11 quốc gia muốn lập một khối thương mại châu Á-Thái Bình Dương sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận dự kiến trước đó sẽ ký hiệp định ở Chile vào tháng 3, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản cho hay hôm 23/1.
Các quan chức thương mại đã gặp nhau tại Tokyo để giải quyết các khác biệt, trong đó có yêu cầu của Canada về bảo vệ các ngành công nghiệp văn hoá của họ như phim ảnh, truyền hình và âm nhạc.
Đạt được thỏa thuận là chiến thắng cho chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, họ đã vận động hành lang đầy khó khăn để cứu hiệp định, ban đầu có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Ông Abe mô tả thỏa thuận là động lực thúc đẩy tăng trưởng và cải cách ở Nhật Bản và là biểu tượng về cam kết với thương mại tự do và đa phương vào thời điểm mà Tổng thống Mỹ Trump nhấn mạnh đến chính sách "nước Mỹ trên hết".
Một nguồn tin trong chính phủ Canada xác nhận rằng Ottawa sẽ ký vào thỏa thuận, nói rằng nước này đã "đảm bảo được những lợi ích thực tế ".
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), hay còn gọi là TPP-11, sẽ là "động cơ để vượt qua chủ nghĩa bảo hộ" hiện đang trỗi dậy ở các khu vực trên thế giới.
Ông nói thêm là Nhật Bản sẽ giải thích tầm quan trọng của thỏa thuận với Washington với hy vọng thuyết phục Mỹ tham gia.
Các bộ trưởng từ 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Úc và Canada, đã đồng ý hồi tháng 11/2017 về những điều cốt lõi để tiếp tục mà không có Hoa Kỳ.
Canada, nước muốn bảo vệ các ngành văn hoá của mình, và Việt Nam, nước lo ngại về các quy định bảo hộ lĩnh vực lao động, sẽ trao đổi các phụ lục với các thành viên khác về những chủ đề đó vào thời điểm ký kết, Bộ trưởng Motegi nói.