Đường dẫn truy cập

Đầu tư nước ngoài quan tâm việc Việt Nam chống tham nhũng


Các công ty nước ngoài có cái nhìn tích cực về chống tham nhũng ở Việt Nam
Các công ty nước ngoài có cái nhìn tích cực về chống tham nhũng ở Việt Nam

Các nhà phân tích tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sẽ hoan nghênh các thông lệ kinh doanh công bằng và khả đoán hơn khi chính phủ điều tra những người đứng đầu các công ty địa phương về tham nhũng.

Một số công ty nước ngoài có thể rà soát để đảm bảo là sổ sách kế toán sạch sẽ vào lúc các công tố viên điều tra các giám đốc điều hành tại các công ty Việt Nam do có nghi vấn về tham nhũng. Các nhà kinh tế dự đoán rằng hầu hết mọi người sẽ ca ngợi cuộc trấn áp đó như là bước tiến tới minh bạch, công bằng trong kinh doanh, và các công ty đối tác địa phương được điều hành tốt hơn.

Ông Song Seng Wun, nhà kinh tế thuộc bộ phận ngân hàng tư nhân của CIMB ở Singapore, nói: "Việc chống tham nhũng, theo tôi cho đến nay, dường như được đón nhận tốt. Ít nhất là trên bề mặt, có nỗ lực chống tham nhũng và làm cho minh bạch hơn trong cách thức kinh doanh như là một cách để đảm bảo nền tảng vững chắc hơn".

Sự tin tưởng gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, những người thích Việt Nam vì đất đai và lao động rẻ, sẽ giúp duy trì nền kinh tế tổng thể của đất nước Đông Nam Á.

Đầu tư nước ngoài góp phần ổn định GDP trị giá 202 tỷ đô la của Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Các chuyên gia kinh doanh cho biết, các công ty nước ngoài có thể rà soát lại các thủ tục kế toán và xử lý tiền nội bộ để đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy định, đề phòng trường hợp một nhân viên bất mãn liên lạc với nhà chức trách.

Ralf Matthaes, giám đốc điều hành của Infocus Mekong Research, một công ty nghiên cứu thị trường ở thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng các công ty phương Tây thường tuân theo luật chống tham nhũng nghiêm ngặt của Anh khi ở Việt Nam, mặc dù các nhà đầu tư từ các nơi khác ở Châu Á có thể sử dụng các tiêu chuẩn khác.

Hãng xe hơi Ford và Intel nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài nổi tiếng nhất. Nhưng phần lớn vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Đài Loan. Các nhà máy của nước ngoài thường sản xuất hàng hoá, từ may mặc cho đến điện thoại thông minh, để xuất khẩu.

Dustin Daugherty, chuyên viên cao cấp về tình báo kinh doanh thuộc công ty tư vấn Dezan Shira & Associates ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Có sự khác biệt giữa các quốc gia khác nhau”.

Nói chung, ông nói, "Đến nay, họ theo hướng tuân thủ nhiều hơn. Họ quan tâm hơn đến việc tuân thủ các quy tắc, ít đi tắt hơn”.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tại Việt Nam đạt 29,68 tỷ đô la tính đến ngày 20/12, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016.

Các công ty trong nước và nước ngoài thường hưởng lợi từ nhau hơn là cạnh tranh. Ví dụ, các nhà cung cấp địa phương cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy nước ngoài, hoặc hỗ trợ ở phần cuối chu trình sản xuất, kinh doanh.

Nhưng một công ty sạch có thể bị thua thiệt trong các giao dịch đất đai, trợ cấp hoặc mua sắm của chính phủ nếu cạnh tranh với một công ty dính dáng đến tham nhũng sẵn sàng trả công.

Theo Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Úc, rốt cuộc các công ty nhà nước cũng sẽ có thể đối đầu với các công ty nước ngoài. Sự thay đổi đó sẽ làm tăng tính cấp bách về việc cần có sự công bằng trong kinh doanh.

Theo ông, các quan chức Việt Nam đang "cố gắng một lần với nỗ lực mới nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá và tư nhân hóa chúng, làm cho chúng có hiệu quả hơn để chúng có thể cạnh tranh với nước ngoài, cũng như đi tới các nước khác và hoạt động".

Ông Thayer, người chuyên về các vấn đề Đông Nam Á, cho rằng tham nhũng "dường như không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài nhưng nó làm tổn thương Việt Nam”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG