lý do chính đáng.
Vào ngày Thứ Bảy 8 tháng 9, một cuộc bầu cử hội đồng hành chánh địa phương đã được tổ chức trên khắp tiểu bang New South Wales (NSW). Thông thường công luận chính giới và công luận truyền thông toàn quốc ít chú ý đến các cuộc bầu cử hội đồng hành chánh địa phương.
Tuy nhiên, năm 2012 là một ngoại lệ, có thể trong bối cảnh Đảng Lao Động đã bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tiểu bang NSW hồi tháng 3 năm 2011, sau 15 năm cầm quyền, và Đảng Lao Động ở cấp liên bang sẽ phải đối diện với cử tri trên toàn quốc – kể cả tại NSW – trong vòng 12 tháng sắp tới.
Giới chuyên gia phân tích thời sự tìm kiếm những dấu hiệu để xem liệu Đảng Lao Động có cơ may phục hồi và liệu Liên Đảng Tự Do Quốc Gia đang cầm quyền tại NSW nhưng đang ở thế đối lập liên bang có tiếp tục thế thượng phong hiện nay hay chăng?
Trong cộng đồng người Úc gốc Việt, cuộc bầu cử Hội Đồng Thành Phố hồi cuối tuần tại Sydney cũng rất được chú ý, vì sự hiện diện tranh cử của nhiều ứng cử viên gốc Việt trong các liên danh chính đảng.
Đây là một chiều hướng khích lệ, cho thấy người Úc gốc Việt quan tâm nhiều đến tiến trình hội nhập chính trị, vì chính quyền địa phương là nơi đào luyện hữu hiệu cho chính trị gia tương lai ở cấp tiểu bang và liên bang.
Theo luật sư Lưu Tường Quang, một người quan sát sự hội nhập chính trị và sinh hoạt nghị trường nhiều năm nay tại Austrlaia, thì cộng đồng người Úc gốc Việt đã thành công rất sớm trong tiến trình hội nhập chính trị. Từ cuối thập niên 1980 – tức là chỉ trên 10 năm định cư – thành phố Fairfield tại NSW đã có phó Thị trưởng gốc Việt và hai thành phố North Richmond và Footscray tại tiểu bang Victoria, đã có Thị trưởng gốc Việt.
Vào giữa thập niên 1990, Thượng Viện Victoria tại Melbourne cũng đã có thành viên gốc Việt. Thế nhưng, bước vào đầu thế kỷ thứ 21, tiến trình hội nhập chính trị của người Việt bỗng nhiên sa sút.
Chẳng những người gốc Việt chưa bao giờ có mặt ở chính trường liên bang, vắng mặt trên chính trường tiểu bang, mà nhân số nghị viên gốc Việt cũng bị giảm hạ rõ rệt. Với một nhân số trên 250 ngàn người – và là cộng đồng sắc tộc lớn hàng thứ 6 trong xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu, đây không phải là một thành tích để hãnh diện, theo lời của ông Lưu Tường Quang.
Bởi vậy, cộng đồng người Việt đã rất quan tâm đến cuộc bầu cử hội đồng thành phố – đặc biệt là tại Thủ phủ Sydney hồi cuối tuần. Tại ba nơi có đông người Việt định cư – là thành phố Marrickville ở nội thành, thành phố Bankstown, và thành phố Fairfield thuộc vùng Tây Nam, nhiều ứng cử viên gốc Việt đã có mặt tranh cử. Cả ba hội đồng thành phố này đều nằm trong sự kiểm soát của Đảng Lao Động.
Vào ngày Thứ Hai 10 tháng 9, việc kiểm phiếu được tiếp tục, nhưng kết quả sơ khởi cho thấy có thể 4 ứng cử viên gốc Việt sẽ trở thành nghị viên – và đây là một gia tăng hơn gấp đôi so với cuộc bầu cử hồi năm 2008. Kết quả này còn tùy thuộc vào cuộc kiểm phiếu chung cuộc, được Ủy Hội Bầu Cử NSW chính thức loan báo, và không bị vô hiệu hóa bởi Tòa Án Tranh Tụng Bầu Cử.
Tại Marrickville, một người gốc Việt duy nhất đã tranh cử với tư cách độc lập và không tạo được ấn tượng gì.
Tại thành phố Bankstown, nhân số ứng cử viên gốc Việt đông đảo hơn trong liên danh Đảng Lao Động, liên danh Đảng Tự Do và liên danh độc lập. Ứng viên Toàn Nguyễn tức là luật sư Nguyễn Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW, nhận được nhiều sự chú ý, vì anh đã có thành tích phục vụ cộng đồng người Việt nói chung và là một huynh trưởng năng động của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Định cư tại Úc cùng với gia đình khi mới 10 tuổi, luật sư Nguyễn Quốc Toàn đã được chọn ở vị trí số 2 trong liên danh Đảng Lao Động và đã đắc cử vào Hội Đồng thành phố Bankstown. Nghị viên Toàn Nguyễn cho biết cảm tưởng là anh cảm thấy ‘nhẹ người’ sau mấy tuần lễ vận động tranh cử và anh đang chờ đợi chính thức bước vào Hội Đồng thành phố Bankstown để phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, “chiến trường” sôi động hơn cả là tại thành phố Fairfield bao gồm Cabramatta - là thủ phủ của người Việt tại Úc - vì đây là nơi tranh cử quyết liệt giữa các ứng viên gốc Việt thuộc Đảng Lao Động, ứng viên gốc Việt theo Đảng Tự Do nhưng tranh cử với tư cách độc lập và ứng viên độc lập gốc Việt.
Trong liên danh Lao Động khu CabraVale, ông Lý Tấn Kiển được chọn ở vị trí số 2 nên việc ông đắc cử nghị viên là điều hiển nhiên. Liên danh độc lập mà cô Đài Lê làm thụ ủy và liên danh độc lập của ông Trần Nhân đã phải vận động tích cực trong sự thiếu vắng yểm trợ của một ‘guồng máy Đảng’ (party machine).
Cô Đài Lê, tức Lê Trang Đài, là thành viên Đảng Tự Do, đã từng tranh cử dân biểu tiểu bang Đơn Vị Cabramatta và ông Trần Nhân là nghị viên mãn nhiệm. Cả hai đều thuộc thế hệ trẻ gốc Việt, đã định cư tại Úc với tư cách tị nạn, có khả năng và tinh thần phục vụ cộng đồng.
Trong văn thư song ngữ Việt-Anh, Cô Đài Lê đã nhấn mạnh với cử tri rằng:
“Cuộc bầu cử Chính quyền Địa phương vào ngày 8 tháng 9 năm 2012 quan trọng nhất đối với cộng đồng người Việt ở Hội đồng thành phố Fairfield. So với cộng đồng rộng lớn của chúng ta trong khu vực này thì chúng ta đã bị lãng quên trong thời gian quá dài. Chúng ta thiếu đại biểu cũng như không có tiếng nói mạnh mẽ trong Hội đồng.”
Kết quả sư khởi cho thấy Cô Đài Lê đã đạt được trên 28% số phiếu hợp lệ tức là hơn 1 quota để đắc cử nghị viên.
Trong khi đó, tranh cử với phương châm “Cộng Đồng Trên Hết’ (Community First), ông Trần Nhân đã đạt được khoảng 16% số phiếu bầu Thị trưởng Fairfield, tức là đứng số 2 sau ứng viên Lao Động Frank Carbone với 45% phiếu bầu. Đây là một thành tích đáng kể của ông Trần Nhân. Fairfield là địa điểm an toàn của Đảng Lao Động, nên việc ông Frank Carbone đắc cử Thị trưởng không phải là điều ngạc nhiên.
Ông Trần Nhân cũng đạt được khoảng 12% tổng số phiếu nghị viên tại khu CabraVale, tức là đứng hàng thứ 3, sau liên danh Lao Động Frank Carbone và liên danh Đài Lê, nhưng trước các liên danh Đảng Xanh, Đảng Unity và độc lập khác. Ở thứ hạng này, Nghị viên Trần Nhân có hi vọng tái đắc cử. Nhiều ứng viên gốc Việt thuộc các liên danh khác tại các khu còn lại của thành phố Fairfield không có cơ may đắc cử.
Trên căn bản tiểu bang NSW, kết quả sơ khởi cho thấy Đảng Tự Do thắng lớn trong kỳ bầu cử hội đồng thành phố NSW năm 2012. Tại căn cứ địa của Đảng Lao Động là thành phố Liverpool, một công dân Úc theo Hồi Giáo và chỉ mới 30 tuổi đã dành được chức vụ Thị trưởng cho Đảng Tự Do, và Đảng Tự Do lần đầu tiên kiểm soát được hội đồng thành phố này. Thất bại nặng nề hơn Đảng Lao Động là Đảng Xanh – ngay cả tại các đơn vị nội thành là nơi mà Đảng Xang đã từng có nhiều ảnh hưởng. Sự chiến thắng của Đảng Tự Do tại Tiểu bang NSW trong cuộc bầu cử hồi cuối tuần sẽ làm hài lòng liên đảng Tự Do / Quốc Gia ở cấp liên bang.
Ngọc Hân tường trình từ Sydney Australia.
Australia theo thể chế liên bang với sáu tiểu bang và hai lãnh thổ, ở mỗi nơi cử tri đều phải đi bầu ba cấp chính quyền: đó là bầu cử liên bang khoảng ba năm một lần, bầu cử tiểu bang khoảng 3-4 năm một lần và bầu cử hội đồng hành chánh địa phương bốn năm một lần. Tất cả các cuộc bầu cử đều có tính cách bắt buộc và cử tri bị phạt tiền nếu không đi bầu mà không có lý do chính đáng.
Vào ngày Thứ Bảy 8 tháng 9, một cuộc bầu cử hội đồng hành chánh địa phương đã được tổ chức trên khắp tiểu bang New South Wales (NSW). Thông thường công luận chính giới và công luận truyền thông toàn quốc ít chú ý đến các cuộc bầu cử hội đồng hành chánh địa phương.
Tuy nhiên, năm 2012 là một ngoại lệ, có thể trong bối cảnh Đảng Lao Động đã bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tiểu bang NSW hồi tháng 3 năm 2011, sau 15 năm cầm quyền, và Đảng Lao Động ở cấp liên bang sẽ phải đối diện với cử tri trên toàn quốc – kể cả tại NSW – trong vòng 12 tháng sắp tới.
Giới chuyên gia phân tích thời sự tìm kiếm những dấu hiệu để xem liệu Đảng Lao Động có cơ may phục hồi và liệu Liên Đảng Tự Do Quốc Gia đang cầm quyền tại NSW nhưng đang ở thế đối lập liên bang có tiếp tục thế thượng phong hiện nay hay chăng?
Trong cộng đồng người Úc gốc Việt, cuộc bầu cử Hội Đồng Thành Phố hồi cuối tuần tại Sydney cũng rất được chú ý, vì sự hiện diện tranh cử của nhiều ứng cử viên gốc Việt trong các liên danh chính đảng.
Đây là một chiều hướng khích lệ, cho thấy người Úc gốc Việt quan tâm nhiều đến tiến trình hội nhập chính trị, vì chính quyền địa phương là nơi đào luyện hữu hiệu cho chính trị gia tương lai ở cấp tiểu bang và liên bang.
Theo luật sư Lưu Tường Quang, một người quan sát sự hội nhập chính trị và sinh hoạt nghị trường nhiều năm nay tại Austrlaia, thì cộng đồng người Úc gốc Việt đã thành công rất sớm trong tiến trình hội nhập chính trị. Từ cuối thập niên 1980 – tức là chỉ trên 10 năm định cư – thành phố Fairfield tại NSW đã có phó Thị trưởng gốc Việt và hai thành phố North Richmond và Footscray tại tiểu bang Victoria, đã có Thị trưởng gốc Việt.
Vào giữa thập niên 1990, Thượng Viện Victoria tại Melbourne cũng đã có thành viên gốc Việt. Thế nhưng, bước vào đầu thế kỷ thứ 21, tiến trình hội nhập chính trị của người Việt bỗng nhiên sa sút.
Chẳng những người gốc Việt chưa bao giờ có mặt ở chính trường liên bang, vắng mặt trên chính trường tiểu bang, mà nhân số nghị viên gốc Việt cũng bị giảm hạ rõ rệt. Với một nhân số trên 250 ngàn người – và là cộng đồng sắc tộc lớn hàng thứ 6 trong xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu, đây không phải là một thành tích để hãnh diện, theo lời của ông Lưu Tường Quang.
Bởi vậy, cộng đồng người Việt đã rất quan tâm đến cuộc bầu cử hội đồng thành phố – đặc biệt là tại Thủ phủ Sydney hồi cuối tuần. Tại ba nơi có đông người Việt định cư – là thành phố Marrickville ở nội thành, thành phố Bankstown, và thành phố Fairfield thuộc vùng Tây Nam, nhiều ứng cử viên gốc Việt đã có mặt tranh cử. Cả ba hội đồng thành phố này đều nằm trong sự kiểm soát của Đảng Lao Động.
Vào ngày Thứ Hai 10 tháng 9, việc kiểm phiếu được tiếp tục, nhưng kết quả sơ khởi cho thấy có thể 4 ứng cử viên gốc Việt sẽ trở thành nghị viên – và đây là một gia tăng hơn gấp đôi so với cuộc bầu cử hồi năm 2008. Kết quả này còn tùy thuộc vào cuộc kiểm phiếu chung cuộc, được Ủy Hội Bầu Cử NSW chính thức loan báo, và không bị vô hiệu hóa bởi Tòa Án Tranh Tụng Bầu Cử.
Tại Marrickville, một người gốc Việt duy nhất đã tranh cử với tư cách độc lập và không tạo được ấn tượng gì.
Tại thành phố Bankstown, nhân số ứng cử viên gốc Việt đông đảo hơn trong liên danh Đảng Lao Động, liên danh Đảng Tự Do và liên danh độc lập. Ứng viên Toàn Nguyễn tức là luật sư Nguyễn Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW, nhận được nhiều sự chú ý, vì anh đã có thành tích phục vụ cộng đồng người Việt nói chung và là một huynh trưởng năng động của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Định cư tại Úc cùng với gia đình khi mới 10 tuổi, luật sư Nguyễn Quốc Toàn đã được chọn ở vị trí số 2 trong liên danh Đảng Lao Động và đã đắc cử vào Hội Đồng thành phố Bankstown. Nghị viên Toàn Nguyễn cho biết cảm tưởng là anh cảm thấy ‘nhẹ người’ sau mấy tuần lễ vận động tranh cử và anh đang chờ đợi chính thức bước vào Hội Đồng thành phố Bankstown để phục vụ cộng đồng.
Tuy nhiên, “chiến trường” sôi động hơn cả là tại thành phố Fairfield bao gồm Cabramatta - là thủ phủ của người Việt tại Úc - vì đây là nơi tranh cử quyết liệt giữa các ứng viên gốc Việt thuộc Đảng Lao Động, ứng viên gốc Việt theo Đảng Tự Do nhưng tranh cử với tư cách độc lập và ứng viên độc lập gốc Việt.
Trong liên danh Lao Động khu CabraVale, ông Lý Tấn Kiển được chọn ở vị trí số 2 nên việc ông đắc cử nghị viên là điều hiển nhiên. Liên danh độc lập mà cô Đài Lê làm thụ ủy và liên danh độc lập của ông Trần Nhân đã phải vận động tích cực trong sự thiếu vắng yểm trợ của một ‘guồng máy Đảng’ (party machine).
Cô Đài Lê, tức Lê Trang Đài, là thành viên Đảng Tự Do, đã từng tranh cử dân biểu tiểu bang Đơn Vị Cabramatta và ông Trần Nhân là nghị viên mãn nhiệm. Cả hai đều thuộc thế hệ trẻ gốc Việt, đã định cư tại Úc với tư cách tị nạn, có khả năng và tinh thần phục vụ cộng đồng.
Trong văn thư song ngữ Việt-Anh, Cô Đài Lê đã nhấn mạnh với cử tri rằng:
“Cuộc bầu cử Chính quyền Địa phương vào ngày 8 tháng 9 năm 2012 quan trọng nhất đối với cộng đồng người Việt ở Hội đồng thành phố Fairfield. So với cộng đồng rộng lớn của chúng ta trong khu vực này thì chúng ta đã bị lãng quên trong thời gian quá dài. Chúng ta thiếu đại biểu cũng như không có tiếng nói mạnh mẽ trong Hội đồng.”
Kết quả sư khởi cho thấy Cô Đài Lê đã đạt được trên 28% số phiếu hợp lệ tức là hơn 1 quota để đắc cử nghị viên.
Trong khi đó, tranh cử với phương châm “Cộng Đồng Trên Hết’ (Community First), ông Trần Nhân đã đạt được khoảng 16% số phiếu bầu Thị trưởng Fairfield, tức là đứng số 2 sau ứng viên Lao Động Frank Carbone với 45% phiếu bầu. Đây là một thành tích đáng kể của ông Trần Nhân. Fairfield là địa điểm an toàn của Đảng Lao Động, nên việc ông Frank Carbone đắc cử Thị trưởng không phải là điều ngạc nhiên.
Ông Trần Nhân cũng đạt được khoảng 12% tổng số phiếu nghị viên tại khu CabraVale, tức là đứng hàng thứ 3, sau liên danh Lao Động Frank Carbone và liên danh Đài Lê, nhưng trước các liên danh Đảng Xanh, Đảng Unity và độc lập khác. Ở thứ hạng này, Nghị viên Trần Nhân có hi vọng tái đắc cử. Nhiều ứng viên gốc Việt thuộc các liên danh khác tại các khu còn lại của thành phố Fairfield không có cơ may đắc cử.
Trên căn bản tiểu bang NSW, kết quả sơ khởi cho thấy Đảng Tự Do thắng lớn trong kỳ bầu cử hội đồng thành phố NSW năm 2012. Tại căn cứ địa của Đảng Lao Động là thành phố Liverpool, một công dân Úc theo Hồi Giáo và chỉ mới 30 tuổi đã dành được chức vụ Thị trưởng cho Đảng Tự Do, và Đảng Tự Do lần đầu tiên kiểm soát được hội đồng thành phố này. Thất bại nặng nề hơn Đảng Lao Động là Đảng Xanh – ngay cả tại các đơn vị nội thành là nơi mà Đảng Xang đã từng có nhiều ảnh hưởng. Sự chiến thắng của Đảng Tự Do tại Tiểu bang NSW trong cuộc bầu cử hồi cuối tuần sẽ làm hài lòng liên đảng Tự Do / Quốc Gia ở cấp liên bang.
Ngọc Hân tường trình từ Sydney Australia.