Hàng chục nghìn người Nhật vẫn phải trú tạm tại các trung tâm sơ tán đêm thứ ba liên tiếp sau khi các cơn dư chấn mạnh làm rung chuyển hòn đảo Kyushu ở miền nam.
Sớm Chủ Nhật, các nhân viên cứu hộ chật vật chống chọi với thời tiết khắc nghiệt trong khi tìm cách cứu khoảng 100 người vẫn còn bị kẹt dưới các tòa nhà đổ sập ở quận Kumamoto.
Hàng chục nghìn cảnh sát, nhân viên y tế, lính cứu hỏa và binh sĩ lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang tham gia vào công tác cứu hộ và phục hồi trong tình cảnh mưa to và gió lớn.
Ít nhất 41 người đã thiệt mạng và gần 2 nghìn người bị thương trong các đợt dư chấn mạnh từ hôm thứ Năm vừa qua.
Các cơn chấn động đã làm đổ sập nhà cửa, cầu cống cũng như gây ra lở đất và thậm chí làm một đoàn tàu cao tốc trật đường ray.
Tin cho hay, hơn 90 nghìn người đã phải tới ở tạm trong các trung tâm sơ tán được lập nên trong trường học và các tòa nhà chính phủ.
Cơ quan Khí tượng Nhật cho biết trận động đất hôm thứ Bảy có cường độ 7.3 độ richter, tiếp sau một trận động đất mạnh 6.5 độ richter hôm thứ Năm.
Thủ tướng Abe đã định tới thị sát khu vực bị tác động nặng nhất là Kumamoto, cách thủ đô 1.200 km về phía tây bắc, nhưng ông huỷ bỏ kế hoạch đó sau khi các cơn dư chấn tiếp tục xảy ra. Hơn 250 cơn dư chấn tiếp tục gây chấn động Nhật Bản kể từ thứ Năm.
Ông đã ra lệnh điều động thêm binh sĩ tới khu vực lâm nạn để “tập trung toàn bộ năng lực của chính phủ vào các hoạt động cứu hộ, di tản và cứu sống mạng người.”
Đền thờ cổ Aso, được xây cách nay hơn 1.700 năm, bị hư hại nặng. Một số toà nhà và một cổng thành có tên “Cổng Anh Đào” bị sập hoàn toàn.
Phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga nói rằng không có sự bất thường nào được ghi nhận tại các cơ sở hạt nhân ở gần đó. Tâm chấn của trận động đất thứ nhất nằm cách nhà máy điện hạt nhân duy nhất còn hoạt động ở Nhật khoảng 120 kilomét về hướng đông bắc.
Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân khác của Nhật tiếp tục ngưng hoạt động sau khi trận động đất 9.0 độ richter năm 2011 làm bùng ra một trận sóng thần khổng lồ.