Đường dẫn truy cập

Nhật Bản chưa rõ nguồn làm nước tiếp tục ô nhiễm phóng xạ


Nhà máy điện hạt nhân bị hư hại trong vì thiên tai sóng thần năm 2011 Fukushima Daiichi, trong quận Fukushima, Nhật Bản
Nhà máy điện hạt nhân bị hư hại trong vì thiên tai sóng thần năm 2011 Fukushima Daiichi, trong quận Fukushima, Nhật Bản
Những sự tiết lộ mới đây của công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima và một giới chức chính phủ về ô nhiễm phóng xạ đang gây ra những mối quan tâm mới ở Nhật Bản.

Cuộc chiến dự kiến kéo dài nhiều thập niên để chận đứng sự rò rỉ phóng xạ và dọn sạch đất và nước bị ô nhiễm tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 lại được công chúng Nhật Bản lưu tâm sau khi có những thông tin mới được tiết lộ hồi đầu tuần này.

Công ty TEPCO, công ty điều hành nhà máy bị tê liệt ở Fukushima, cho biết trong vài tháng nay đã có sự gia tăng đáng kể của mức cesium trong nước ngầm, cũng như chất strontium và tritium ở ngoài biển.

Trong khi đó, ông Shunichi Tanaka, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản mới được thành lập hồi gần đây, thừa nhận rằng nước bị ô nhiễm có lẽ đã tiếp tục rỏ rỉ vào Thái bình dương kể từ khi nhà máy bị tàn phá bởi cơn sóng thần do động đất gây ra ngày 11 tháng 3 năm 2011.

Ông Tanaka nói rằng “biển tiếp tục bị ô nhiễm với những mức độ lớn có, nhỏ có” và tuy sự ô nhiễm lên tới đỉnh điểm khi xảy ra thảm họa cách nay hai năm nhưng ông nghĩ rằng ô nhiễm vẫn tiếp tục từ đó tới nay.

Ông Juchini Sato, giám đốc chương trình ở Nhật Bản của tổ chức môi trường Hòa bình Xanh, cho đài VOA biết rằng việc này tạo ra những mối lo ngại mới. Ông nói:

"Trước đây sự ô nhiễm chủ yếu là phát xuất từ những vụ thải nước bị ô nhiễm có chủ ý. Đó là điều mà họ từng nói là nguyên do của ô nhiễm. Nhưng điều mà chúng ta đang nói tới bây giờ là sự rò rỉ của nước ngầm – có nghĩa là biển bị ô nhiễm liên tục."

Ông Sato cho biết từ tháng 5 Hòa bình Xanh đã yêu cầu công ty TEPCO để cho một bên thứ ba được tiến vào khu vực bị phong tỏa có bán kính 5 kilo mét để thực hiện những hoạt động lấy mẫu một cách độc lập để xác định mức phóng xạ của nước biển ven bờ.

Ông Tanaka của Cơ quan Quản lý Hạt nhân thừa nhận rằng nguồn rò rỉ hiện chưa được rõ và chưa có kế hoạch để ngăn chận.

Ông Tanaka cho báo chí biết rằng không có “một giải pháp chắc chắn” và nếu có thì họ sẽ thực hiện. Ông nói thêm rằng các giới chức chính phủ và công ty TEPCO sẽ phải dùng tới phương pháp “dọ dẫm” để tìm ra nguồn ô nhiễm và tìm cách giải quyết vấn đề.

Trong khi đó, hãng thông tấn Kyodo cho biết một nhà thầu của dự án dọn sạch qui mô lớn đã thải 340 tấn nước có phóng xạ vào một con sông ở Fukushima.

Các chính quyền địa phương đã than phiền về vụ thải nước và cho biết họ đã không được thông báo trước. Nhưng theo tin của Kyodo, nhà thầu đó, Công ty JDC, đã thải nước bị ô nhiễm sau khi được thông báo là Cơ quan Nguyên tử năng Nhật Bản đã giải thích việc này cho các giới chức địa phương.

Con sông này là một nguồn nước phục vụ nông nghiệp của tỉnh Fukushima, một trong những tỉnh sản xuất nhiều lúa gạo và các loại hoa màu khác.

Ông Sato của tổ chức Hòa bình Xanh là một trong những người bày tỏ sự than trách đối với việc những tiết lộ mới về ô nhiễm phóng xạ đã không được báo chí và các cơ quan truyền thông khác tường thuật một cách cặn kẽ. Ông nói:

"Vì thảm họa đã xảy ra 2 năm 4 tháng, chính phủ và giới truyền thông muốn hạ giảm tầm quan trọng của các tin xấu vì họ nghĩ rằng những tin đó không giúp ích gì cho dân chúng ở Fukushima hay sự hồi phục của Fukushima. Chúng tôi muốn nói cho họ hiểu là nếu quí vị không cung cấp những thông tin thích đáng, những thông tin chính xác, thì Fukushima sẽ không bao giờ có thể hồi phục."

Vụ tan chảy của ba lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Fukushima-1 đã gây ra những tác động nghiêm trọng cho công nghiệp điện hạt nhân ở Nhật Bản, là nước có rất ít tài nguyên thiên nhiên.

Trước khi xảy ra thảm họa năm 2011, quốc gia công nghiệp hóa ở mức cao này dựa vào điện hạt nhân để thỏa mãn 1/3 nhu cầu năng lượng.

Ở Nhật Bản hiện nay chỉ có hai lò phản ứng hoạt động. Tất cả những lò phản ứng còn lại đều ngưng hoạt động. Các cơ sở này phải thỏa mãn những đòi hỏi nghiêm nhặt hơn về an toàn để được chính phủ cho phép phát điện trở lại để phục vụ cho nền kinh tế lớn hàng thứ ba thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG