Có nhiều nhận định lạc quan ở Washington về sự tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trong lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị đến thăm nước Mỹ vào hạ tuần tháng này.
Phó Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Antony Blinken, mới đây đã tỏ ý hoan nghênh việc Nhật Bản nắm giữ một vai trò tích cực hơn trên vũ đài thế giới:
"Chúng tôi là những đối tác hợp tác chặt chẽ với nhau trên trường quốc tế, chống Ebola, giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa cực đoan bạo động, loại trừ mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo và những nhóm khác thách đố chúng ta."
Ông Blinken đã phát biểu như thế không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trở về Washington sau chuyến công du Á châu để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho chiến lược tái cân bằng sang Á châu Thái Bình Dương, giữa lúc có những vấn đề cấp bách hơn như những vụ xung đột ở Yemen và Syria.
Ông Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản trước bất kỳ mối đe dọa nào mà Tokyo phải đối mặt, kể cả những quần đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông Trung Hoa:
"Chúng tôi đã nói rất rõ là chúng tôi chống đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm gây phương hại cho quyền quản lý hành chánh của Nhật Bản bằng bất cứ cách nào. Chúng tôi có quyết tâm tuân thủ hiệp ước an ninh và, như quí vị đã biết, quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước. Tổng thống Obama đã khẳng định điều đó khi ông đến thăm Trung Quốc."
Các nhà phân tích đồng ý với nhau rằng một lý do để tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ là mối lo ngại một ngày một tăng về tình hình an ninh trong khu vực Á châu Thái Bình Dương.
Ông Joshua Walker, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ đang làm việc tại một tổ chức nghiên cứu ở Washington là Quỹ German Marshall, nói rằng mối đe dọa của Trung Quốc đã làm cho Tokyo và Washington xích lại gần nhau nhiều hơn nữa:
"Nhiều thứ trong diễn tiến này là vì Trung Quốc mà ra. Đây là một điều mà ta có thể nói là “con voi trong căn phòng.” Những hành động hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông và trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm cho Nhật Bản xích lại gần hơn nhiều với Hoa Kỳ qua nhiều cách thức khác nhau."
Trong lúc có nhiều hoạt động được thực hiện để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm chính thức của Thủ tướng Abe vào ngày 28 tháng tư, Khối Hoa Kỳ-Nhật Bản cũng hoạt động lại tại Quốc hội Mỹ. Bắt đầu từ năm 2014, khối gồm 59 thành viên thuộc cả hai đảng này đã tập trung các nỗ lực để tăng cường sự hợp tác giữa hai nước trong các lãnh vực thương mại, phát triển và an ninh quốc gia.
Dân biểu Joaquin Castro, đồng chủ tịch Khối Hoa Kỳ-Nhật Bản, phát biểu như sau:
"Nhật Bản là đồng minh đáng tin cậy nhất của chúng ta trong vùng Thái Bình Dương, và trong lúc chúng ta tiến về phía trước, hai nước có chung một quyền lợi về nhân quyền, dân chủ, thương mại và trong việc làm thế nào để những giá trị chung của hai nước được truyền bá trên khắp thế giới."
Một vấn đề mà cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đang bận tâm là Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 nước thành viên. Ông Blinken nói hiệp định này là cần thiết mặc dù có sự chống đối vì mối lo ngại về việc mất đi công ăn việc làm.
"Vấn đề thật sự không phải là chúng ta có mua bán với nhau hay không mà là chúng ta giao thương với nhau như thế nào, và phải chăng chúng ta sẽ thực hiện hoạt động này với một cách thức giúp cho quyền lợi và giá trị của mình được thăng tiến."
Chính phủ Mỹ nói rằng TPP có thể giúp lượng hàng xuất khẩu trên thế giới gia tăng khoảng 305 tỉ đô la mỗi năm vào năm 2015. Các nhà lập pháp ở Washington đang tranh luận về việc có nên thông qua dự luật TPA (Trade Promotion Authority) để tổng thống có quyền thương thảo TPP một cách nhanh chóng hơn hay không.