Đường dẫn truy cập

Nhiều người Việt ủng hộ phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ phản đối sự bắt nạt ở Biển Đông


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và trích đoạn phát biểu của ông ở HĐBA LHQ ngày 9/8/2021. Photo Facebook US Embassy Hanoi.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và trích đoạn phát biểu của ông ở HĐBA LHQ ngày 9/8/2021. Photo Facebook US Embassy Hanoi.

Ngay sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken có bài phát biểu tại LHQ về vai trò và lợi ích của Washington trong việc giải quyết cách tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, nhiều người Việt Nam bày tỏ sự đồng tình.

Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại kỳ họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 9/8:

“Một số ý kiến cho rằng việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông không phải là việc của Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào không phải là bên có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng biển. Nhưng đây là việc, là hơn thế nữa, là trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên trong việc bảo vệ các quy tắc mà tất cả chúng ta đã đồng thuận tuân thủ và giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình.”

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hôm 11/8 đăng lại phát biểu này trên trang Facebook và đến hôm 12/8 nhận được hơn 2 ngàn lượt thích và hơn 350 bình luận. Nội dung tương tự đăng trên trang Facebook của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh nhận được hơn 1.3 ngàn lượt thích và hơn 80 bình luận.

Ông Phan Trọng Nghĩa ở Tp. Hồ Chí Minh viết trong một bình luận: “Cảm ơn ông, đã nói lên những lời mà chúng tôi cũng muốn nói”.

Một độc giả khác tên là Ngưu Lê ở Việt Nam viết: “Tôi tin rằng người dân khu vực Biển Đông sẽ ngủ ngon giấc hơn nếu có sự hiện diện của Mỹ ở đó.”

Mặc dù trong bài phát, ông Blinken không đề cập đến chính quyền Trung Quốc, nhưng độc giả De Le viết: “Chỉ duy nhất Trung Quốc cho rằng: việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông không phải là việc của Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào không phải là bên có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng biển mà thôi.”

“Chúng tôi ủng hộ Hoa Kỳ cùng chung tay giữ gìn trật tự quốc tế, đảm bảo các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế về Biển Đông,” ông Nguyễn Xuân Thọ ở Quảng Nam viết.

Ông Thomas Trần ở Vancouver, Canada, viết: “Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới này, và có quyền lợi hiện hữu liên tục tại Biển Đông nhiều thế kỷ qua. Một trong các quyền lợi đó của Hoa Kỳ là vận tải biển, lưu thông hàng hoá, du lịch. Và Hoa Kỳ còn rất nhiều quyền lợi hiện hữu khác tại Biển Đông, bao gồm cả quyền lợi về chính trị. Vì vậy Hoa Kỳ nên và cần tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông.”

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ cho biết: “Ở Biển Đông, chúng ta đã chứng kiến những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các tàu trên biển và các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải trái pháp luật. Hoa Kỳ đã nêu rõ những lo ngại của mình liên quan đến các hành động đe dọa và bắt nạt các quốc gia khác tiếp cận hợp pháp các nguồn tài nguyên hàng hải của họ. Và chúng tôi và các nước khác, bao gồm cả các bên tranh chấp Biển Đông, đã phản đối hành vi như vậy và các yêu sách hàng hải trái pháp luật ở Biển Đông.”

Cũng hôm 9/8, theo Reuters, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Đới Binh đưa ra những cáo buộc gay gắt về việc Mỹ đã “tuỳ tiện đưa tàu và máy bay quân sự hiện đại vào Biển Đông như một hành động khiêu khích và công khai tìm cách gây bất đồng giữa các quốc gia trong khu vực.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG