Một giới chức cấp cao Liên Hiệp Quốc kêu gọi mở một cuộc điều tra về vụ không kích nhắm vào một trại tị nạn Syria đã giết chết mấy mươi người ngày 5/5, và cho rằng cuộc tấn công này có thể được coi là một tội ác chiến tranh.
Có ít nhất 30 người thiệt mạng tại trại tị nạn Kamouna gần Sarmada tại tỉnh Idlib ở miền Bắc Syria, hàng chục người khác bị thương, theo các Ủy ban Phối hợp Địa phương, gọi tắt là LCC, một mạng lưới gồm các nhà hoạt động chống Tổng thống Assad.
Một nhóm hoạt động theo dõi tình hình Syria khác là Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, định con số tử vong thấp hơn, là 28 ca, kể cả phụ nữ và trẻ em, nhưng nhóm này khuyến cáo các số liệu của họ có phần chắc sẽ tăng cao.
Ông Stephen O’Brien, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách các vấn đề nhân đạo, nói chính quyền Syria bị tình nghi đã thực hiện cuộc tấn công, ông tuyên bố bất cứ ai thực hiện “hành động tàn bạo” này sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trước Liên Hiệp Quốc.
Chỉ vài giờ sau khi các giới chức Nga và Syria xác nhận cuộc ngưng bắn đã được nới rộng tới Aleppo, các chính khách đối lập báo cáo có nhiều máy bay chiến đấu, hoặc của chính phủ Syria hoặc của Nga đã tiến hành cuộc không kích gây nhiều chết chóc tại địa điểm nằm cách nơi từng là thủ đô thương mại của Syria có 30 km, trúng một trại tị nạn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới hoạt động nói có 2 phi đạn rơi trúng trại tị nạn này.
Ông Josh Earnest, người phát ngôn của Tổng thống Barack Obama nói về những người tị nạn như sau:
“Đây là những người đang trong tình huống tuyệt vọng nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng, không có lý do nào có thể biện minh cho việc tiến hành một hành động quân sự nhắm tấn công họ”.
Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, các giới chức cho biết họ đang tìm hiểu thêm chi tiết về vụ này.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói:
“Chúng tôi đã đọc báo cáo, kể cả những lời tố cáo rằng đó là các cuộc tấn công do chế độ cầm quyền (ở Syria) thực hiện. Chúng tôi đang tìm hiểu thêm chi tiết về những gì đã xảy ra, nhưng không có một lý do nào có thể biện minh cho các cuộc tấn công nhắm vào thường dân ở Syria”.
Được hỏi liệu cuộc không kích có củng cố lập luận mà phe nổi dậy và Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra từ nhiều tháng qua, cho rằng cần phải thiết lập các khu vực cấm bay để bảo vệ hơn 100.000 người Syria bị buộc phải dời cư trong nội địa và đang ở miền Bắc Syria? Ông Toner nói: "Chúng tôi không muốn thiết lập các khu cấm bay đặc biệt. Điều mà chúng tôi đang dồn nỗ lực làm việc là thiết lập một tình trạng ngưng các hành động thù nghịch trên toàn lãnh thổ Syria, mà chúng tôi tin là có thể kéo dài và củng cố về lâu về dài".
Giới hoạt động vẫn một mực tố cáo chế độ cầm quyền ở Syria đứng sau vụ không kích. Đây không phải là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của chính phủ Syria bị tố cáo là tấn công các trại tị nạn.
Nhưng họ nói rằng họ không thể đoan chắc liệu các chiến đấu cơ này là thuộc Không lực Syria hay là chiến đấu cơ của Nga. Các hình ảnh chụp sau vụ không kích cho thấy cảnh các lều trại màu xanh của người tị nạn bị cháy đen.
Liên minh Quốc gia Syria, phe đối lập Syria được Tây phương hậu thuẫn, cũng quy lỗi cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.