Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama đang có mặt ở Tokyo nhằm thúc đẩy một sáng kiến giáo dục với mục tiêu giúp đỡ 62 triệu bé gái không có cơ hội đến trường ở các nước đang phát triển. Các bé gái ở Nhật Bản có cơ hội được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Brian Padden tại Tokyo, sau khi tốt nghiệp, phụ nữ nước này lại phải đối mặt với khoảng cách về giới ở nơi làm việc, một vấn đề bị coi là tồi tệ nhất trên thế giới.
Xuất hiện tại Tokyo, bà Obama thông báo sáng kiến có tên gọi “Hãy để các bé gái đến trường” trong khi gặp gỡ Đệ nhất phu nhân Nhật Bản Akie Abe.
“Tôi biết rằng đối với các bé gái như tôi trước đây, có rất nhiều em trên khắp thế giới thông minh, có khả năng và khát khao thành công, nhưng các em lại chưa bao giờ có cơ hội được tới trường”.
Bà Obama nói rằng việc 62 triệu bé gái không thể tới trường là “một sự phí phạm lớn tiềm năng con người”. Bà đã nhận được cam kết đóng góp 340 triệu đôla từ Nhật Bản cho các chương trình giáo dục về giới cũng như gia tăng quyền hành cho phụ nữ. Chương trình Tình nguyện viên Hợp tác Hải ngoại của Nhật Bản cũng sẽ hợp tác với Đoàn Hòa bình (Peace Corps) của Mỹ với trọng tâm là giáo dục các em gái.
Bà Naomi Koshi, Thị trưởng thành phố Otsu của Nhật Bản, ca ngợi nỗ lực của bà Obama cũng như bà Abe, nhưng bà nói muốn chứng kiến Nhật Bản xử lý vấn đề khoảng cách giới tại nước này.
“Tôi nghĩ rằng bà Obama hiện tập trung vào việc giáo dục các bé gái, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, cho nên đây là một vấn đề nghiêm trọng hơn. Nhưng tại Nhật Bản, chúng tôi vẫn còn các vấn đề như các phụ nữ có học vấn cao vẫn không thể tiếp tục làm việc”.
Theo phúc trình về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đánh giá các quốc gia dựa trên các tiêu chí y tế, giáo dục, chính trị, và kinh tế, Nhật Bản đứng thứ 105 trong 136 nước năm 2013.
Trong khi hầu như không có khoảng cách nào về giới trong việc tuyển sinh của các trường học, phụ nữ ở Nhật Bản đối mặt với các trở ngại lớn về văn hóa và xã hội tại nơi làm việc.
Tại Nhật Bản, chăm sóc con cái vẫn còn được coi là trách nhiệm riêng của phụ nữ. Vì lý do thiếu hụt dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng, trên 60% phụ nữ Nhật Bản phải nghỉ việc khi có con.
Giáo sư kinh tế Machiko Osawa tại Viện Nghiên cứu Phụ nữ và việc làm tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản nói rằng chính cách nhìn nhận đó đã dẫn tới tình trạng phân biệt đối xử trong các doanh nghiệp.
“Một khi ai đó được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp, các công ty chi nhiều tiền để đào tạo các công nhân. Nhưng phụ nữ thường có xu hướng nghỉ việc vì sinh con hoặc lập gia đình nên các công ty họ không muốn gặp rủi ro”.
Thị trưởng Koshi nói rằng bà đã phải đối mặt với một sự chọn lựa khi cạnh tranh trong xã hội mà đàn ông chiếm ưu thế này.
“Tôi không lập gia đình. Tôi không sinh con để tôi có thể làm việc như một người đàn ông. Tôi không nghĩ rằng đó là điều tốt, nhưng phụ nữ Nhật phải chọn lựa như vậy. Chúng tôi phải lựa chọn giữa công việc và con cái”.
Nhiều phụ nữ, như Thị trưởng Koshi, hoặc là phải tạm hoãn sinh con hoặc quyết định không có con, khiến cho sinh suất ở Nhật sút giảm.
Nhật Bản hiện thuộc các quốc gia có tỷ lệ người già cao nhất thế giới. Việc thiếu hụt nhân công trẻ tuổi là một trong các yếu tố khiến kinh tế Nhật Bản đình trệ.
Khoảng cách giới đối với phụ nữ Nhật Bản tại nơi làm việc cũng dẫn tới tỷ lệ nghèo khó cao của các trẻ em trong những gia đình có mẹ đơn thân.
Những người thúc đẩy quyền của nữ giới cho rằng điều cần làm hiện nay là chính phủ phải hỗ trợ thêm cho các dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng, cần phải củng cố và tăng cường luật bình đẳng giới cũng như thúc đẩy sự chuyển biến ý thức xã hội về việc đàn ông phải chịu trách nhiệm chăm sóc con cái nhiều hơn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết sẽ đẩy nhanh việc phụ nữ tham gia làm việc và cải thiện thu nhập cho phụ nữ vì mức thu nhập trung bình của họ kém hơn đàn ông tới 30%.
Nhưng giáo sư Osawa không tin ông Abe sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính và luật pháp để biến những điều đó trở thành hiện thực.
“Tôi theo dõi sát ông ấy để xem đây là cam kết sáo rỗng hay ông ấy có thể làm được một điều gì đó. Cho tới nay, trên thực tế, ông ấy không làm được nhiều”.
Trong khi bà Osawa thừa nhận rằng việc thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục của các bé gái ở các nước phát triển là một sự phí phạm tiềm năng con người, ông cũng cho rằng khoảng cách về giới tính ở Nhật Bản cũng dẫn tới tình trạng như vậy.