Một di dân gốc Việt trẻ tuổi vượt khó vươn lên thành một nhà thiết kế thời trang thành công ở Mỹ đem tài năng đóng góp cho xã hội để cảm ơn đất nước cưu mang mình và giúp đỡ những người Việt còn kém may mắn trong cộng đồng. Đó là câu chuyện về nhà thiết kế thời trang Thái Nguyễn ở bang California và các buổi trình diễn gây quỹ cho BPSOS, tổ chức phi lợi nhuận của người Việt phục vụ cộng đồng Việt Nam ở Mỹ và hoạt động nhân đạo, cổ xúy nhân quyền và xã hội dân sự cho Việt Nam có trên chục văn phòng ở Hoa Kỳ và Châu Á.
Chuyến lưu diễn với sứ mạng từ thiện của nhà thiết kế Thái Nguyễn mang tên ‘Những con tim Say đắm’ kéo dài từ 16/10 đến 21/11 đi qua 5 thành phố lớn của các tiểu bang trên nước Mỹ gồm California, Texas, Georgia, và Virginia.
Toàn bộ doanh thu của các buổi trình diễn Bộ Sưu Tập Xuân-Hè 2015 sẽ được trao tặng cho Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện xã hội bao gồm giúp nạn nhân bị bạo hành gia đình, cứu nạn nhân buôn người, giúp đỡ người già và trẻ em, và phát triển khả năng lãnh đạo cho giới trẻ gốc Việt ở Mỹ.
Thái Nguyễn sinh năm 1980 tại Việt Nam. 13 tuổi, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư để mưu tìm một tương lai tươi sáng hơn. Những khó nhọc ban đầu trên đất Mỹ đã rèn luyện cho anh tinh thần và nghị lực vững chắc để thực hiện giấc mơ thành danh trên thương trường thời trang đầy cạnh tranh ở Mỹ.
Chàng sinh viên Việt Nam phải làm ba công việc lao động chân tay mỗi ngày ngoài giờ lên lớp để có đủ tiền trang trải các chi phí khi bước vào trường thời trang giờ đây đã trở thành một nhà thiết kế cho các nghệ sĩ nổi tiếng kể cả các tài tử Hollywood với nhiều tác phẩm được xuất hiện trên các tạp chí thời trang danh tiếng quốc tế, một người dẫn chương trình hoạt bát trên kênh Vietface của Trung tâm Thúy Nga Paris By Night, và một cộng tác viên kiêm diễn viên của các chương trình truyền hình thực tế trên kênh Bravo của Mỹ.
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ Thái Nguyễn để nghe câu chuyện thành công của chàng trai gốc Việt đa tài và những buổi trình diễn của anh kết hợp vẻ đẹp bên ngoài với nét đẹp tâm hồn trước khi anh đặt chân tới khu vực thủ đô vào cuối tháng này để khép lại tour gây quỹ xuyên bang tại thành phố Falls Church của Virginia.
Thái Nguyễn: Thái đã ra trường thời trang tại California ở Hollywood khoảng 10 năm trước. Sau đó, em đã làm cho hãng thời trang BCBG hai năm rưỡi. Sau đó, em may mắn được cộng đồng Việt Nam ủng hộ qua những trung tâm ca nhạc Asia, Vân Sơn, và Thúy Nga Paris By Night. Bây giờ em cũng đang cộng tác với đài Vietface TV của Thúy Nga. Thời trang là một đam mê rất mạnh mẽ trong máu của em. Gia đình em có trường dạy cắt may ở Việt Nam. Em đã bước lên bàn máy may khi 9 tuổi. Sau khi có thương hiệu Thái Nguyễn, mỗi năm em ra hai bộ sưu tập Xuân Hè và Thu Đông. Em hay trình diễn các chương trình thời trang chuyên nghiệp này trên Hollywood cho truyền thông và báo chí. Kỳ này, em muốn làm một chương trình ý nghĩa hơn. Ba mẹ em dạy em khi thành công phải nhớ đến những người kém may mắn hơn để giúp họ.
Đó là lý do em muốn làm một chương trình chung với BPSOS, em muốn đóng góp lại cho cộng đồng người Việt ở Mỹ đã ủng hộ em từ buổi đầu em vào nghề. BPSOS có nhiều chương trình khác nhau giúp đỡ cộng đồng. Trong đó có một chương trình giúp bạn trẻ từ Việt Nam mới qua, các bạn thiếu may mắn hay đi sai đường. BPSOS giúp các bạn có bằng đi kiếm việc làm hay tìm lại cơ hội thứ hai của mình. Em rất ủng hộ. BPSOS có nhiều chi nhánh trên nước Mỹ để giúp rất nhiều cộng đồng người Việt.
Trà Mi: Vì sao trọng tâm anh quan tâm là người trẻ?
Thái Nguyễn: Em là một người trẻ. Em nghĩ thế hệ tương lai rất quan trọng. Các bạn kém may mắn hơn em có thể là một Thái Nguyễn trong tương lai. Em chỉ mong giúp các bạn để cộng đồng Việt Nam mình phong phú, vững mạnh hơn.
Trà Mi: Với chuyến lưu diễn vừa phục vụ cho vẻ đẹp bên ngoài, vừa thể hiện một cử chỉ đẹp về tâm hồn và trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, tác giả của ‘Những trái tim Say đắm’ muốn nói điều gì với những người nhận được sự san sẻ của anh và với những người trẻ đồng trang lứa trong xã hội?
Thái Nguyễn: Những bạn nào đã thành công, xin có cùng suy nghĩ với Thái, nên nghĩ về cộng đồng một chút để giúp các bạn khác kém may mắn hơn mình. Với các bạn chưa thành công, các bạn đừng nản chí vì mình đang sống ở nước Mỹ, một đất nước rất tự do. Mình đã qua đây rồi, hãy cố gắng, chịu cực và kiên nhẫn.
Trà Mi: Anh có dự kiến đường dài cho các buổi trình diễn từ thiện này chăng?
Thái Nguyễn: Khi mình làm việc gì bỏ hết tâm huyết của mình, mình sẽ không làm một lần vì như vậy sẽ rất uổng. Em sẽ tiếp tục làm nữa. Glamorous Heart là chương trình kết hợp làm đẹp cho người và làm đẹp cho đời. Mỗi năm em sẽ làm hai lần vì mỗi năm em đều ra hai bộ sưu tập.
Trà Mi: Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam ngày nay không thiếu các buổi trình diễn văn nghệ hay thời trang nhưng các sự kiện này mang tính phi lợi nhuận, từ thiện, hay thiện nguyện xã hội thì chưa mấy nhiều hoặc đều đặn. Là người hoạt động trong lĩnh vực showbiz, nghệ thuật anh có suy nghĩ gì về điều này? Phải chăng thiếu ý tưởng đó, hay thiếu người đứng ra tổ chức (bầu show) hay sự hưởng ứng đóng góp chưa nhiều?
Thái Nguyễn: Theo em nghĩ, thiếu sự hưởng ứng.
Trà Mi: Anh thấy việc hướng tới các sự kiện phục vụ cộng đồng hữu ích thế nào, cần thiết ra sao cho xã hội và cho bản thân?
Thái Nguyễn: Rất nhiều hữu ích vì khi mình được cơ hội mình cũng muốn các bạn trẻ có được cơ hội như mình. Em nghĩ cần có nhiều và thường xuyên những chương trình như thế này. Em khuyến khích nên có thêm những chương trình thế này mang lại hữu ích cho cộng đồng Việt Nam.
Trà Mi: Trong giới trẻ có nhiều người suy nghĩ chỉ có thể phục vụ cộng đồng khi thành danh, thành công còn chưa tới mức đó thì chuyện từ thiện coi như để tính sau. Anh có từng suy nghĩ như vậy? Với những người có quan niệm như vậy, anh nghĩ sao?
Thái Nguyễn: Điều đó thực tế chứ chị vì mình chưa thành công, không đủ kinh tế cũng đâu thể làm được. Không cần phải giàu có, nhưng mình cũng phải nghĩ thực tế một chút. Ví dụ tour diễn từ thiện của em nhất định sẽ thành công về mặt tinh thần, nhưng về mặt kinh tế, em chưa chắc chắn. Nếu không có sự ủng hộ, làm sao em có sự thành công về mặt kinh tế, mà em chưa thành công, chưa thoải mái với cuộc sống của em thì làm sao mà em làm ra những chương trình từ thiện như vậy. Cho nên, với những bạn trẻ có suy nghĩ như vậy, em nói đó là thực tế. Thái Nguyễn cũng đã từng suy nghĩ như vậy, nhưng ý em muốn nói mình nên đề ra mục tiêu cho mình để vươn tới.
Trà Mi: Những khó khăn đối với một nhà thiết kế Việt trên thương trường thời trang đa dạng, đầy cạnh tranh ở Mỹ như thế nào?
Thái Nguyễn: Đường đi của em cũng dài lắm, nói không hết được. Nhưng khi mình có đam mê rồi, không còn biết cực nhọc là gì. Cuộc sống của em tuy một mình rất nhiều, nhưng không bao giờ em tuyệt vọng, luôn tin rằng khi một cánh cửa này đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra. Khi mình tuyệt vọng dừng chân tại chỗ là mình tự hại mình. 10 năm làm việc của em không dài nhưng em cứ đi từng bước một, khả năng mình tới đâu mình sẽ làm tới đó. Về chất xám sáng tạo thì em có rất nhiều, nhưng về tiền bạc thì thật sự không có nhiều đâu vì ¾ đầu óc em là nghệ thuật, chỉ có ¼ là kinh doanh thôi. Cho nên, em làm vì nghệ thuật và cái nghệ thuật đó là vô giá. Còn thật sự về kinh tế, thu nhập thì không nhiều vì khi mình làm những bộ trang phục đặc biệt có một không hai không nhiều tiền bằng khi mình làm hàng loạt như các thương hiệu H&M hay Forever 21. Đó là những nơi sẽ làm rất nhiều tiền. Nhưng em không đi vô lĩnh vực đó đó vì cần có một đội ngũ mạnh và vốn rất lớn. Bây giờ em chỉ nuôi sống đam mê của mình bằng sự ủng hộ của quý vị và của các anh chị em nghệ sĩ từ các trung tâm băng nhạc.
Trà Mi: Nhiều người trẻ cho rằng bước vào ngành thời trang dù có óc sáng tạo mà không có tiền để theo đuổi nó thì chắc cũng không thành công. Là người đi trước, anh thấy suy nghĩ này có đúng không?
Thái Nguyễn: Cái đó sai hoàn toàn. Gia đình Thái khi bước qua Mỹ bắt đầu từ đầu, không có tiền đâu, sáng vô hãng may, tới chiều đi học tiếng Anh, tối còn phải đi làm lau dọn các cao ốc để lo cho em ăn học. Mình có đam mê thời trang là một lẽ, nhưng phải nhẫn nại tìm nét riêng cho mình. Có rất nhiều bạn cũng học trong ngành thời trang với em con của nhà giàu nhưng cuối cùng không làm được vì họ nghĩ tiền mua được hết, mua được phong cách thời trang riêng cho mình. Không được, cái đó từ trái tim mình ra.
Trà Mi: Với thành công hôm nay, chắc chắn anh phải có những gian nan khổ cực ban đầu, nếu không phải là phút đầu vào ngành thời trang thì cũng là phút đầu đặt chân tới Mỹ. Là một người trẻ thành công trên đất Mỹ, nhìn lại quãng đường đã nếm trải để có được hôm nay, anh nhớ nhất những kinh nghiệm nào?
Thái Nguyễn: Khi em qua Mỹ, em sống ở một thành phố rất nhỏ ở Washington. Ba mẹ em cứ muốn em theo nghề nào vững chắc như làm kế toán chẳng hạn. Nhưng em nhất quyết xin đi học nghề này. Năm em ra trường lớp 12, em đi làm ba công việc hằng ngày. Từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa, em làm việc trong một chợ thức ăn của Mỹ. Từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối, em làm cho Jo-Ann Fabric đứng cắt vải cho người ta. Từ 9 đến 11 giờ khuya, em làm cho một nhà hàng Tàu đứng đóng gói đồ ăn. Khi vào đại học, một tuần em học có ba ngày thôi, còn bốn ngày kia em phải đi làm. Cho nên, tiền bạc không quan trọng mà cái chí của mình là quan trọng nhất. Vì tương lai của em trong một đất nước tự do, ba mẹ em đã bỏ hết tất cả ở Việt Nam để sang đây. Vì vậy, dù có cực nhọc, em cũng không thể nhìn ngược lại mà phải nhìn phía trước để tiến tới. Đó là động lực của em.
Trà Mi: Là một trong những người Việt thành danh trên đất Mỹ sau những vất vả bươn chải trong cuộc mưu tìm cuộc sống mới, anh có suy nghĩ gì về những thành tựu của cộng đồng người Việt hải ngoại sau 40 năm tị nạn hải ngoại?
Thái Nguyễn: Em thấy rất nhiều người Việt Nam thành công. Thứ nhất, mình đã được qua một đất nước tự do. Thứ hai, có quá nhiều điều kiện. Thứ ba, sự kiên nhẫn của người Việt. Tất cả những yếu tố đó đã làm cho người Việt rất thành công. Đối với Thái, Thái muốn cảm ơn nước Mỹ đã cho Thái rất nhiều, cho Thái có được cuộc sống như bây giờ. Thái muốn đóng góp lại cho cộng đồng người Việt đang sống tại Mỹ đã nuôi sống đam mê của Thái, đã ủng hộ Thái.
Trà Mi: Rất cảm ơn anh Thái đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay. Xin chúc anh nhiều thành công trên những chặng đường kế tiếp.
Thái Nguyễn: Em cảm ơn chị. Cuộc trò chuyện này rất ý nghĩa, một kỷ niệm mà em sẽ nhớ. Em cũng xin cảm ơn quý vị thính giả đã nghe Thái tâm sự. Đây là những điều thành thật từ đáy lòng. Nếu nó chạm vào trái tim quý vị, rất mong quý vị đến với đêm trình diễn sắp tới của Thái Nguyễn.
Trà Mi: Quý thính giả muốn dự các buổi trình diễn trong chuyến gây quỹ từ thiện của Thái Nguyễn tại Atlanta (Georgia) vào ngày 14/11, xin gọi chi nhánh BPSOS ở số điện thoại 770-458-6700. Để mua vé xem xuất diễn ngày 21/11 ở Falls Church (Virginia), vui lòng liên hệ văn phòng BPSOS tại số 703-538-2190. Tạp chí Thanh Niên VOA hẹn mang đến quý vị và các bạn một câu chuyện mới vào tuần sau.