Đường dẫn truy cập

Nhiều triệu người tại các nước đang phát triển không đăng ký khai sinh


1/3 đến 2/3 số trẻ em ở châu Á Thái Bình Dương không được đăng ký khai sinh đúng cách.
1/3 đến 2/3 số trẻ em ở châu Á Thái Bình Dương không được đăng ký khai sinh đúng cách.
Hàng chục triệu người sống tại các nước đang phát triển không có đăng ký khai sinh, có nghĩa là không có sự thừa nhận pháp lý về sự tồn tại của họ. Liên Hiệp Quốc nói những người không đăng ký như thế chẳng những không được tiếp cận chắc chắn với y tế và giáo dục, mà còn dễ bị vi phạm quyền con người. Một hội nghị được Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Bangkok đang thảo luận cách thức giải quyết vấn đề này, theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben.

Hội nghị trong 2 ngày dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc quy tụ các nhà thống kế và kinh tế của khoảng 50 quốc gia cũng như Tổ chức Y tế Thế giới, cùng các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc và các đoàn thể xã hội dân sự, trong cố gắng bù đắp những sơ hở trong việc đăng ký dân sự.

Bà Noeleen Heyzer, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói rằng việc đăng ký là cấp thiết để bảo vệ các quyền cơ bản của con người và đo lường hiệu năng của chính sách công cộng.

Ông Heyzer nói: “Nếu không có căn cước hợp pháp, thì mọi người sẽ không được cứu xét một cách nghiêm túc trong các chính sách của chính phủ, họ không được kiểm kê, họ bị loại trừ và điều không may là những người không có quốc gia, không có giấy tờ không được hưởng những quyền của con người xét về mặt nhà nước và họ không được lý tới. Qua việc bảo đảm là mọi người phải đăng ký khai sinh, và được chăm sóc, tiếng nói của họ mới được nghe một cách rõ ràng.”

Bất kể kỹ thuật hiện đại tạo điều kiện dễ dàng hơn để theo dõi và đăng ký khai sinh, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc nói trong năm 2011chỉ có chưa đầy phân nửa số trẻ em sinh ra ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, là có đăng ký khai sinh.

Bà Haishan Fu, giám đốc về thống kê của Uỷ ban Kinh Xã Liên Hiệp Quốc đặc trách châu Á Thái Bình Dương, nói rằng hiện tượng thiếu các dữ liệu đáng tin cậy đề ra một thách thức cho những người lập chính sách khu vực.

Bà Haishan nói: “Một số ước tính trong khu vực cho thấy 1/3 đến 2/3 số trẻ em trong vùng này không được đăng ký khai sinh đúng cách. Do đó, rõ ràng đối với các em, việc tiếp cận các cơ hội giáo dục là một vấn đề rất lớn. Và, những người thực sự không có giấy tờ hợp pháp cần phải xác lập căn cước hợp pháp thỉ mới có thể tiếp cận với công ăn việc làm tốt.”

Ðối với Liên Hiệp Quốc, vấn đề về dữ liệu không đầy đủ gây nguy cơ cho sự khả tín cho chỉ tiêu đã định vào năm 2015 của các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Các mục tiêu như xóa tình trạng nghèo khó cùng cực, sự bất bình đẳng về giới tính, tỷ lệ tử vong trẻ em, sức khỏe bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS và các dịch bệnh khác, cũng như tính bền vững của môi trường, tất cả đều lệ thuộc vào số đếm chính xác về dân số.

Ông Trevor Sutton, phó giám đốc về thống kê của Cục Thống Kê Australia, nói rằng các số liệu là cấp thiết để đo lường tiến bộ về kinh tế và xã hội một cách rõ ràng.

Ông Sutton nói: “Nếu ta muốn thực sự tìm hiểu xem liệu đã đạt được tiến bộ thực sự trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ này hay chưa, thì ta phải thực sự có được các số liệu thống kê về đăng ký dân sự. Ðiều đó có lợi cho tất cả mọi người trong khu vực, kể cả Australia, để bảo đảm rằng chúng ta xây dựng các hệ thống đó đến mức mà chúng ta có thể thực sự đo lường tiến bộ trong tất cả các xã hội trong vùng một cách đáng tin cậy, ý tôi muốn nói là điều đó thực sự là quan trọng.”

Ông Sutton cho rằng sự tin tưởng vào các số liệu trong vùng là cấp thiết để nhắm mục tiêu tốt hơn vào việc cấp viện và hỗ trợ trong các lãnh vực thuộc mọi khu vực y tế và xã hội để bổ sung cho sự hỗ trợ thêm của các nước cấp viện quốc tế trong những khu vực được nhắm làm mục tiêu.

Hội nghị sẽ chuẩn bị một kế hoạch sách lược để trình bày với các chính phủ thành viên trong cố gắng tiếp theo để khắc phục các khuyết điểm hiện thời do các số liệu sai lạc và không đầy đủ gây ra.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG