Đường dẫn truy cập

Nhiều người Việt kêu gọi ‘đừng bị kích động’ về video người Ukraine xé cờ Việt Nam


Ukraine được nhiều người Việt ủng hộ trong cuộc chiến chống lại Nga xâm lược. Photo Bovitvn.
Ukraine được nhiều người Việt ủng hộ trong cuộc chiến chống lại Nga xâm lược. Photo Bovitvn.

Trong vài ngày nay, nhiều người Việt đăng lên mạng xã hội YouTube hoặc Facebook đoạn video ghi cảnh vài người Ukraine xé cờ Việt Nam, với bình luận rằng hành động đó là không thể chấp nhận được đối với người Việt, và việc các thành phần tân phát xít Ukraine bị Nga đánh là “đáng đời”. Ngược lại, nhiều người Việt khác lên tiếng kêu gọi “đừng bị kích động”.

Theo quan sát của VOA, đoạn video vẫn xem được trên mạng xã hội hôm 18/4 cho thấy 4 người đàn ông Ukraine xé 2 lá quốc kỳ của Việt Nam rồi vứt xuống đất trước một đám đông hò reo cổ vũ.

Một số người đăng viết trong lời giới thiệu về video rằng “đám người này” là “những kẻ tân phát xít Ukraine” đã xúc phạm quốc kỳ Việt Nam, một việc “không thể lý giải nổi”, và rằng “chúng” đã đưa đất nước “của chúng” đi đến chỗ bị chiến tranh tàn phá, còn người Việt hãy “kệ chúng nó”. Thậm chí, có người viết rằng họ thấy “hả dạ” khi quân đội Nga “đánh tơi tả” đội quân Azov của Ukraine, và xem đó như là “quả báo”.

Đoạn video xuất hiện vào lúc cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine đã bước sang tuần thứ 8, với những phản ứng trái chiều nhau trong dư luận Việt Nam. Trong khi nhiều người Việt ủng hộ hoặc bào chữa cho việc Nga đánh nước láng giềng nhỏ và yếu hơn, nhiều người Việt khác phản đối Nga và bày tỏ tình đoàn kết với Ukrain, đồng thời quyên góp hàng tỉ đồng để giúp nước này.

Những người Việt sinh sống lâu năm ở Ukraine, trong đó có Facebooker Chan Vu và Hai Anh Nguyen được nhiều người theo dõi, xác nhận rằng đoạn video là có thật, nhưng không phải là một sự kiện mới đây mà là một vụ xảy ra hồi năm 2006, khi những người dân tộc cực đoan Ukraine kéo đến gây sự, phản đối việc cộng đồng người Việt xây chùa Trúc Lâm ở thành phố Kharkiv.

Tuy nhiên, những người nắm sự việc nói thêm rằng vụ này “sau đó được giải quyết ổn thỏa”, cả người Việt ở Kharkiv lẫn nhóm Ukraine dân tộc cực đoan đều đã “quên từ lâu rồi”, và họ đặt câu hỏi phải chăng một số người ở Việt Nam giờ đây “bới đống rác” ấy ra là vì mục đích “chia rẽ Việt Nam với Ukraine” và “vu vạ chính quyền Ukraine là phát xít”.

Trái ngược với thái độ phẫn nộ của nhiều người Việt khi xem đoạn video vừa được xới lên, nhiều người khác, trong đó có giáo sư Mạc Văn Trang với nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, đưa ra lời kêu gọi hãy “bình tĩnh”, “đừng để bị kích động hoặc bị xỏ mũi”.

“Tôi nghĩ ở nước nào, ở đâu cũng có những nhóm người quá khích, họ không đại diện cho chính phủ và đa số người dân. Hãy cảnh giác với những kẻ lợi dụng một số hình ảnh, bài viết để kích động chia rẽ quan hệ Việt Nam-Ukraine”, giáo sư Trang cho VOA biết suy nghĩ của ông qua email.

Dưới góc nhìn của giáo sư Trang, Việt Nam giống Ukraine hơn bất cứ nước nào khác, vì cả hai đều cùng chung hoàn cảnh ở cạnh nước lớn và bị nước lớn xâm lược. Ông nhận xét với VOA: “Giờ đây Ukraine là tấm gương yêu nước, yêu tự do, dũng cảm bảo vệ độc lập, chủ quyền sáng chói để người Việt Nam ngưỡng mộ và học tập cách mà họ đoàn kết toàn dân, trên dưới một lòng đánh quân xâm lược bành trướng bá quyền Nga hiệu quả ra sao”.

Theo nhận định của giáo sư Trang, số người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài ủng hộ Ukraine rất nhiệt tình và lên án Tổng thống Nga Putin mạnh mẽ “luôn áp đảo” số người Việt thân Nga với bằng chứng là “biết bao các tổ chức xã hội dân sự và người dân Việt Nam đã lên tiếng, đã cầu nguyện, đã quyên góp ủng hộ Ukraine”.

Vì vậy, vị giáo sư tin rằng chính phủ và nhân dân Ukraine “đủ thông minh để hiểu được thái độ của đa số nhân dân Việt Nam” và phân biệt được điều đó với việc chính phủ Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine và bỏ phiếu chống về việc LHQ loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Trên cơ sở đó, ông Trang nói với VOA rằng: “Hiện nay, tôi tin là những người Việt Nam từng sống ở Ukraine cùng chung số phận với nhân dân sở tại, sẽ cùng được đùm bọc, không sợ bị phân biệt đối xử”.

Cũng lên tiếng về video gây tranh cãi, ông Phan Châu Thành, Facebooker có nhiều ảnh hưởng sinh sống tại Ba Lan, viết trên trang cá nhân rằng Ba Lan và Ukraine là hai nước láng giềng có những thù hận trong quá khứ, nhưng khi Ukraine bị Nga xâm lược, Ba Lan đã đặt quá khứ sang một bên và giúp đỡ Ukraine nhiệt tình.

“Bởi vì họ [Ba Lan] hiểu, chỉ có sự tử tế mới thay đổi được xã hội, mới xóa đi được thù hận, mới đem con người xích lại gần nhau”, ông Thành viết.

Dẫn lại các thông tin chính thức, ông Thành cho biết Ba Lan “đón nhận 1,8 triệu người Ukraina tị nạn” và “sẵn sàng nhận thêm nhiều triệu người nữa”, đồng thời nước này cũng là một trong những quốc gia “cung cấp vũ khí, viện trợ kinh tế nhiều nhất cho Ukraina”.

“Giờ đây, ai là bạn, ai là người ‘đáng chơi’ nhất , là ‘đồng minh thân cận nhất’ đối với người Ukraina ? Tất nhiên là người Ba Lan”, ông Thành bình luận, và đưa ra ý kiến: “Thế nên người Việt Nam ơi, làm ơn, hãy suy nghĩ. Sự mù quáng của thù hận, kích động bạo lực vì cờ quạt, hay ba thứ tính toán nhỏ mọn, chủ nghĩa ‘có lợi mới ủng hộ’ không làm cho dân tộc mạnh lên, không làm con người, cuộc sống tốt đẹp lên đâu, mà chỉ có sự tử tế”.

“Việt Nam muốn lớn mạnh, muốn Độc lập - Tự do - Hạnh phúc thì cũng phải học, nhìn họ [Ba Lan] mà học thôi”, Việt kiều Phan Châu Thành ở Ba Lan viết.

Những ý kiến như của ông Phan Châu Thành và giáo sư Mạc Văn Trang nhận được hàng nghìn phản ứng “yêu, thích” và được hàng trăm người khác lan truyền bằng chức năng share trên mạng xã hội.

VOA Express

XS
SM
MD
LG