Trung Quốc hôm nay loan báo nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh sẽ sang Việt Nam vào tuần tới, sau 5 tháng kể từ chuyến thăm lần trước trong lúc nổ ra căng thẳng giàn khoan Hải Dương 981.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sẽ có mặt tại Việt Nam đầu tuần sau để thảo luận về hợp tác song phương Việt-Trung, nhưng không nêu rõ chi tiết.
Reuters hôm nay dẫn lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả tranh chấp hiện tại giữa đôi bên là ‘khó khăn tạm thời’ đã được giải tỏa hợp lý.
Bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc tin rằng duy trì sự phát triển lành mạnh của mối quan hệ song phương phù hợp với lợi ích của cả hai nước.
Tháng 6 vừa qua, ông Dương Khiết Trì đã đến Việt Nam sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Hà Nội có tuyên bố chủ quyền.
Chuyến đi của ông lần này diễn ra không bao lâu sau khi lãnh đạo đôi bên nhất trí giải quyết và kiểm soát tranh chấp lãnh hải một cách thỏa đáng và sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sang Trung Quốc từ ngày 16 đến 18 tháng này.
Mới hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng ‘kiên quyết’ phản đối hành động thay đổi hiện trạng ở Biển Đông trước việc Trung Quốc đang xây sân bay trên đảo Chữ Thập và mở rộng bãi đá Chữ Thập thành đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa.
Phó phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng nói mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị.
Trả lời câu hỏi của báo giới rằng trong chuyến thăm của phái đoàn quân sự cấp cao Việt Nam mới đây Trung Quốc có đáp yêu cầu giữ nguyên hiện trạng Biển Đông hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hôm 20/10 nói : “Hứa thì bạn không hứa nhưng nói chung hai bên đều thống nhất phải thực hiện DOC – nghĩa là không mở rộng, làm phức tạp thêm tranh chấp.”
Gần đây, tin cho hay Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động xây dựng ở các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Ken Nan, Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa trong nỗ lực bành trướng chủ quyền ở Biển Đông.
Việt Nam nói có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền ở Trường Sa-Hoàng Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trọn vẹn Biển Đông với bản đồ đường lưỡi bò gây tranh cãi.
Nguồn: Reuters/Xinhua/IBB Times