Hơn chục nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đề cử nhà hoạt động của phong trào dân chủ và là lãnh tụ sinh viên nổi tiếng nhất của Hong Kong, anh Joshua Wong, làm ứng viên nhận Giải Nobel Hòa bình năm nay, một động thái chắc chắn làm Bắc Kinh nổi giận.
Với việc đề cử anh Wong, 21 tuổi, cùng các bạn đồng chí hướng là Nathan Law, 24 tuổi, và Alex Chow, 27 tuổi (những người đã đứng ra lãnh đạo hàng ngàn sinh viên tại Hong Kong trong cuộc biểu tình đòi dân chủ lớn nhất vào năm 2014), các nhà lập pháp Mỹ muốn công nhận “những nỗ lực ôn hòa của họ nhằm mang lại cải cách chính trị và quyền tự trị cho Hong Kong.”
Những cuộc biểu tình mà chính phủ Trung Quốc và Hong Kong xem như bất hợp pháp, là một phần của cuộc nổi dậy dân túy gây ra những thách thức to lớn nhất đối với Bắc Kinh trong nhiều thập niên.
Đề cập đến quyền tự quyết chắc chắn làm nhà cầm quyền Bắc Kinh và Hong Kong nổi giận vì họ cho rằng việc này không phù hợp với nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” mà trung tâm tài chánh châu Á này được quản trị.
“Những người bênh vực dân chủ tại Hong Kong đã có những đóng góp đáng kể cho hòa bình bằng cách tích cực mưu tìm một tương lai đảm bảo cho Hong Kong vào chính thời điểm mà Bắc Kinh có những bước phá hoại sự tự trị ấp ủ lâu nay của Hong Kong,” 4 đảng viên Dân chủ và 8 đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, trong đó có cựu ứng cử viên Tổng thống Marco Rubio, trình bày với Ủy ban Giải Nobel Hòa bình trong một bức thư.
Nếu được giải, anh Wong sẽ là người trẻ thứ hai được Giải Nobel Hòa bình sau Malala Yousafzai, người Pakistan đoạt giải này vào năm 2014 khi mới 17 tuổi. Khôi nguyên thắng giải sẽ được loan báo vào tháng 10 năm nay.
Kể từ khi Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997, vùng đất này được cai trị theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” và Trung Quốc hứa cho Hong Kong được tự trị và tự do nhiều hơn mà người dân Hoa lục không được hưởng.
Hàng người biểu tình, nhiều người dùng dù để tự vệ trước hơi cay của cảnh sát, đã cắm trại trên những xa lộ chính trong suốt 79 ngày vào cuối năm 2014, khiến thế giới chú ý.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình đa phần ôn hòa này đã không áp lực được nhà cầm quyền Hong Kong và Bắc Kinh cho phép Hong Kong được hoàn toàn dân chủ.
Ba nhà lãnh đạo trẻ đã bị giam cầm trong nhiều tháng trời và bản thân anh Wong đang đối mặt với hai phiên phúc thẩm với các án tù.
Anh Wong nói anh hy vọng đề cử dành cho anh sẽ mang lại thêm sức mạnh cho phong trào dân chủ ở Hong Kong.
Anh Wong nói: “Tôi tin là sự đề cử này sẽ cho cộng đồng thế giới và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, thấy rằng thế hệ trẻ sẽ kiên trì đấu tranh cho dân chủ tới mức nào, cho dù chúng tôi phải đối mặt với tù đày và bị cấm vĩnh viễn không được bước vào vị trí công cử nào.