Trong lúc những người ở Hồng Kông được tự do xuống đường biểu tình, giới hữu trách ở Hoa Lục đã bắt giữ mấy mươi người bày tỏ sự ủng hộ cho phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Trong số những người bị bắt giữ có ông Quách Ngọc Thiểm, một học giả và là một nhà tranh đấu được nhiều người biết tiếng. Người thân của ông cho biết ông bị bắt đi từ nhà hồi sáng thứ năm. Đó là vụ mới nhất trong hàng loạt những vụ bắt giữ trong tháng này, giữa lúc những cuộc xuống đường đòi dân chủ tiếp tục diễn ra ở Hồng Kông.
Bà Maya Wang, một nhà nghiên cứu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, phát biểu như sau.
"Bất kể những lý do cấp thời của những vụ bắt giữ này là gì thì tôi vẫn nghĩ rằng đó là một dấu hiệu rất đáng lo ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc."
Hơn 50 người ở Hoa Lục đã bị câu lưu hoặc bị mất tích trong hai tuần lễ vừa qua. Nhiều người trong số đó bị cáo buộc với một tội trạng như ông Quách: (đó là) “gây chuyện cãi cọ, gây rối.” Trước đó, những người này đã bày tỏ sự ủng hộ cho những đòi hỏi về bầu cử trực tiếp của người dân Hồng Kông.
Tuần trước, giới hữu trách đã bắt 10 người định tham dự một buổi ngâm thơ để ủng hộ cho những người biểu tình đòi dân chủ. Khi được hỏi về những vụ bắt giữ hồi gần đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng ông không hay biết gì về những vụ đó.
Ông Hồng Lỗi nói rằng tuy ông không hay biết về những tin tức đó, nhưng ông có thể khẳng định Trung Quốc là một nước áp dụng thể chế pháp trị và nhà chức trách chỉ bắt giữ những ai vi phạm pháp luật để bảo vệ trật tự xã hội và quyền lợi của công chúng.
Ông Quách Ngọc Thiểm từng làm việc chung với nhà tranh đấu nhân quyền Hứa Chí Vĩnh, người đã bị mang ra tòa xét xử và bị tuyên án tù trước đây trong năm nay. Hai năm trước, ông Quách đã giúp luật sư nhân quyền mù Trần Quang Thành trốn thoát trong lúc bị giam lỏng ở tỉnh Sơn Đông và rốt cuộc được sang Mỹ tị nạn. Công việc của ông Quách được nhiều người biết tới nhất là trong cương vị của người đứng đầu Viện Tri Hành, chuyên nghiên cứu về những vấn đề môi trường, cải cách chế độ hộ khẩu – một chế độ làm cho tự do đi lại và tự do cư trú của người dân bị hạn chế, và nghiên cứu về công nghiệp tắc xi ở Trung Quốc.
Tuy ông Quách không công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc phản kháng ở Hồng Kông, bà Maya Wang nói rằng vụ bắt giữ ông là một phần của cuộc đàn áp khốc liệt của Chủ tịch Tập Cận Bình nhắm vào giới bất đồng chính kiến. Bà nói thêm như sau.
"Dựa trên kinh nghiệm trước đây, tôi nghĩ rằng một số người sẽ được thả sau vài ngày hoặc vài tuần. Và một số người có thể bị giam lâu hơn và có thể bị đưa ra tòa."
Tin tức về những cuộc biểu tình ở Hồng Kông vẫn còn bị kiểm duyệt khắt khe ở Hoa Lục. Cuối tuần qua, những người tổ chức cuộc phản kháng nói rằng họ đã gởi thư cho ông Tập Cận Bình để đòi quyền phổ thông đầu phiếu cho dân chúng ở đặc khu hành chánh này.