Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm đến Việt Nam hôm 16/01 đã cam kết viện trợ cho nước này 6 tàu tuần tra mới.
Việt Nam là điểm đến cuối cùng của ông Abe trong chuyến đi thăm một loạt nước trong khu vực, nơi Nhật Bản đang khẳng định vai trò lãnh đạo, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng, cũng như Mỹ đang có những thay đổi về chính sách một cách khó đoán khi Tổng thống tân cử Donald Trump nhận chức.
“Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam củng cố năng lực chấp pháp trên biển,” ông Abe nói trong khi nhấn mạnh rằng những tranh chấp tại Biển Đông cần được giải quyết thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lên phần lớn diện tích Biển Đông, khu vực giao thông biển huyết mạch, là nơi lưu thông của khối lượng hàng hóa lên tới 5 ngàn tỉ đô la mỗi năm. Việt Nam cũng như bốn nước khác cũng tuyên bố chủ quền trên vùng biển vốn được cho là giàu tài nguyên dầu lửa và khí đốt.
Tokyo không có tham vọng lãnh hải tại khu vực, tuy nhiên bày tỏ lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của TQ trên những tuyến đường biển này. Nhật Bản cũng có tranh chấp với TQ tại một chuỗi đảo trên biển Đông Trung Hoa.
Việt Nam sẽ được cấp một khoản vay ưu đãi để mua sáu tàu tuần tra mới có tổng trị giá 338 triệu đô la, một quan chức Nhật Bản nói. Vẫn chưa rõ liệu khi nào 6 chiếc tàu này được bàn giao, nhưng trước đó Nhật Bản đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam 6 tàu tuần tra cũ.
Trong khi Phillipines dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte tỏ ra sẵn sàng xích lại gần hơn với Trung Quốc, xa rời đồng minh truyền thống là Mỹ, thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực có vẻ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.
Những câu hỏi dành cho ông Trump
Những câu hỏi đặt ra cho chính sách của Hoa Kì tại châu Á một lần nữa được nêu lên trong tuần qua sau khi ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng TQ cần chấm dứt xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông, và rằng cần phong tỏa những hòn đảo đó.
Bất chấp những khác biệt còn tồn tại, Việt Nam vẫn duy trì một đường hướng ngoại giao gắn bó với Trung Quốc. Tuần trước, hai nước đã đồng ý kiểm soát các tranh chấp hàng hải, giữ gìn hòa bình, ổn định.
Việt Nam và Nhật Bản đều là những nước ủng hộ mạnh mẽ hiệp đinh Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn có nguy cơ bị đình trệ sau khi ông Trump hứa sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này.
Tại Hà Nội, ông Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP, cũng như những hiệp định tự do thương mại khác, nhưng không cho biết thêm chi tiết.