Trong khi nhiều người đang vận động Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đưa cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc năm 1979 vào sách giáo khoa sắp tới để bổ sung kiến thức lịch sử được xem là cơ bản cho học sinh, thì một sự cố nhầm lẫn nhân vật lịch sử trong chương trình đầu năm của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) càng khiến cho dư luận thêm bức xúc và lo lắng về một nền giáo dục đang rỗng dần đi. Khánh An có bài tường trình.
Trong chương trình S-Vietnam với chủ đề “Đầu năm vãn cảnh đình Hàng Kênh” được phát sóng trên kênh VTV1 ngày 19/2, phần giới thiệu có đoạn đối đáp giữa 2 MC như sau:
"Huyền ơi, đố em biết vị tướng nào đã đánh thắng quân Nguyên Mông 3 lần và đã có một trận chiến rất lẫy lừng trên sông Bạch Đằng?"
"Chắc chắn là Ngô Quyền rồi, điều này thì người Việt Nam nào cũng biết", nữ MC trả lời.
Người xem ngay sau đó đã phản ánh nhầm lẫn của nữ MC người Việt giữa sự kiện nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, mà người chỉ huy trực tiếp là Trần Hưng Đạo và các minh quân, tướng lĩnh họ Trần; và Ngô Quyền là người lập công trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.
Nhận xét về nhầm lẫn của VTV, chị Kim Tiến ở Hà Nội nói:
“Một sự kiện lịch sử lớn như vậy, được học trên ghế nhà trường từ những lớp nhỏ, mà chương trình đài truyền hình lớn lại có thể nhầm lẫn như vậy thì rất buồn cười và đáng phải lên án ban biên tập.”
Một sự kiện lịch sử lớn như vậy, được học trên ghế nhà trường từ những lớp nhỏ, mà chương trình đài truyền hình lớn lại có thể nhầm lẫn như vậy thì rất buồn cười và đáng phải lên án ban biên tập.Chị Kim Tiến ở Hà Nội nói.
Một người bình luận trên trang mạng Vietnamnet cho rằng: “Những người làm đoạn phim này đều là những người lớn cả mà còn sai khủng về lịch sử thế này, làm cho tôi là thường dân (loại người cũ kỹ) còn thấy bức xúc. Chắc các nhà sử học còn bức xúc hơn nhiều! Và VTV chắc chẳng còn gì để trách trẻ em nước Việt mình “dốt lịch sử” nữa!”. Trong khi đó, một người khác cũng nhận xét qua trang mạng trên: “Đó không gọi là nhầm lẫn, đó là một sai phạm nghiêm trọng về lịch sử”.
Từ Hà Nội, nhà giáo Phạm Toàn nói với VOA rằng ‘nhầm lẫn’ thường xuyên xảy ra trong các chương trình của VTV và nó cho thấy những người thực hiện chương trình đã làm việc một cách ‘vô hồn’ và ‘vô cảm’.
“Làm một việc là phải làm từ tâm hồn của mình. Còn họ làm như là một công chức, cho nên Nguyễn Trãi hay Ngô Quyền hay Trần Hưng Đạo đối với họ là vô nghĩa."
Ngày 21/2, Công ty TNHH truyền thông Chuyển động, đơn vị liên kết sản xuất chương trình S-Vietnam, đã lên tiếng nhận sai sót và cam kết ‘sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về quy trình sản xuất, biên tập nội dung’ của chương trình S-Vietnam.
Một xã hội có nhà trường mà không có học, có thầy giáo mà không có dạy, có học sinh mà không có học, có trí tuệ mà không có kiến thức, có kiến thức mà không có tâm hồn. Một xã hội rỗng!Nhà giáo Phạm Toàn nói.
Nhưng sự kiện lần này, cùng với những vụ sai sót khác trước đây trên truyền thông, một lần nữa khiến một số nhà giáo dục lo ngại về hiện trạng giáo dục mà theo lời nhà giáo Phạm Toàn là ‘rỗng’.
Theo ông, những sự việc như trên tuy có khuấy động đôi chút trên mạng xã hội, nhưng trên thực tế, nó chỉ khiến một số người ‘có học’, ‘có tâm hồn’ cảm thấy khó chịu mà thôi. Số đông còn lại trong xã hội vẫn im lặng và không quan tâm.
“Một xã hội có nhà trường mà không có học, có thầy giáo mà không có dạy, có học sinh mà không có học, có trí tuệ mà không có kiến thức, có kiến thức mà không có tâm hồn. Một xã hội rỗng!”.
Chị Kim Tiến chia sẻ nỗi lo của hai vợ chồng chị khi con chị sắp bước vào tuổi đến trường:
“Nền giáo dục hiện nay không đưa con người tiến bộ lên mà nó đang làm suy thoái đạo đức, em cảm thấy nền giáo dục càng ngày càng đi xuống. Khi vợ chồng em có con, tụi em rất trăn trở về việc cho con đi học. Thậm chí có những lúc hai vợ chồng còn nghĩ là không cho bé đi học nữa và để ở nhà tự dạy, vì cảm thấy nếu cho con mình vào một nền giáo dục sai lầm thì nó sẽ phá hủy cả cuộc đời của nó.”
Nền giáo dục hiện nay không đưa con người tiến bộ lên mà nó đang làm suy thoái đạo đức, em cảm thấy nền giáo dục càng ngày càng đi xuống. Tụi em rất trăn trở về việc cho con đi học. Thậm chí có những lúc hai vợ chồng còn nghĩ là không cho bé đi học nữa và để ở nhà tự dạy, vì cảm thấy nếu cho con mình vào một nền giáo dục sai lầm thì nó sẽ phá hủy cả cuộc đời của nó.Chị Kim Tiến chia sẻ cảm nghĩ.
Mối lo của vợ chồng chị Kim Tiến xuất phát từ kinh nghiệm của chính bản thân.
“Tại vì em nhìn vào nền giáo dục hiện nay sau khi đào tạo xong, ra trường, thì hầu hết, như thế hệ bọn em, là bị mất gốc, không còn nhớ về cội nguồn lịch sử, cội nguồn dân tộc, không biết về tình hình xã hội, đất nước ra sao, mà chỉ cần một tấm bằng để có thể ra trường kiếm được việc. Điều đó làm cho một thế hệ suy thoái.”
Trước đó vào tháng 11/2015, một dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đưa ra chủ trương tích hợp môn học Lịch sử với các môn học khác, khiến dư luận và nhiều đại biểu lên tiếng phản đối gay gắt vì cho rằng đó là một cách khai tử môn học Lịch sử.
Gần đây, một số sự kiện lịch sử như cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc năm 1979, mà nhiều người cho là đã bị lãng quên trong một thời gian dài, cũng đã được đề nghị đem vào sách giáo khoa sắp biên soạn.
Trả lời báo chí trong nước hôm 22/2, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Vinh Hiển, cho hay bộ này "sẽ xem xét để đưa nội dung về các cuộc chiến vào sách giáo khoa với dung lượng phù hợp."