Đường dẫn truy cập

Nhật Bản phản đối Nam Triều Tiên đưa nhà báo đi thăm đảo đang tranh chấp


Quần đảo đang có tranh chấp, Nhật Bản gọi là Takeshima, Nam Triều Tiên gọi là Dokdo
Quần đảo đang có tranh chấp, Nhật Bản gọi là Takeshima, Nam Triều Tiên gọi là Dokdo
Nhật Bản đã chính thức phản đối Nam Triều Tiên về một chuyến đi tới một đảo đá đang có tranh chấp, tổ chức hôm thứ năm cho các cơ quan truyền thông nước ngoài.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nói với các phóng viên ở Tokyo hôm thứ sáu: “Chúng tôi đã đệ kháng thư bởi vì hành động này không phù hợp với lập trường quốc gia của chúng tôi.”

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói thêm rằng việc chính phủ Nam Triều Tiên chuyên chở các thông tín viên qua ngả Seoul đến hòn đảo này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được và cực kỳ đáng tiếc.”

Ông nói khi chính phủ Nhật Bản được tin hôm thứ tư rằng các phóng viên, kể cả ít nhất 1 người đang làm việc ở Tokyo, có ý định nhận lời mời của Nam Triều Tiên đáp một chuyến máy bay trực thăng đi thăm các hòn đảo nhỏ, Nhật bản đã “cực lực yêu cầu họ không nhận lời.”

Một số cơ quan truyền thông nước ngoài trước đây đã tự ý đến thăm các đảo nhỏ, được gọi chung bằng tiếng Triều Tiên là Dokdo và tiếng Nhật là Takeshima, nhưng hiếm có khi nào chính phủ Nam Triều Tiên lại định tổ chức một chuyến đi tập thể.

Một cố gắng của chính phủ Nam Triều Tiên đưa các thông tín viên đến đảo bằng tầu thủy vào tháng 4 năm 2005 đã không thành vì thời tiết xấu nhưng một chuyến đi thứ nhì vào tháng 8 năm 2008 đã thành công.

Hôm thứ năm, nhiều cơ quan truyền thông, trong đó có BBC, CNN, Frankfurter Allgemeine Zeiting, International Herald Tribune, Le Figaro và The Washington Post đã đáp máy bay trực thăng đến hòn đảo lớn nhất ở phía tây.

Thông tấn xã Kyodo bán chính thức của Nhật Bản nói chuyến đi do chính phủ Nam Triều Tiên tài trợ “rõ ràng tìm cách quảng bá việc họ nhận chủ quyền các đảo này.”

Nhiều giới chức tại Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên và sở văn hóa thông tin chính thức (KOCIS) trực thuộc Bộ văn hóa thông tin, phủ nhận thực thể của họ đằng sau chuyến thăm gây nhiều tranh cãi này, và nói rằng nó được tổ chức bởi Quỹ lịch sử Ðông bắc Á.

Tổ chức này là một tổ chức được chính phủ Nam Triều Tiên tài trợ thường khẳng định việc quảng bá chủ quyền của Triều Tiên đối với các đảo có tranh chấp.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên yêu cầu không nêu danh tính nói với đài VOA rằng, “Bởi vì chúng tôi không tổ chức chuyến tham quan này nên không có gì để nói.”

Nhưng nhiều phóng viên được đưa đến lãnh thổ có tranh chấp cho biết họ đã được các đại diện của chính phủ Nam Triều Tiên chính thức mời.

Chủ tịch Câu lạc bộ Ký giả nước ngoài ở Seoul Steve Herman, cũng là trưởng văn phòng đài VOA ở thủ đô Nam Triều Tiên nói: “Tất cả các dấu hiệu cho thấy là bất kể những gì các giới chức Nam Triều Tiên tuyên bố hôm nay, chính phủ ở đây đã kín đáo can dự vào việc hoạch định vụ này.”

Ký giả Herman nói chuyến đi được sắp xếp mà không có sự can dự của SFCC, nơi khoảng 100 trong số 250 ký giả thành viên đại diện cho các cơ quan thông tin Nhật Bản.

Một số ký giả Nhật Bản ở Seoul nói họ sẽ do dự đi thăm những hòn đảo đang có tranh chấp theo những sắp xếp như thế, bởi vì họ coi đó là thừa nhận tuyên bố đòi chủ quyền của Nam Triều Tiên.

Căng thẳng đã tăng đáng kể giữa Seoul và Tokyo trong mấy tháng vừa qua về những đảo đá có tranh chấp lâu nay nằm giữa bán đảo Triều Tiên và hòn đảo chính của Nhật Bản.

Lãnh thổ, còn được quốc tế biết với cái tên là Liancourt Rocks, gồm 2 đảo nhỏ chính và nhiều vách đá nhỏ hơn với diện tích tổng cộng chưa tới 19 hecta.

Bộ quốc phòng Nam Triều Tiên hôm thứ sáu nói với đài VOA rằng ngày 21 tháng 9, họ đã cho cất cánh các chiến đấu cơ F-15 sau khi một chiến hạm của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản và một trong các trực thăng cơ SH-60 chống tiềm thủy đĩnh của chiến hạm này “vi phạm” vùng an toàn trên không phận của họ mà không xin phép trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Satoshi Morimoto đáp lại hôm thứ sáu rằng, “Hoạt động này không đề ra một vấn đề nào theo luật pháp quốc tế.”

Các giới chức ở Seoul nói chiến hạm 4200 tấn đã đổi hướng quay về sau khi một cảnh báo qua radio được quân đội Nam Triều Tiên truyền đi.

Tiếp theo một chuyến thăm chưa từng có đến vùng đất có tranh chấp hồi tháng 8 của Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak, chính phủ Nhật Bản loan báo đã bắt đầu chuẩn bị đơn phương đưa vụ tranh chấp ra trước Tòa án Công lý Quốc tế.

Sự kiện này dự kiến sẽ làm tăng thêm căng thẳng cho quan hệ song phương vốn đã xuống cấp. Hoa Kỳ, hiện có các căn cứ quân sự ở cả hai nước, đã kêu gọi cả hai chính phủ giải quyết vụ tranh chấp qua hội ý.

Nam Triều Tiên đã vũ trang cho nhân viên trên hòn đảo hẻo lánh này từ thập niên 1950. Nhật Bản coi nhóm đảo này là thuộc về quận Shimane và gọi sự chiếm đóng của Nam Triều Tiên là bất hợp pháp.

Nhật Bản cũng vướng vào các vụ tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết từ nhiều chục năm với Trung Quốc và Nga cũng vừa bùng lên trở lại trong mấy tháng qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG