Một số nhà hoạt động vì dân chủ ở thành phố Hồ Chí Minh cho VOA hay nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh đã bị nhà chức trách thành phố bắt hôm 6/11.
Các nguồn tin nói ông Lưu Văn Vịnh, 47 tuổi, đã bị công an Tp.HCM “mời lên phường làm việc” vào giữa trưa 6/11, sau đó vào lúc 2h chiều cùng ngày ông đã bị “dẫn về khám xét và đọc lệnh bắt tại nhà riêng”. Ông Vịnh bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.
Tin tức về vụ bắt giữ này chưa xuất hiện trên báo chính thống của Việt Nam. VOA chưa thể liên lạc được với nhà chức trách Tp.HCM để xác nhận tin này.
Ông Vịnh được biết đến như là một trong những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam song ông không nổi tiếng đối với công chúng. Trên Facebook, ông có tài khoản mang tên Vịnh Lưu.
Hồi tháng 7 năm nay, ông Vịnh đã tuyên bố thành lập “Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết” với mục tiêu đòi Đảng Cộng sản Việt Nam trao trả quyền lực cho nhân dân và phải trưng cầu dân ý đối với các vấn đề hệ trọng quốc gia.
Các nguồn tin ở Tp.HCM cho VOA biết cũng trong ngày 6/11 một số người thuộc Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết cũng bị bắt trong đó có ông Nguyễn Văn Đức Độ, 41 tuổi.
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi, cháu gái của ông Độ, nói với VOA vào cuối buổi chiều 7/11 rằng cho đến thời điểm đó ông Độ vẫn “mất tích” và nhà chức trách không xác nhận họ đã bắt ông Độ.
Nhận định về vụ bắt ông Vịnh và ông Độ, nhà hoạt động Hoàng Dũng cũng ở Tp.HCM nói với VOA:
"Anh Vịnh Lưu anh ấy mới tham gia một tổ chức được tạm gọi là tổ chức đối lập chính trị, tức là nó công khai kêu gọi Đảng Cộng sản phải từ bỏ quyền lực. Thì đấy là một cái rất là kỵ với phía bên Đảng Cộng sản về cái vấn đề đấy. Thế nên đấy có thể là lý do chính người ta bắt anh Vịnh Lưu. Thế còn anh Nguyễn Độ thì tôi cũng không rõ ràng lắm về cái chuyện này."
Chỉ 4 ngày trước, nhà chức trách thành phố cũng đã bắt giữ ông Hồ Văn Hải với cáo buộc ông “phát tán thông tin, tài liệu chống phá nhà nước XHCN Việt Nam” qua Facebook và blog.
Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ họ thấy khó hiểu về những vụ bắt giữ liên tiếp gần đây, trong đó những người bị bắt không phải là những nhà hoạt động cực kỳ nổi bật hoặc có tầm ảnh hưởng to lớn.
Ông Hoàng Dũng cho rằng các vụ bắt giữ có thể có mục đích hăm họa. Ông nói:
“Người ta bắt thì người ta cũng phải cân nhắc đạt được nhiều mục tiêu nhất. Bắt những người chưa nổi hẳn thế này thì nó cũng có mục tiêu là người ta dọa những người bình thường khác. Bởi vì nếu bắt những cá nhân nổi tiếng, hay những cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn, dư luận người ta sẽ tự giải thích ‘mình làm sao mình giỏi như người ta mà bị bắt’, thì những người bình thường người ta lại cứ tiếp tục hoạt động. Thế những bắt những người chưa đến mức nổi lắm nhưng cũng kha khá được nhiều người biết đến thì cũng làm những người bình thường khác giật mình, sợ và tụt lại”.
Lâu nay, Mỹ và các nước phương Tây thường bày tỏ quan ngại về các vụ bắt bớ và xét xử các nhà hoạt động ở Việt Nam. Họ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động, cũng như cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt.