Đường dẫn truy cập

Nhà hoạt động Thái đoạt giải nhân quyền Hàn Quốc


Sinh viên luật Jatupat Boonpattararaksa, và cha Viboon Boonpattararaksa tại Bangkok, Thái Lan. (ảnh chụp ngày 8/7/2015)
Sinh viên luật Jatupat Boonpattararaksa, và cha Viboon Boonpattararaksa tại Bangkok, Thái Lan. (ảnh chụp ngày 8/7/2015)

Một sinh viên luật của Thái bị bắt vì chia sẻ trên Facebook một bài viết chỉ trích tân vương Thái Lan được trao giải nhân quyền danh giá nhất của Hàn Quốc năm nay.

Ban tổ chức Giải Nhân quyền Gwangju cho biết cha mẹ của Jatupat "Pai Dao Din" Boonpattararaksa sẽ đại diện để nhận giải trong một buổi lễ tại thành phố Gwangju.

Cảnh sát Thái Lan bắt anh Jatupat vào tháng 12 năm ngoái về tội chia sẻ một bài viết về Vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkunan được ban Thái ngữ của dài BBC đưa lên Facebook. Bài viết đề cập đến đời tư của Vua thời còn là thái tử, trong đó có những chi tiết về 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ của ông dẫn tới ly dị cùng những tài liệu khác mà truyền thông Thái Lan bị cấm không được loan tải.

Theo luật Thái Lan, phỉ báng hoàng gia là một tội có thể bị tù từ 3 đến 15 năm. Phe chỉ trích nói Thái Lan sử dụng luật này để bóp nghẹt những người bất đồng chính kiến.

Bà Busadee Santipitaks, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan, nói Bangkok không có phản ứng cụ thể nào về giải thưởng này.

Sinh viên Jatupat bị truy tố vào tháng 2 năm nay và bị bác bỏ đơn xin tại ngoại một vài lần. Jatupat là người duy nhất bị truy tố trong vụ đăng tải bài viết vừa kể dù có tới 3000 lượt chia sẻ bài đó. Anh là một thành viên có uy tín của Dao Din, một tổ chức sinh viên nhỏ nổi tiếng về những hoạt động cổ súy cho quyền lợi của cộng đồng tại miền đông bắc Thái Lan.

Anh Jatupat bị nhà cầm quyền Thái Lan theo dõi chặt chẽ kể từ tháng 12 năm 2014, khi anh và một số thành viên Dao Din chào bằng ba ngón tay, một cử chỉ phản đối bắt chước phim “The Hunger Games” khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đọc diễn văn. Ông Prayuth Chan-ocha là người đứng đầu hội đồng quân nhân lên cầm quyền trong một cuộc đảo chánh trước đây 6 tháng.

Anh Jatupat cũng nằm trong số hơn một chục sinh viên bị bắt giam 12 ngày hồi tháng 6 năm 2015 vì tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ.

Quỹ Tưởng niệm 18/5, cơ quan tổ chức Giải Gwangju, trong một tuyên bố nói rằng “sức mạnh, lòng can đảm và cuộc tranh đấu bất khuất” của Jatupat chứng tỏ anh “sẵn sàng hy sinh sự an toàn và tương lai của anh để bảo vệ dân chủ và những quyền và tự do của người dân Thái Lan.”

Giải trao tặng cho những đóng góp về nhân quyền và dân chủ được thành lập vào năm 2000 nhằm vinh danh một cuộc nổi dậy đòi dân chủ tại Gwangju vào tháng 5 năm 1980 mà chế độ dộc tài quân sự lúc bấy giờ đã đàn áp dã man làm hàng trăm người thiệt mạng.

Một giới chức thuộc Quỹ Tưởng niệm 18/5 cho biết đã yêu cầu nhà cầm quyền Thái Lan trả tự do cho anh Jatupat để anh có thể đích thân nhận giải này, nhưng chính phủ Thái Lan, qua tòa đại sứ của nước này tại Hàn Quốc đã từ chối, viện dẫn lý do Thái Lan xử lý thích đáng anh Jatupat căn cứ trên luật pháp nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG