Đường dẫn truy cập

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh mãn hạn tù sau phiên tòa ‘xử kín’


Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Huỳnh Ngọc Chênh sáng ngày 7/10/2024. Facebook Huynh Ngoc Chenh.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh và ông Huỳnh Ngọc Chênh sáng ngày 7/10/2024. Facebook Huynh Ngoc Chenh.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập quỹ từ thiện 50K, vừa mãn hạn tù sáng ngày 7/10 sau một phiên tòa mà gia đình gọi là “xử kín” và một phần dường như nhờ áp lực mạnh mẽ của quốc tế.

“Vì bị xử kín và Hạnh đã từ chối luật sư, nên không có luật sư bào chữa. Tôi không hiểu vì sao phải xử kín như vậy”, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Hạnh, trao đổi với VOA hôm 7/10.

Ông Chênh cho hay vợ ông đã bị xét xử kín vào ngày 31/7/2024 về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.

Bà bị kết án 3 năm 6 tháng tù, gần bằng thời gian bị tạm giam, vì vậy chỉ hơn 2 tháng sau bản án, bà được ra tù.

“Mức án 3 năm rưỡi này so với các mức án của bạn bè khác của Hạnh từ 5-7-10 năm thì mức án này tương đối nhẹ hơn”, ông Chênh nhận xét.

“Còn xét về bình diện chung thì tất cả mọi người cũng chẳng ai có tội gì hết ngoài tội yêu nước, và tội lo hoạt động xã hội dân sự, chứ họ chả có tội gì hết”, vẫn lời ông Chênh.

VOA đã liên lạc với Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho biết thông tin về phiên tòa xử bà Hạnh, cũng như về lý do xử kín bà, nhưng chưa được trả lời.

“Tôi đã về nhà trong vòng tay thân ái của bè bạn, người thân. Thật cảm động không lời nào tả xiết”, bà Hạnh viết trên Facebook cá nhân hôm 7/10.

“Thời gian qua, những lúc tăm tối nhất ở trại giam hoặc trong bệnh viện khi đối mặt với căn bệnh tinh thần quái ác, tôi lại nghĩ đến anh chị em, bè bạn, cô bác ở ngoài đang dành hết tình cảm cho tôi, tin tưởng tôi”, nhà hoạt động ở Hà Nội bày tỏ. Bà được chẩn đoán là mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn hai từ tháng 1/2024.

Bà Hạnh, 61 tuổi, là nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và gây quỹ từ thiện bị chính quyền Việt Nam bắt giam hồi tháng 4/2021. Qũy từ thiện 50K của bà có mục đích ban đầu là kêu gọi cộng đồng đóng góp trả phí luật sư cho các nhà hoạt động xã hội, về sau còn giúp đỡ tù nhân lương tâm và gia đình họ. Bà cũng từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam năm 2016.

Áp lực quốc tế

Trong thời gian 3 năm rưỡi qua, khi nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh phải chuyển qua chuyển lại giữa trại gian và viện Tâm thần Trung ương, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền, Uỷ ban Thụy sĩ-Việt Nam (Cosunam), The 88 Project, Tổ chức Quốc tế Chống Tra tấn, và giới lập pháp một số nước liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà.

Ngay sau khi bà Hạnh được về nhà ở Hà Nội hôm 7/10, nữ Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel viết trên trang X: “Sau áp lực toàn cầu, nhà hoạt động và bệnh nhân ung thư Nguyễn Thúy Hạnh đã được trả tự do tại Việt Nam. Bây giờ bà ấy có thể được điều trị với sự bao bọc của những người thân yêu”.

“Khi chúng ta đón mừng tin này, chúng ta cũng phải đấu tranh cho những tù nhân lương tâm khác vẫn đang bị giam giữ oan trái ở Việt Nam”, nữ dân biểu đại diên cho khu vực bầu cử 45 ở bang California kêu gọi.

Trước đó, ngoài bà Steel, Thượng Nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải cũng đã kêu gọi giới lãnh đạo Hà Nội phóng thích bà Hạnh.

“Do sự quan tâm của quốc tế đến trường hợp của Hạnh, các vị dân biểu, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức cũng như bạn bè liên tục lên tiếng cũng như viết các kiến nghị… tôi nghĩ cũng có tác động đến nhà cầm quyền”, ông Chênh đánh giá. “Nhưng chắc phần lớn là do Hạnh bị bệnh nặng, mà theo luật pháp đáng lẽ do bị bệnh như vậy thì phải được tại ngoại để chữa bệnh”.

Bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, nêu ý kiến với VOA rằng việc chính quyền Việt Nam giam giữ một tù nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo như trường hợp của bà Hạnh là vi phạm luật pháp của chính nước này.

“Chị Nguyễn Thúy Hạnh bị ung thư và phải chữa bệnh trong tù. Ngay theo luật pháp của Việt Nam, chuyện giam cầm một người trọng bệnh như ung thư thì đã vi phạm Bộ luật Hình sự của Việt Nam”.

Điều 29 của Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam quy định rằng trong quá trình tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, khi người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo thì được miễn trách nhiệm hình sự.

Trước khi xét xử bà Hạnh, nhà chức trách Việt Nam đã đưa bà đi giám định tâm thần và điều trị tâm thần trong khoảng thời gian khá dài.

Ngay sau khi bà Hạnh bị bắt vào tháng 4/2021, Cộng hoà Czech lên tiếng bày tỏ “quan ngại” và kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do “ngay lập tức” cho bà.

Vào tháng 11/2021, các báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam giải trình về việc bắt giam bà Hạnh.

Đến tháng 6/2023, chính quyền Việt Nam phản hồi, cho rằng từ năm 2011, bà Hạnh đã tham gia nhiều “hoạt động phức tạp như: tụ tập đông người trái phép; đòi hỏi trả tự do cho người vi phạm pháp luật; có hành vi mất trật tự tại cơ quan nhà nước; viết bài đăng trên Facebook cung cấp thông tin không chính xác về các sự kiện tiêu cực nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống cá nhân, tổ chức”.

Ngoài ra, chính quyền Việt Nam còn quy trách nhiệm rằng việc thành lập quỹ 50K của bà là để “tài trợ và cổ vũ cho những người vi phạm luật an ninh quốc gia”, bao gồm cả việc nhận tài trợ từ các “tổ chức, cá nhân có ý đồ, âm mưu lật đổ nhà nước”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG