Đường dẫn truy cập

Nhiều người quan tâm việc Myanmar tăng cường hoạt động khai thác mỏ


Nông dân Myanmar đối mặt với cảnh sát chống bạo động tại khu vực khai thác mỏ Letpadaung, Monywa phía tây bắc Myanmar hồi năm 2014.
Nông dân Myanmar đối mặt với cảnh sát chống bạo động tại khu vực khai thác mỏ Letpadaung, Monywa phía tây bắc Myanmar hồi năm 2014.

Các luật lệ mới về hầm mỏ ở Myanmar, theo dự liệu, sẽ được ban hành sau cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 11 để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, các tổ chức nhân quyền e rằng những cộng đồng địa phương sẽ bị thiệt hại nếu không có thêm những sự bảo vệ chắc chắn hơn của pháp luật.

Các nhà phân tích cho biết kỹ nghệ hầm mỏ của Myanmar vẫn còn ở trong giai đoạn gọi là “giai đoạn biên cương” của sự phát triển với những tiềm năng lớn về các loại kim loại như đồng, thiếc và tungsten.

Ông John Hancock, một chuyên gia tư vấn người Úc ở Yangon, cho biết hiện có rất nhiều sự phấn khởi về công nghiệp hầm mỏ ở Myanmar với những cuộc khảo sát từ thời thực dân Anh về những trữ lượng rất phong phú.

Ông Hancock nói: "Tôi nghĩ rằng không mấy ai còn nghi ngờ về việc Myanmar là nơi mà họ gọi là “có tiềm năng cao”, với tất cả những cuộc khảo sát khoáng sản và những công việc đã được thực hiện trong quá khứ cho thấy nước này có tài nguyên khoáng sản ở mức rất cao, với nhiều loại khoáng sản khác nhau. Tất cả những dữ liệu địa chất đều cho thấy có rất nhiều hứa hẹn".

Tuy nhiên các công ty nói rằng Myanmar không cung cấp những sự bảo vệ pháp lý cho các nhà đầu tư nước ngoài, khiến cho lượng đầu tư nước ngoài tương đối ít.

Những điều khoản tu chính hiến pháp dự kiến sẽ thay đổi tình trạng này bằng cách xác định những trách nhiệm pháp lý, cho phép các công ty nhỏ hơn của Myanmar liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài, và dành cho chính quyền của các tiểu bang nhiều quyền hạn hơn đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Một số tài nguyên khoáng sản có giá trị nhất của Myanmar nằm trong những khu vực của người sắc tộc thiểu số, như hai tiểu bang Shan và Kachin, nơi mà những cuộc giao tranh đang tiếp diễn đã làm cho hoạt động khai thác mỏ bị cản trở rất nhiều.

Trong khi đó, những vụ tranh cãi và những vụ biểu tình phản kháng làm dình trệ những dự án khai thác mỏ tại những nơi khác.

Từ năm 2012 tới nay, hoạt động khai thác một mỏ đồng của một công ty do Trung Quốc làm chủ gần thị trấn Monywa ở miền trung Myanmar đã làm bùng ra những vụ biểu tình và những vụ đổ máu. Cư dân ở đây cảm thấy tức giận vì đất đai bị chiếm đoạt và môi trường bị ô nhiễm.

Bà Meghna Abraham, một người phát ngôn của Hội Ân Xá Quốc Tế, nói rằng mỏ Monywa nêu bật những vấn đề của công nghiệp hầm mỏ ở Myanmar.

Bà Abraham cho biết: "Các vấn đề mà chúng tôi đang nhìn thấy cũng được báo cáo bởi những người khác về các dự án hầm mỏ khác. Hiện giờ vẫn chưa có một tiến trình thoả đáng để tham khảo ý kiến của các cộng đồng bị tác động. Điều này thật sự là căn nguyên của nhiều vấn đề ở Monywa. Có một sự thiếu tin tưởng đối với công ty và đối với chính quyền bởi vì những gì mà chúng tôi đã trải qua trong tất cả những hoạt động khai thác hầm mỏ".

Ông Aung Zaw, chủ biên nhật báo mạng Irrawaddy, cho rằng mỏ Monywa nêu bật những vấn đề nghiêm trọng của công nghiệp hầm mỏ ở Myanmar.

Ông cho biết “Nhiều người đã bị bắt, những nhà hoạt động bị bỏ tù … Những nông dân mất đất, cùng với những nhà hoạt động quan tâm về tệ nạn tịch thu đất đai bừa bãi và những về những thiệt hại cho môi trường, cũng bị bắt bỏ tù. Tình hình thật là u ám.”

Các nhà phân tích cho rằng công nghiệp hầm mỏ Myanmar cần có một khung sườn pháp luật mạnh mẽ để quản lý các công ty, có những tiêu chuẩn rõ ràng hơn về việc trưng dụng và bồi thường đất đai cùng với những sự bảo vệ cho quyền lợi của người lao động và cho môi trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG