Tết Nhâm Dần làm nổi bật những thách thức mà các cơ sở kinh doanh của người Việt tại Mỹ phải đối mặt trong khi chật vật tìm cách đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong dịp lễ giữa tình trạng thiếu hụt rộng khắp cả nước.
Vấn đề đặc biệt rõ trong lĩnh vực ăn uống, một lĩnh vực vốn đang gắng gượng phục hồi sau những đợt đóng cửa kéo dài do những quy định về COVID-19 trong hai năm qua và giờ đang chứng kiến giá cả tăng vọt vì nguồn nhân công và nguyên vật liệu hạn chế.
Nhu cầu tiêu thụ của nhiều người Việt thường tăng cao trong các dịp Tết nguyên đán, các chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm cho biết, với các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, kẹo mứt luôn là những mặt hàng có doanh số lớn nhất. Tại những vùng nơi người Việt tập trung đông đúc ở Mỹ, nhu cầu này đặc biệt lớn và một số cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng.
Bà Trần Kim Ánh là người quản lý nhà hàng Vân ở thành phố Garden Grove, miền nam bang California, nơi cũng chuyên gói bánh chưng và bánh tét bán trong dịp Tết. Bà nói năm nay nguyên vật liệu “thiếu thốn đủ mặt hết” từ đậu xanh, nước mắm cho tới lá chuối.
“Những cái giấy bóng plastic [để bao bên ngoài bánh] mọi khi mua ở Costco bây giờ có thời gian hạn chế mỗi người mua có một cuộn. Cái đó cũng thiếu mua không ra luôn. Còn nếu không thì mình phải lên mạng mua thì nó đắt ơi là đắt,” bà kể. “Lá chuối cũng thiếu, nếp, rồi đậu xanh cũng vậy. Đâu phải cái gì mình cũng trữ được, chỗ đâu mà trữ. Thành thử ra xay hết rồi đi mua đậu xanh không có.”
Sự thiếu hụt đẩy giá cả nguyên vật liệu lên cao. Bà Kim Ánh nói một thùng lá bình thường giá 25 đô la nhưng gần đến Tết lên tới 32 đô la và cận Tết là 60 đô la.
“Giá bánh vì vậy mà cũng tăng lên nhiều. Mình tăng lên có mấy đồng bạc cho một tấm bánh thôi bởi vì biết là bà con người ta cũng khó khăn mà cũng không có đủ cho cái tiền mà mình phải trả thêm. Nhưng mà mình còn sống được là thôi được rồi.”
Năm nay bánh chưng của tiệm bà bán ở mức giá 27 đô la một cái, cao hơn bốn đô la so với năm ngoái. Bánh tét cũng cao hơn, ở mức 25 đô la.
Ở bờ Đông của nước Mỹ cũng có sự thiếu hụt nguyên vật liệu, dù tình hình có phần ít trầm trọng hơn vì nhu cầu ở đây không cao như ở bờ Tây, do số lượng người gốc Việt ít hơn.
Ông Vinh Trần, chủ tiệm bánh Kim Phụng ở Falls Church, bang Virginia, cho biết năm nay bánh chưng của tiệm ông cũng tăng giá lên khoảng 24-25 đô la một cái, cao hơn ba đô la so với những năm trước. Ông nói ông không gặp quá nhiều khó khăn khi mua những nguyên vật liệu cần thiết để làm bánh nhưng đáp ứng nhu cầu kẹo mứt là một thách thức lớn trong những ngày cận Tết.
“Năm nay vấn đề chuyên chở và vấn đề hàng hóa rất là giới hạn, hiếm hoi. Chẳng hạn như mứt của mình đa số nhập từ California qua nhưng chuyên chở rất là khó khăn. Cái tuần cuối cùng của Tết thì hàng mình mới về được, và số hàng đó trước ngày Tết hầu như đã hết trơn không còn hàng để bán nữa,” ông nói.
Nhưng thiếu nguyên vật liệu không phải là vấn đề duy nhất. Nhiều nhà hàng và quán ăn ở Mỹ đang lâm vào tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề và thậm chí nhiều nơi phải đóng cửa.
Vào tháng 11 năm ngoái, 4 triệu rưỡi người Mỹ bỏ việc và 1 triệu trong số này là nhân viên làm trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn, theo số liệu của Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ lao động Mỹ. Đó là kỉ lục số người bỏ việc trong một tháng tính chung, cũng như kỉ lục mới cho lĩnh vực này, theo Business Insider.
Các chuyên gia nhận định những người làm việc trong các lĩnh vực trả lương đang từ bỏ những công việc này để tìm kiếm những công việc trả lương cao hơn. Thật vậy, dịch vụ nhà hàng khách sạn là lĩnh vực trả lương thấp nhất mà Cục Thống kê Lao động theo dõi, với mức lương trung bình là 19,2 đô la/giờ, tính tới tháng 11 năm 2021.
Bà Kim Ánh cho biết nhiều nhân viên của bà đã không quay trở lại làm việc sau một thời gian dài nghỉ việc trong các đợt đóng cửa vì phong tỏa. Họ không quay trở lại sau khi nhà hàng tái mở cửa vì đã kiếm được những công việc mới, bà nói. Chính vì thế bà rất chật vật trong việc gói bánh Tết vì thiếu nhân công và do đó không thể đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng.
Dù vậy, bà nói, nhờ vừa bán bánh Tết vừa phục vụ món ăn tại chỗ nên hoạt động kinh doanh của bà vẫn có lời trong dịp Tết.
“Tôi có đi vòng vòng coi các nhà hàng khác mà người ta không có gói bánh, người ta cũng khốn khổ qua cái mùa này lắm.”
Ông Vinh cho biết hoạt động kinh doanh của ông vẫn không có mấy khác biệt trong dịp Tết năm nay. Khách hàng vẫn kéo đến tiệm vì nhiều người vẫn duy trì truyền thống mua sắm Tết đầy đủ để đón năm mới tươm tất. Nhưng về lâu dài, tình hình kinh doanh vẫn còn những bất định tiềm ẩn, nhất là khi đại dịch virus corona vẫn còn là mối lo ngại đối với nhiều người.
“Thường thường sau Tết thì chậm hơn, nhưng suy đoán về vấn đề buôn bán cũng khó nói lắm,” ông nhận định.