Nhật Bản tặng Việt Nam 2 tàu để phục vụ công tác tuần tra giữa các hành động phô diễn sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thông tấn xã Kyodo của Nhật ngày 3/11 đưa tin chính phủ Tokyo cung cấp cho lực lượng tuần duyên Việt Nam 2 chiếc tàu đã qua sử dụng giúp Hà Nội tăng cường khả năng thực thi luật trên biển.
Tin này được phổ biến 1 ngày sau thông tin về việc Trung Quốc cho phản lực cơ chiến đấu có trang bị phi đạn thao dượt trên đảo Phú Lâm, khu vực gần Việt Nam ở Biển Đông, trong nỗ lực đáp trả các cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa.
“Tin Nhật Bản tặng tàu tôi có nghe đài. Nếu các nước tiên tiến tặng tàu tuần tra cho Việt Nam, bà con ngư dân cũng yên tâm hơn, đi đánh bắt đỡ lo sợ hơn.”Thuyền trưởng Lê Văn Xinh ở Lý Sơn nói.
Các tàu Nhật bàn giao cho Việt Nam thuộc khuôn khổ thỏa thuận viện trợ không hoàn lại đôi bên ký kết hồi tháng 8 năm ngoái.
Qua đó, Nhật cam kết tặng Việt Nam 6 tàu cũ gồm 2 chiếc tàu kiểm ngư thuộc Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản và 4 tàu cá thương mại với trọng tải từ 600 đến 800 tấn đã qua sử dụng.
Hai tàu đã chuyển giao trước đây, hai tàu vừa cấp được đưa tới Đà Nẵng hôm nay (3/11) để tân trang lại thành tàu tuần tra, còn hai chiếc nữa sẽ cập cảng Việt Nam trước cuối năm nay.
Ngư dân Việt Nam đánh bắt trên quần đảo Hoàng Sa hoan nghênh gói viện trợ an ninh của Nhật và gọi đây là ‘hành động hào hiệp rất thực tế’ giúp Việt Nam phần nào chống chọi trước sự hung hãn leo thang của tàu bè Trung Quốc.
Thuyền trưởng Lê Văn Xinh ở huyện đảo Lý Sơn nói với VOA Việt ngữ:
“Tin Nhật Bản tặng tàu tôi có nghe đài. Nếu các nước tiên tiến tặng tàu tuần tra cho Việt Nam, bà con ngư dân cũng yên tâm hơn, đi đánh bắt đỡ lo sợ hơn.”
Thuyền trưởng Nguyễn Đông ở Đà Nẵng cho biết ngư dân Việt hoạt động ở Hoàng Sa trong nỗi phập phồng lo sợ vì trong nhiều năm nay họ phải đối mặt với các vụ cướp bóc, uy hiếp, sách nhiễu của tàu bè Trung Quốc mỗi khi ra khơi.
“Ra quần đảo Hoàng Sa, hễ nó gặp mình là nó đánh phá, phá phách, đuổi mình, thường xuyên lắm.”
Giờ nếu nhà nước có chế độ giúp đỡ bà con ngư dân hữu hiệu hơn thì bà con ngư dân cảm ơn, đỡ lo lắng hơn khi ra biển làm ăn. Ví dụ khi mình ra biển có tàu kiểm ngư của mình hoạt động trong vùng gần gần đó thì mình cũng đỡ lo. Khi tàu nước ngoài quấy rối, mình có lực lượng thực thi pháp luật ở gần thì mình yên tâm hơnNgư dân Nguyễn Đó, ngư dân từng bị tàu Trung Quốc tấn công, nói.
Ngư dân Nguyễn Đó, một chủ tàu từng vài lần bị tàu Trung Quốc tấn công trong quần đảo Hoàng Sa, cho biết thêm rằng các tàu Trung Quốc có trang bị võ trang truy đuổi, đe dọa tàu Việt Nam là chuyện xảy ra hằng ngày trong khi giới hữu trách Việt Nam chưa có khả năng đối phó bảo vệ ngư dân:
“Nó tấn công thì tấn công, mình vẫn cứ đi miết. Nó đuổi thì đuổi, tàu mình làm thì làm chứ sao giờ. Nó lấy đồ của mình, phá đồ của mình, đuổi mình. Tàu nó là tàu chiến không, tàu của kiểm ngư và cảnh sát biển không, có trang bị súng ống đầy đủ hết.”
Các ngư dân ở Hoàng Sa nói phương tiện và tàu bè nước ngoài hỗ trợ để tăng cường năng lực hàng hải Việt Nam là điều đáng mừng nhưng chưa phải là liều thuốc trấn an cho ngư dân Việt trừ phi nhà nước tăng cường sự hiện diện của lực lượng chấp pháp tại các vùng lãnh hải quốc gia để bảo vệ ngư dân và gìn giữ chủ quyền biển đảo của đất nước.
“Giờ nếu nhà nước có chế độ giúp đỡ bà con ngư dân hữu hiệu hơn thì bà con ngư dân cảm ơn, đỡ lo lắng hơn khi ra biển làm ăn. Ví dụ khi mình ra biển có tàu kiểm ngư của mình hoạt động trong vùng gần gần đó thì mình cũng đỡ lo. Khi tàu nước ngoài quấy rối, mình có lực lượng thực thi pháp luật ở gần thì mình yên tâm hơn chứ bây giờ tình hình Trung Quốc uy hiếp mình như rứa.”
Trong nỗ lực tăng cường bảo vệ ngư dân, Việt Nam gần đây thành lập Cục Kiểm ngư, nhưng các hoạt động trên thực tế còn rất giới hạn về cả số lượng lẫn chất lượng.
Không như các tàu Trung Quốc, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam không đi gần bảo vệ tàu cá mà chủ yếu thực hiện công tác hỗ trợ từ xa.
Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước đang cung cấp phương tiện tuần tra biển cho Việt Nam, đang báo động về các hoạt động bành trướng hàng hải của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp mà họ nghi là nhằm mở rộng tầm hoạt động quân sự.
Theo một thỏa thuận hồi tháng 9 giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, Tokyo dự định sẽ tiếp tục cung cấp thêm cho Việt Nam các tàu đã qua sử dụng ngoài gói viện trợ 6 tàu vừa kể.