Chính quyền tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt… “Đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch đến năm 2025”, đề án này là một phần của “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đề án vừa kể, Thanh Hóa sẽ chi khoảng… 43 tỉ đồng để mỗi khu du lịch trọng điểm, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam – thắng cảnh ở Thanh Hóa có ít nhất một nhà vệ sinh tiện ích, hiện đại, mang tính thẩm mỹ cao và phù hợp với định hướng phát triển du lịch (1). Tổng số nhà vệ sinh được đầu tư là 181, trung bình, mỗi nhà vệ sinh trị giá 237,5 triệu (2).
Có một điểm cần lưu ý là Thanh Hóa không phải địa phương đầu tiên soạn – phê duyệt đề án xây dựng “nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”. Nếu thử dùng google để tìm kiếm những đề án loại này, sẽ thấy Hà Nam đã triển khai đề án cùng loại từ 2014 và theo kế hoạch, đến 2016 đã chi xong 8,3 tỉ để trình làng 14 nhà vệ sinh, trị giá mỗi nhà vệ sinh khoảng 593 triệu, gấp đôi Thanh Hóa (3).
Cho đến giờ này những “nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch” không còn là công trình công cộng thuộc loại hiếm. Trên thực tế, từ khi đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ quan tâm đến chuyện hỗ trợ các cá nhân xả chất thải từ trong ra ngoài, đa số công chúng không cảm kích… ơn ấy. Thiên hạ hết phàn nàn về các nhà vệ sinh trị giá hàng tỉ ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thu phí quá cao, xuống cấp quá nhanh (4) đến chỉ trích những nhà vệ sinh cùng mục tiêu ở Hà Nội, Nha Trang,… thường xuyên đóng cửa, cài then vì thiếu người dọn dẹp, bẩn thỉu tới mức tuy có nhu cầu nhưng vẫn nhịn cho… lành (5).
Theo xu hướng ấy, tiểu tiện – đại tiện có lẽ vẫn còn là… đại sự lâu dài của… quốc gia. Lúc này, chuyện học sinh nhịn tiêu, nhịn tiểu trong suốt thời gian ở trường, nhà vệ sinh ở bệnh viện là… đại nạn, chính phủ phải giải trình trước quốc hội (7). Còn trong tương lai không xa, các dự án đầu tư “nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch” có tiềm năng lớn trở thành những… đại án.
Trên mạng xã hội, nhiều cá nhân, nhóm như “Mô tô học bổng” – từng tự tổ chức quyên góp, xây dựng một vài khu vệ sinh, hỗ trợ học sinh một số trường học đã so sánh những khu vệ sinh do họ đầu tư với bốn phòng (hai cho nam, hai cho nữ), mỗi suất đầu tư chưa tới 140 triệu đồng (8) với những nhà vệ sinh do chính quyền các địa phương như Thanh Hóa vừa quyết định đầu tư theo những “Đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”, kèm lời than: Ăn tới c… rồi (9)!
***
Trong thực tế, ăn tới c… không phải chuyện mới.
Hơn sáu thập niên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hơn bốn thập niên toàn Việt Nam “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn xem đại tiện, tiểu tiện là chuyện… nhỏ. Tới đầu thập niên 2010, các đoàn xe lửa vẫn chưa có nhà vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn văn minh chung của nhân loại. Nước tiểu, phân do hành khách thải ra được đưa trực tiếp xuống đường ray, trúng ai bên ngoài thì người đó… chịu (10). Oán giận các đoàn tàu, dân chúng cư ngụ hai bên tuyến đường sắt Bắc – Nam chỉ có một cách bày tỏ là lượm đá ném vào chúng.
Vào một ngày trời… không đẹp lắm, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt và Bộ Giao thông – Vận tải chợt ngộ ra, chuyện nhà vệ sinh trên các đoàn xe lửa chưa đạt… chuẩn là… cơ hội mà Tố Hữu từng đề cập trong “Bài ca mùa Xuân 61” (Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá. Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô. Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!). Thế là chính ngành đường sắt và Bộ Giao thông – Vận tải chủ động cung cấp cho báo giới những thông tin hết sức ấn tượng như: Mỗi ngày, các đoàn xe lửa xuyên Việt xả dọc tuyến đường sắt Bắc Nam bốn tấn… phân tươi và 6.000 lít… nước tiểu!
Những thông tin kiểu đó giống như liệng bom, bắn pháo dọn đường cho “Dự án lắp thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách” trị giá 300 tỉ đồng. Dự án được thử nghiệm năm 2013, chính thức được triển khai năm 2014, được Tổng công ty Đường sắt VN (ĐSVN) phê duyệt vào đầu năm 2014. Tính tới cuối năm 2015 đã chi hết 168 tỉ để lắp đặt 821 bộ thiết bị vệ sinh, chi phí cho một bộ thiết bị vệ sinh khoảng 230 triệu đồng (tương đương 10.000 Mỹ kim/bộ). Đến cuối năm rồi, “Dự án lắp thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách” được nhiều tờ báo mô tả là thảm họa cho cả hành khách lẫn nhân viên phục vụ trên các đoàn xe lửa không chỉ vì bẩn thỉu mà còn hôi thối khủng khiếp (10).
Có ai chịu trách nhiệm trước tình trạng “thiết bị vệ sinh ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn Âu - Mỹ” mà ai cũng sợ, cực chẳng đã mới dám dùng không? Tất nhiên là không!
***
Trước tình trạng rừng núi, sông biển tan hoang, công thổ, công thự thi nhau đổi chủ, vô số dự án, công trình thuộc đủ mọi lĩnh vực được triển khai và chỉ tạo ra nợ, chẳng đem lại lợi ích thiết thực nào cho quốc kế, dân sinh, nhiều người Việt thở dài, nhắc lại điều bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khái quát hồi 2013: “Ăn của dân không từ thứ gì!”. Theo logic đó, mới đây, trước khuynh hướng, soạn – duyệt – triển khai các “Đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du lịch” sẽ trở thành… phong trào, một số người than, hình như đã tới thời điểm các viên chức hữu trách ăn cả c…
Nhận định như thế vừa không… nhã, vừa chưa… chính xác. Không chỉ trước mà nay, khi các đại án càng ngày càng tăng về số lượng đã có bao nhiêu viên chức hữu trách bị truy cứu trách nhiệm vì tham nhũng, nhận hối lộ? Gần như là không có viên chức hữu trách nào bị xác định là cần trừng phạt bị cáo buộc vì đã “ăn bậy, ăn bạ” cả. Họ không “ăn” mà chỉ nhân danh. Sau khi đã nhân danh đủ thứ cao đẹp, giờ tới giai đoạn nhân danh những thứ bẩn tưởi để tiếp tục “gom góp dựng cơ đồ” cho mình và cho các đồng chí đồng đảng. Thế thôi!
Chú thích
(6) https://www.nguoiduatin.vn/nha-ve-sinh-bac-ty-va-noi-lo-lang-phi-a413669.html
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2300021703352019&set=a.591478330873040&type=3&theater
(9) https://www.facebook.com/binhluu.luubinh/posts/2015712728521136
(10) http://plo.vn/do-thi/mat-toi-ca-tram-ty-dong-toilet-tau-lua-van-hoi-726467.html